BÀN VỀ LUYỆN TẬP THÁI CỰC QUYỀN
(Dương Trừng Phủ giảng thuật, Trương Hồng Quy ghi chép)
Biên dịch: NVT TCQUM HN
Quyền thuật Trung Quốc, tuy nhiều môn phái khác nhau, để hiểu triết lý kỹ thuật bên trong, người xưa đã bỏ công sức cả đời, nhưng vẫn không thể đi đến tận cùng sự huyền diệu của nó, tất cả các môn đều như vậy, người học có bỏ công sức một ngày thì có được thành quả một ngày, ngày ngày tích lũy, nước chảy thành sông.
Thái cực quyền, chính là kỹ thuật trong nhu có cương, miên lý tàng châm (trong bông có kim), về mặt kỹ thuật, sinh lý hay lực học đều có triết lý hàm chứa. Cho nên người tập phải trải qua trình tự nhất định và thời gian dài, dù có thầy giỏi chỉ dẫn, có bạn hiền chỉnh sửa, là không thể thiếu nhưng quan trọng nhất vẫn là tự thân hàng ngày luyện tập. Nếu chỉ đàm luận cả ngày, kể chuyện ngày xưa thì khi vừa giao tay như hang trống rỗng, như người chưa tập, chẳng có nổi một ngày công phu. Người xưa gọi là “nghĩ mãi được gì, học mà như không” (chung tư vô ích, bất như học dã). Nếu như sớm chiều bất kể, nóng lạnh không đổi, một mực kiên trì, rèn luyện hăng say thì dù là già, trẻ, nam, nữ đều đến được thành công.
Gần đây, người học Thái cực quyền, từ Bắc tới Nam ngày một gia tăng, không thể không vui mừng cho sự phát triển của võ thuật mai sau. Trong số người học, có người chuyên tâm khổ luyện, thành tâm hướng học, tương lai sáng lạn, kiên trì không mệt mỏi, nhưng thông thường người học không tránh khỏi hai con đường:
- một là thiên tài có sẵn, sức trẻ mạnh mẽ, học một biết mười, thông minh hơn người, mới có tiểu thành, đã thấy hài lòng, bỏ tập giữa chừng, không đi đến đích;
- hai là mong sớm kết quả, vô ý mà thành, không đến một năm mà quyền, kiếm, đao, thương đều đã học xong, tuy có thể làm giống nhưng thực tế chưa đạt được chất, chỉ đi tìm hiểu phương hướng động tác mà trên dưới trong ngoài đều chưa phù hợp, đã muốn cải chính, thức thức đều muốn thay đổi, sáng đổi chiều quên.
Người xưa nói: “Tập quyền dung dị cải quyền nan” (tập quyền thì dễ mà sửa quyền thì khó). Câu nói này nói lên tất cả là do vội vàng muốn có thành quả. Nếu một thế hệ như vậy, lấy sai truyền sai, tất sẽ dẫn tới người người đều sai, nhất là kỹ thuật sau này chẳng biết về đâu - thật đáng lo ngại.
Thái cực quyền bắt đầu bằng luyện quyền giá trước. Gọi là quyền giá vì theo tên gọi các thức trong quyền phổ, mỗi thức đều do thầy chỉ dạy, người học dốc sức lưu tâm, lặng lẽ ghi nhớ, bắt trước thực hiện đó gọi là luyện giá tử. Giai đoạn này, người học cần chú trong ngoài, trên dưới. Cái gì thuộc về bên trong, chính là dụng ý bất dụng lực, dưới thì khí trầm đan điền, trên thì hư linh đỉnh kình. Cái gì thuộc về bên ngoài, chính là châu thân khinh linh (toàn thân nhẹ nhõm), tiết tiết quán xuyến (các khớp xương thông nhau), từ bàn chân tới đùi tới eo, trầm kiên, trụy chỏ…. Khi mới học, vận dụng các câu này, sáng tối làm theo để có được cảm nhận ở một thức một tay, cẩn thận đi tìm, trong mỗi cử động, tìm sự chính xác. Khi luyện đã thuần, mới tìm tới hai thức, cứ thế dần dần đi đến hoàn thiện. Làm được như vậy mà không thay đổi thì lâu ngày sẽ thành yếu lĩnh rèn luyện.
