NGUỒN GỐC DƯƠNG THỨC THÁI CỰC QUYỀN
Dương Lộ Thiền (楊露禪)
Dương thị Thái cực quyền khởi đầu từ Dương Lộ Thiền (杨 露 禅) (1799- 1872), còn được gọi là Dương Phúc Khôi (福 魁). Ông sinh ra tại huyện Vĩnh Niên – Tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc (河北, 广 平 府 永年 县). Khi còn trẻ, ông đến Trần Gia Câu ở tỉnh Hà Nam để học Thái cực quyền từ Trần Trường Hưng. Trần sư phụ luôn có dáng đứng thẳng không nghiêng ngả giống biển hiệu bằng gỗ, và do đó người ta gọi ông là Ông Bài vị. Lúc đó, có rất ít người ngoài của gia tộc họ Trần được học được từ Trần Trường Hưng. Bởi vì Dương là một học trò ngoại tộc, ông được đối xử không công bằng, nhưng vẫn ở lại và kiên trì luyện tập.
Một đêm, ông bị đánh thức bởi các tiếng hít thở gần đó. Ông dậy và tìm đến nơi phát ra tiếng động ở một tòa nhà cũ. Nhìn qua bức tường hỏng, ông nhìn thấy thầy mình Trần Trường Hưng đang giảng dạy các kỹ thuật tóm bắt, cầm nã và phát kình phối hợp với hơi thở. Điều này làm ông ngạc nhiên và từ đó, không để thầy mình biết, ông tiếp tục bí mật xem việc luyện tập hàng đêm. Sau đó ông sẽ trở về phòng của mình để suy ngẫm và nghiên cứu. Do vậy, võ công của ông tiến bộ nhanh chóng. Một ngày nọ, Trần sư phụ bảo ông thử tay với các đồng môn khác. Thật ngạc nhiên, không ai trong số các đệ tử khác có thể đánh bại ông. Trần sư phụ nhận ra rằng Dương có căn cơ tốt và sau đó đã chân truyền cho ông các bí mật bản môn.
Sau khi Dương Lộ Thiền học xong, ông trở về quê hương của mình và truyền dạy Thái Cực Quyền một thời gian. Mọi người gọi môn võ của ông là Dương gia quyền (楊拳), Miên Quyền (綿拳), Hóa Quyền (化拳) bởi vì thủ pháp mềm mại và có thể hóa giải sức mạnh của đối phương. Sau đó ông đến Bắc Kinh và dạy võ cho quan lại Thanh triều. Ông thường mang theo 1 cây thương và 1 túi nhỏ và đi các nơi trên đất nước, giao đấu với nhiều người. Mặc dù qua nhiều trận đấu, ông không bao giờ làm tổn thương bất cứ ai. Bởi vì công phu cao không ai có thể đánh bại ông. Do đó, ông được gọi là "Dương vô địch". Ông có 3 người con trai, là Dương Ban Hầu, Dương Kiện Hầu và một người con cả mất khi còn trẻ. Vì vậy, chỉ hai người con trai sau đã theo được nghiệp võ của ông.
Dương Ban Hầu (楊班侯)
Người con thứ hai của Dương gia là Dương Ban Hầu. Ông học Thái Cực Quyền của cha mình từ khi còn bé. Mặc dù ông liên tục luyện tập chăm chỉ, ông vẫn bị cha đánh mắng. Ông rất giỏi thực chiến. Một ngày nọ ông bị một cao thủ thách đấu. Khi đối thủ bắt được cổ tay của ông, và sẽ không để cho ông thoát ra, Dương Ban Hầu dụng kình làm đối thủ văng ra và đánh bại anh ta. Lúc đó ông rất tự hào và về nhà kể cho cha mình. Thay vì lời khen ngợi, cha của ông cười nhạo ông vì tay áo của ông đã bị rách. Sau đó, ông luyện tập càng chăm chỉ hơn và cuối cùng trở thành một danh gia Thái Cực Quyền. Thật đáng tiếc, ông không thích truyền dạy nhiều đệ tử, vì vậy công phu của ông đã không được truyền thụ rộng rãi sau khi ông mất. Một đệ tử của ông là Ngô Toàn Hựu sau này truyền cho con trai là Ngô Giám Tuyền, sau này trở thành Ngô thức Thái Cực Quyền.
Người con thứ ba của Dương Lộ Thiền là Dương Kiện Hầu. Ông cũng học Thái cực quyền từ cha mình từ khi còn trẻ. Do tính tình mềm mại và nhẹ nhàng hơn anh mình nên có nhiều đệ tử theo học. Ông dạy ba loại giá thức: đại giá, trung giá và tiểu giá, mặc dù ông sử đắc nhất là trung giá, rất thiện nghệ phối hợp cương nhu kình. Ông hay giao đấu với các môn đệ dùng đao hoặc kiếm, trong khi sử dụng chỉ 1 bàn cái chổi. Khi chổi của ông đánh vào vào cổ tay của đối phương, người đệ tử không thể chống lại mà bị đánh văng ra. Ông cũng rất giỏi thương thuật và côn thuật. Khi trường thương hay trường côn chạm vào vũ khí của đối thủ, đối thủ không thể tiếp cận được ông, mà bị đánh văng đi. Ông thường luyện ném bi sắt, có thể bắn trúng ba bốn con chim một lúc. Màn trình diễn ấn tượng nhất mà ông thực hiện là đặt một con chim sẻ trên tay. Con chim không thể bay đi bởi vì để bay lên, nó phải đạp xuống và sử dụng phản lực để bay lên. Dương Kiện Hầu cảm nhận được lực đạp chân của con chim và hóa giải lực này, làm cho nó không thể bay lên được. Do vậy mọi người có thể thấy thính kình và hóa kình của ông đã đạt trình độ rất cao.
Con trai cả của Dương Kiện Hầu là Dương Tiểu Hầu (1862-1929), ông luyện Thái cực quyền từ khi sáu tuổi. Ông có cá tính mạnh mẽ và kiên trì, rất giỏi thực chiến như chú mình là Ban Hầu. Ông sở đắc trình độ cao về Thái cực quyền, đặc biệt là tiểu giá với kỹ thuật nhanh nhẹn và trầm vững. Bởi vì tính cách của mình, ông không có nhiều đệ tử và có một con trai là Dương Chấn Thanh.
Dương Trừng Phủ (楊澄甫)
Con trai thứ ba của Dương Kiện Hầu là Dương Trừng Phủ. Tính tình của ông hòa nhã và nhẹ nhàng. Khi ông còn trẻ, ông đã không chuyên tâm về võ thuật mà đến khi tuổi thanh niên ông mới bắt đầu học Thái cực quyền với cha mình. Khi cha ông còn sống Dương Trừng Phủ chưa thực sự thấu hiểu các yếu quyết của Thái cực quyền. Cho đến khi cha ông qua đời vào năm 1917 ông bắt đầu tập luyện chuyên cần. Cha của ông đã giúp ông thành thạo kỹ thuật cơ bản, và sau nhiều năm luyện tập và tìm hiểu, cuối cùng ông có thể tiếp cận đến trình độ của cha và ông nội. Theo kinh nghiệm của mình, ông đã sửa đổi Thái cực quyền của cha mình và chú trọng vào đại giá. Sự nhấn mạnh này đã hoàn toàn khác với người cha và anh trai của mình.
Ông là võ sư Thái cực quyền đầu tiên truyền dạy công phu của gia tộc cho công chúng. Vì tính tình hiền lành ông có rất nhiều đệ tử. Khi Nam Kinh Võ Thuật Quán thành lập năm 1928, ông được mời làm quán trưởng, và tên tuổi được biết đến trong cả nước. Ông đã có 4 con trai: Dương Chấn Minh, Dương Chấn Phong, Dương Chấn Đạo, và Dương Chấn Cơ.
Ba loại giá thức Thái cực quyền
Dương thức Thái cực quyền có thể chia làm ba loại chính: Đại giá, Trung giá và Tiểu giá. Và tấn pháp cũng chia làm 3 mức độ: cao, trung, thấp. Đại giá được Dương Trừng Phủ chú trọng. Ông dạy rằng tấn có thể cao, thấp hoặc trung bình nhưng tư thế luôn cần khai triển mở rộng, mềm mại. Đại giá đặc biệt phù hợp với tập dưỡng sinh. Trung giá yêu cầu các tư thế không quá mở rộng hoặc quá thu hẹp, nội kình không quá thu giữ cũng không quá phát phóng. Do vậy tư thế và kình lực cũng mượt mà và liên quán hơn hai loại giá kia. Trung giá do Dương Kiện Hầu truyền dạy. Tiểu giá với các tư thế gọn, vận động nhanh, nhẹ do Dương Tiểu Hầu truyền dạy. Tiểu giá nhấn mạnh đến ứng dụng chiến đấu. Tóm lại để chiến đấu tiểu giá là phù hợp nhất mặc dù khó luyện nhất, trong khi đại giá lại phù hợp với tập dưỡng sinh.
Sưu tầm
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe