PHƯƠNG PHÁP LUYỆN QUYỀN TRUYỀN THỐNG
Nguồn: CLB TCQ Dương thị Uông mạch Hà Nội
Nặng như núi, nhẹ tựa bông ,
khinh linh viên hoạt êm dịu như mây,
cuồn cuộn chảy như nước sông ...
Đó là cách nói về kiểu vận động khi luyện bài quyền theo phương pháp truyền thống. Bài quyền được xây dựng bởi các động tác đơn lẻ, chúng nối liền nhau tạo thành tiết tấu và giai điệu như một bản nhạc, vì vậy cổ nhân còn nói luyện quyền trong một khí, liên tục không gián đoạn.
Nói về tác dụng khi luyện quyền thì đầu tiên là cường kiện gân cốt cơ bắp, sâu hơn là luyện khí, luyện ý. Khi luyện quyền đòi hỏi phải thả lỏng tâm khí thứ đến là cơ bắp, từ từ tiến tới trình độ dụng ý không dụng lực, toàn bộ bài quyền thế thế thức thức đều mượn cử động của thân chân tay để vận chuyển nội khí từ trong ra ngoài từ ngoài vào trong. Luyện quyền cần chậm chứ không cần trệ, cần linh hoạt chứ không cần nhẹ nổi, có như vậy càng luyện càng kỹ, sâu và không bỏ sót.
Do yêu cầu chậm nên lượng vận động của toàn thân rất lớn, nhất là hai chân, tuy vậy người tập vẫn phải duy trì thư giãn, tránh làm thay đổi nhịp tim và hô hấp để đảm bảo môi trường bên trong luôn nhẹ nhàng thoải mái, để cho cơ thể thở tự nhiên, ko được nín hoặc dùng ý chí tác động, can thiệp vào nó tránh thở gấp gáp đứt quãng, như vậy lượng oxy có thể đủ để cung cấp cho vận động điều này rất quan trọng với những người mắc bệnh về hô hấp hay tim mạch, cao huyết áp.
Thái cực quyền là một môn võ, mỗi một động tác đều hàm chứa đặc tính của võ thuật, nhưng nó vận động rất khoa học, phù hợp với tâm sinh lý vì vậy nó còn dùng vào mục đích dưỡng sinh phòng trừ bệnh tật. Cao hơn nữa, người tập có thể thông qua luyện quyền để tu dưỡng tâm tính, hoàn toàn làm chủ bản thân hướng đến tự do và nội tâm bình an.