Trong quá trình luyện tập, khớp xương toàn thân đều phải buông lỏng tự nhiên. Thứ nhất, miệng bụng không được bế khí; thứ hai, chân tay, eo, đùi không được căng thẳng. Người học nội gia quyền phải lấy hai câu này làm đường lối luyện tập, nhưng mỗi một cử động, một lần chuyển thân, hoặc đá chân, lắc eo mà thở dốc, thân lay, thì lỗi này đều là do bế khí và căng thẳng gây nên.
Một, khi luyện tập, đầu không được nghiêng lệch hay cúi xuống, ngẩng lên, cần phải “treo đỉnh đầu”, ý như có vật gì kéo đỉnh đầu lên, cần tránh thẳng cứng, làm theo đúng ý nghĩa của từ “treo”. Ánh mắt tuy nhìn ngang, có lúc chuyển động theo thân, hướng nhìn vào hư không, cũng có khi biến đổi theo yêu cầu động tác nhưng không được rời khỏi thân pháp và thủ pháp. Miệng như mở mà không mở, như đóng mà không đóng, hít thở tất cả đều tự nhiên. Nếu như nước bọt tạo ra dưới lưỡi thì nuốt xuống bất kỳ lúc nào, không được nhổ ra ngoài.
Hai, thân mình ngay thẳng mà không dựa, cột sống và vĩ lư buông thẳng mà không lệch; nhưng khi gặp thay đổi khai hợp, vận động có hàm hung bạt bối, trầm kiên chuyển eo, lúc mới học cần phải chú ý đến khớp, nếu không lâu ngày khó sửa, chuyển động cứng nhắc, công phu có sâu nhưng khó mà dùng được.
Ba, Hai khớp bả vai đều thả lỏng, vai trầm xuống, chỏ rơi xuống, chưởng tay hơi duỗi, mũi bàn tay hơi gập. Dùng ý vận tay, dùng khí quán ngón tay, luyện tập lâu ngày, nội kình thông linh, tự thấy được sự ảo diệu.
Bốn, Hai chân phân hư thực, nâng lên đặt xuống như mèo bước. Trọng lượng có thể chuyển vào bên trái thì chân trái thực, bên chân phải thành hư; chuyển vào chân phải, thì chân phải thực, chân trái thành hư. Gọi là hư, không phải là không có gì, thế không đứt đoạn mà lưu giữ ý biến đổi co duỗi. Cái gọi là thực, xác thực là có, không dùng kình quá mức, dùng lực quá mạnh. Nếu cố giữ chân co đùi vuông góc phương thẳng mặt đất là kình quá mức. Thân mình đổ về trước là mất tư thế trung chính.
Năm, lòng bàn chân nên chia thành hai thức: đá đùi (quyền phổ ghi: tả hữu phân cước hoặc tả hữu khởi cước) và đăng cước. Khi đá đùi, chú ý mũi chân, khi đăng cước chú ý toàn lòng bàn chân, ý đến thì khí đến, khí đến thì kình tự đến, nhưng khớp đùi cần phải buông lỏng ổn định xuất ra, lúc đó rất dễ căng lực, thân mình bị cong gẫy mà bất ổn, đùi phát ra cũng vô lực vậy.
Trình tự Thái cực quyền, luyện quyền giá trước (thuộc về tay không), như thái cực quyền, thái cực trường quyền; tiếp theo là đơn thôi thủ, thôi thủ tại chỗ, thôi thủ di chuyển, đại liệt, sách thủ; tiếp đến là vũ khí như thái cực kiếm, thái cực đao, thái cực thương (thập tam thương) và các binh khí khác.
Thời gian luyện tập, mỗi ngày sau khi thức dậy tập hai lần, nếu không có thời gian tập sau khi dậy sáng thì tập 2 lần trước khi đi ngủ. Trong ngày, nên luyện 7-8 lần, ít nhất 1 lần vào buổi sáng. Cần tránh tập sau khi say và sau khi ăn no.
Địa điểm luyện tập, ở sân vườn hay phòng rộng, không khí lưu thông, ánh sáng vừa phải. Tránh gió mạnh trực tiếp và những nơi ẩm thấp nấm mốc, vì cơ thể trong quá trình vận động, hít thở sâu dài, mà có gió lớn hay ẩm mốc, thâm nhập vào trong cơ thể, gây hại cho phủ tạng, dễ bị mắc bệnh.
Trang phục luyện tập, mặc quần áo rộng và giầy vải bố mũi rộng vừa phải. Trong lúc luyện tập, nếu ra mồ hôi, tránh cởi hết quần áo, hoặc lấy nước lạnh để lau, nếu không sẽ không tránh được bệnh tật.
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe