BÁI SƯ
(Trích dịch từ: Bai Shi by Dan Docherty)
Chữ “Bái” (拜)trong tiếng Trung có hình tượng 2 bàn tay giao nhau. Đây là cử chỉ hành lễ của người Trung Quốc thể hiện sự tôn thờ Thượng đế hoặc với người có vị thế đặc biệt như Thầy; theo nghĩa rộng nó là sự tôn kính. Theo tiếng Quảng Đông “Sifu” là từ chỉ người dạy võ thuật Trung Quốc (cũng như chỉ người có trình độ cao trong bất cứ lĩnh vực nào). Tiếng phổ thông của Trung Quốc là “Shi Fu”. Chữ “Shi” (师) đứng đầu của một từ hàm nghĩa người đứng trên người khác với vai trò lãnh đạo, tương đương với từ Master.
(Thầy Tiêu Duy Giai thu nhận để tử lần thứ nhất năm 2011)
Trong tiếng Trung, có 2 chữ Phụ (Fu) khác nhau cùng được phát âm là Sư Phụ (Shifu/Sifu ) 师傅、师父. Chữ đầu tiên có nghĩa là người chủ động hoặc sắp đặt như thầy giáo, người hướng dẫn, anh lái xe. Chữ thứ 2 có nghĩa là Cha có hình tượng là một cái tay cầm một cái que hay cái rìu, người Cha là người chủ và lãnh đạo một gia đình.
Một từ khác chỉ người thầy là “Lao shi” (老师) có nghĩa là “Lão sư”, trong xã hội Trung Quốc truyền thống từ Lão là chỉ người có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết sâu. Tuy nhiên, từ này thường được sử dụng phổ biến cho lĩnh vực thư pháp hay hội họa hơn là chỉ người dạy võ thuật. Kể từ sau Cách mạng, chính phủ Trung Quốc xóa bỏ chế độ phong kiến thì không khuyến khích sử dụng những từ này mà khuyến khích dùng từ mới thay thế là “Giáo luyện - Jiao Lian” (教练) có nghĩa là huấn luyện viên/người đào tạo.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Tại sao hầu hết người luyện võ thuật Trung Quốc ở phương Tây không biết tới nghi lễ Bái sư? Tại sao Bái sư không được phổ biến rộng rãi? Mục đích của Bái sư là gì? Liệu nghi thức Bái sư còn duy trì được trong xã hội hiện đại?
Chúng ta hãy cùng xem xét hoàn cảnh văn hóa ra đời nghi thức Bái Sư. Thứ nhất, trong bất kỳ xã hội nào một trật tự sắp xếp là điều tất yếu; dưới tác động của Đạo Khổng với quan niệm về chữ hiếu của đạo làm con, cũng như quan niệm tôn sư trọng đạo được xã hội Trung Quốc đặc biệt đề cao. Thứ hai, mối liên hệ lâu đời đan xen giữa võ thuật Trung Hoa với tôn giáo và triết học; làm cho những yếu tố của tôn giáo, triết học và y học hòa nhập vào trong võ thuật. Việc sử dụng chữ “Bái” làm nổi bật những nội dung này.
(Thầy Tiêu Duy Giai thu nhận đệ tử lần thứ 2 năm 2014)
Vậy Bái sư là gì?
Trong giới võ thuật Trung Quốc đây là một nghi lễ mang yếu tố tinh thần theo đó một vị Thầy cho phép một hoặc nhiều học trò được “Nhập môn” và trở thành những Đệ tử.
Ban đầu là công bố những điều kiện bắt buộc cho học trò được phép Bái sư, nếu học trò đồng ý chấp thuận thì buổi lễ mới được tiến hành. Thông thường nghi thức này được diễn ra ngay tại nhà Thầy hoặc nơi tôn nghiêm có đặt chân dung vị thầy sáng lập môn phái - là sư tổ. Theo thông lệ nhưng không bắt buộc, học trò phải có hồng bao gửi Thầy, màu đỏ nói lên sự may mắn, an lành và sẽ là khiếm nhã nếu để lộ tiền bên trong hồng bao. Sau đó, người Thầy đặt hoa quả lên trước chân dung sư tổ và châm hương rồi đưa cho mỗi học trò bái sư. Học trò bái sư nhận hương, quỳ xuống trước chân dung sư tổ mà khấu đầu 3 lần tỏ lòng thành kính tri ân sư tổ rồi quay sang khấu đầu người Thầy thu nhận. Sau đó, những học trò này cắm hương lên trước chân dung sư tổ. Buổi lễ kết thúc, học trò bái sư chính thức được nhập môn.
Nội dung nào được cử hành làm trước tiên trong buổi lễ Bái sư?
Học trò Bái sư phải đọc tuyên thệ với môn phái, với sư tổ, với sư huynh đệ và với chính Thầy của mình. Người Thầy chấp nhận tuyên thệ này bằng việc cho phép học trò gia nhập sư môn và đưa ra cam kết truyền thụ chân kungfu, đồng thời bắt đầu cho anh ta luyện những tuyệt kỹ bản môn như Nội công. Người học trò từ nay được gọi là “Môn đồ”, không còn chỉ là học trò thông thường.
Nghi thức kết nạp này phản ánh một trật tự sắp đặt trong những giới tu luyện ở Trung Quốc cũng như trong Phật Giáo và Đạo Giáo. Trong rất nhiều nghi thức thì lễ nhập môn này là bước đầu tiên trong một quá trình dài truyền thụ kiến thức bản môn cho người đệ tử mà nó có thể phải kéo dài hàng chục năm. Quá trình này hình thành để đào tạo đội ngũ kế thừa nắm giữ những yếu quyết hay kiến thức chuyên biệt của dòng phái.
Khát vọng thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội xưa được thể hiện qua câu nói “Núi cao thì Vua ở xa” có nghĩa rằng nơi xa xôi hẻo lánh thì ít bị chính quyền kiểm soát. Vì lẽ đó mà võ thuật thường được luyện tập ở các chùa chiền và đền miếu trên núi, điển hình như Núi Võ Đang, núi Nhị Mỹ…. Do vậy, không có gì lạ khi tục Bái sư được hình thành và phát triển trong môi trường này.
Học trò phải có phẩm chất gì để được chọn Bái sư?
Theo truyền thống, học trò phải đến tìm hiểu thầy 3 năm sau đó thầy tìm hiểu anh ta 3 năm, tổng cộng là 6 năm, nếu học trò đó thể hiện sự chân thành và quyết tâm thì anh ta mới được chấp nhận. Dĩ nhiên, quy tắc này không dễ thực hiện và đa số người đã không thể vượt qua để đến được với lễ Bái sư. Nhưng đó lại là một thực tế .