Thái cực truyền kỳ - Dương Lộ Thiền 18 năm gian nan học quyền
Kỳ cuối: bí kíp thịnh truyền, danh lưu hậu thế
Từ ngày rời Trần Gia Câu, Dương Lộ Thiền hơn 20 năm dạy võ nhưng không hề thu nhận một đệ tử chính thức nào. Người kế thừa toàn bộ võ công Thái Cực Quyền của họ Dương là hai người con trai của Dương. Sau này, người ta gọi Thái Cực Quyền của Dương Lộ Thiền là Thái Cực Quyền của họ Dương (Dương thị Thái Cực Quyền) phần nào cũng bởi Dương Lộ Thiền và các thế hệ sau của họ Dương ít khi truyền môn võ này ra ngoài.
Dương Lộ Thiền có ba người con trai: Phượng Hầu, Ban Hầu và Kiện Hầu. Khi Dương Lộ Thiền từ Trần Gia Câu học được chân truyền Thái Cực Quyền của Trần Trường Hưng trở về thì tuổi đã ngoài ngũ tuần. Phượng Hầu lúc nhỏ cũng theo cha học võ nhưng lúc này đã có gia đình nên đành bỏ nghiệp võ, chỉ còn lại Ban Hầu và Kiện Hầu theo Dương Lộ Thiền lên kinh rồi cùng cha vào giáo luyện tại phủ Đoan Vương.
Dương Ban Hầu (1837 – 1892) là con trai thứ hai của Dương Lộ Thiền, từ nhỏ đã được Dương Lộ Thiền rèn luyện nghiêm khắc nên lớn lên công phu cũng lừng lẫy một thời. Ban Hầu tính khí ôn hòa nhưng cương nghị thẳng thắn. Một lần, một vị võ sư từ phương xa tìm tới đồi quyết đấu. Người này từng đi du đấu khắp 7 tỉnh và đều giành thẳng lợi, người ta gọi là võ sư “lực ngàn cân”. Nghe tin người này tới tìm quyết đấu, Dương Lộ Thiền cho rằng loại người này không đáng để quan tâm, nhưng Ban Hầu thì kiên quyết nói: “Cửa hàng chúng ta mở có hàng hóa hẳn hoi, người ta đến mua, sao lại không bán?”. Nói rồi lẳng lặng tìm đến lầu Tây Tứ Bài, nơi “lực ngàn cân” hẹn quyết đấu đồng thời viết giấy quyết đấu sinh tử với võ sư này. Đối phương cậy thế to lớn, xông vào tấn công Ban Hầu ngay từ khi trận đấu bắt đầu. Nhưng chỉ đến chiêu thứ hai, Ban Hầu hét lớn một tiếng, mọi người chưa kịp nhìn rõ mọi việc thì “lực ngàn cân” đã ngã vật xuống đất. Ban Hầu ung dung trở về phủ Đoan Vương.
Dương Kiện Hầu (1839 - 1917) là con trai thứ ba của Dương Lộ Thiền. Kiện Hầu tư chất võ công tốt hơn hai anh trai mình nhưng tính tình cực kỳ ôn hòa. Võ công cao siêu nhưng đấu với ai, Kiện Hầu cũng không hề có ý khinh địch. Vì vậy, mỗi lần tham gia quyết đấu, Kiện Hầu đều chiến thắng dễ dàng. Chính con trai của Dương Kiện Hầu, Dương Trừng Phủ sau này đã là người tạo nên sự danh tiếng và phồn vinh của Thái Cực Quyền họ Dương.
Nhà cũ của Dương Lộ Thiền, bây giờ làm bảo tàng.
Trong thế hệ thứ 3 của nhà họ Dương theo nghiệp võ, dù là con thứ ba nhưng Dương Trừng Phủ là người thông minh mẫn tuệ bậc nhất. Trừng Phủ từ nhỏ đã theo cha mình Kiện Hầu học võ nghệ. Cho đến tận năm 1917 khi Kiện Hầu mất, Trừng Phủ mới nam hạ, đến Vũ Hán, Nam Kinh,… dạy quyền thuật. Sau đó, Trừng Phủ còn nhận được nhiều lời mời làm chức giáo luyện, phụ trách võ thuật ở các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông…
Tuy học Thái Cực Quyền từ Trần Trường Hưng, nhưng để dạy cho những người ở phủ Quảng Bình, vùng đất vốn không có truyền thống võ họ, Dương Lộ Thiền đã thêm vào Thái Cực Quyền của họ Trần rất nhiều thay đổi, khiến Thái Cực Quyền trở nên hợp lý hơn, đại chúng hơn, tất cả mọi người đều có thể luyện tập được. Cho đến năm 1930, khi Trừng Phủ cho in cuốn “Thái Cực Quyền thể dụng toàn thư” thì Thái Cực Quyền của họ Dương đã được đông đảo người dân phổ thông đón nhận như là một môn võ rèn luyện thân thể. Đến nay, đã ngót 150 năm kể từ khi Dương Lộ Thiền bắt đầu dạy võ ở phủ Quảng Bình, Thái Cực quyền của họ Dương đã trở thành Quốc Truyền của Trung Quốc được hàng tỉ người biết tới. Và người ta không ai quên rằng, môn võ đại chúng ấy có một ông tổ mà tên tuổi lẫy lừng được xây dựng từ những cuộc quyết đấu, Dương Lộ Thiền – Dương Vô Địch
(Lâm Lai Hưng)
Các phần tiếp theo của Thái cực truyền kỳ: Dương Lộ Thiền 18 năm gian nan học quyền
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe