DUYÊN PHẬN THÁI CỰC
Tác giả: Tiêu Duy Giai
Người dịch: Trần Thị An Tuệ
“Thứ tôi cần tìm chính là cái này!”
Khi mới bắt đầu, “cái này” là sự thật thần bí do chính cơ thể tự trải nghiệm. Về sau, lớp mặt nạ thần bí đã thôi không còn xuất hiện nữa. Tôi đã thực sự nhận thức được “cái này”.
Đó là kỹ thuật đặc định và là một trạng thái thân tâm mà ngôn ngữ khó lòng diễn tả được.
Nói thật là, đi con đường này, tôi đã tìm thấy vô số thứ ở ven đường, những thứ của cải quý báu nằm ngoài quyền thuật. Tuy nhiên, “cái này”, vẫn còn chưa thể tìm đến được vùng căn nguyên thâm sâu nhất của nó.
Giai đoạn theo đuổi ý nghĩa này cùng nỗ lực đến độ rốt ráo, bực dọc đã đi qua: Tôi hiểu ra rằng Tim bình dị chính là Đạo.
Nói một điều điên rồ nhưng lại là lời trái tim: Ngay cả khi không thể tìm thấy “cái này” thì cũng đã đủ vốn rồi; miễn là còn một chút hơi thở, tôi vẫn sẽ đi kiếm tìm nó.
Gần 18 năm trước, khi đó đã theo sư phụ Thạch Minh học quyền được 9 năm, tôi đã từng viết ra như vậy:
“Từ cổ tới kim, ở Trung Quốc cũng như nước ngoài, phàm là đã đánh một trận thái cực quyền, không có ai không muốn tìm ra cốt tủy thực sự. Mà ngày nay người học nhiều như vậy thì người đi tìm kiếm đương nhiên cũng nhiều rồi. Những người có một chút liên quan đều hiểu rằng thái cực quyền vô cùng ảo diệu, mà tới lúc đó thì đã thấy mê đắm rồi. Quyền là một kho bảo khố, không có tận cùng: Mở ra một cánh cửa, vừa nhìn, phía trước lại có một cánh cửa khác; Bước lên được một bậc thang, ngửa mặt lên lại thấy một bậc thang mới đang chờ đợi. Đó là con đường để thông suốt cốt lõi (như ngày nay nói thêm rằng: sau đó sẽ khiến cho quyền lý thái cực quyền đi từ thiển cận tới sâu xa, lại trở về, đi vào trong xương cốt, rồi lại ảnh hưởng một cách toàn diện đến tam quan. Tuy vậy, việc tìm tới cốt tủy đó thật không hề đơn giản như nói! Đặc biệt là cuộc sống hiện đại, chúng ta luôn bận bận rộn rộn, tranh đấu lợi danh, ngày nào cũng căng thẳng – Có mấy người được như cổ nhân khi xưa, ngay lập tức lao vào để tìm hiểu.”
Thái cực quyền đủ để trở thành sở thích trọn đời của những người như chúng ta đây, trước đó do sự khác biệt rõ ràng, sau này trở thành con đường nhân sinh, cũng chính là trong dị có đồng, trong đồng có dị. Là một thứ vận động thể dục hiện đại hóa, sự phổ cập chưa từng có của thái cực quyền ngày nay đã trở thành trào lưu rèn luyện thân thể toàn dân, đến độ lôi cuốn được toàn thế giới, kỳ thực sự thành công là không thể xem thường. Tuy nhiên điều mà tác giả muốn nói lại là sự thất truyền nghiêm trọng, thật may trong xã hội vẫn còn những người tận tâm tận lực đào sâu nghiên cứu để cứu vớt thái cực quyền truyền thống. Hơn nữa, lần này tôi không muốn chỉ nói về kỹ thuật thái cực quyền với lý luận thông thường, mà muốn đem đề mục này vượt qua thời gian và không gian, đặt nói vào phạm vi thời gian cụ thể, trải nghiệm nhân sinh và lộ trình tâm lý thích hợp để thực hiện một số sự hồi tưởng. Tùy trong dòng viết, có đôi lúc lại truy về quá khứ.
Lời ở đầu
Trước khi tiếp xúc với Thái cực quyền, tôi đã kinh qua một thời thanh niên tương đối khúc khuỷu. Sinh trưởng trong một gia đình quốc tế vẫn giữ Trung Quốc làm gốc (trong nhà xưa nay khách khứa quốc nội, quốc ngoại đầy nhà); chúng tôi được hun đúc bởi sự coi trọng đồng thời văn hóa Trung Quốc và nước ngoài, phạm vi sở thích cũng vô cùng rộng rãi. Tôi sinh ra ở cái nôi cách mạng Diên An, hai tuổi được mẹ đưa ra nước ngoài, trước năm 12 tuổi hoàn toàn tiếp nhận giáo dục của Liên Xô, sau khi trở về, do không thông thạo ngôn ngữ, việc học bị dây dưa thêm mấy năm, thời trung học và tiểu học lại thêm 10 năm nữa mới tốt nghiệp cao trung. Từ lúc bắt đầu làm việc cho tới khi nghỉ hưu, công việc sinh nhai của tôi lại rất thuần khiết, tôi trước sau ở vùng Đông Bắc và Bắc Kinh đều là giáo viên giảng dạy tiếng Nga ở trường đại học. Cách sống của phụ mẫu đã có ảnh hưởng một cách âm thầm đối với chúng tôi, công việc của họ xưa nay vẫn đề cập đến quan hệ Trung Quốc với quốc tế, tự xưng là ‘ngoại giao nhân dân’, chúng tôi cứ thế tự thân cố gắng, tự mình trải nghiệm. Quan trọng là, tôi cứ luôn được tiếp nhận cách giáo dục phải tìm ra chân lý, phải làm một người dân bình thường, phải nỗ lực làm việc, điều đó dường như trở thành màu nền cho cả cuộc đời của tôi, giữ cho tôi không bận lòng tới những thứ vinh nhục.
Năm 1953, sau khi về nước, tôi từ trong ra ngoài đều là một “anh chàng nước ngoài”. Liên Xô, rồi lại tới văn học nghệ thuật Âu Mỹ từ thuở thơ ấu đã thấm đẫm tâm hồn tôi khi ấy, nhiều năm về sau đương nhiên bên trong đó thổi thêm luồng văn hóa Trung Quốc. Những môn thể dục vận động của thời sơ học cũng đều là của Tây phương (trong đó bao gồm cả vài tháng học quyền anh). Dung nạp phong tục tập quán của vùng đất mới cùng con đường tiếp nhận văn hóa Trung Quốc cũng rất lâu dài, sự mơ mơ hồ hồ ấy đã thúc ép tôi không ngừng phải tự điều chỉnh sự cân bằng về tâm lý và tư tưởng (Cũng có thể đó chính là căn nguyên ban đầu đối với duyên phận thái cực), việc này đã tiêu tốn của tôi thời gian và sức lực trong nhiều năm trời. Việc học tập đơn thuần trong sách vở và cuộc sống, sau nhiều năm vẫn rõ ràng không giải quyết được vấn đề mấu chốt. Trước và sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi mới bắt đầu có được đôi chút rõ ràng, mạch lạc trong cổ văn và kiến thức văn hóa nghệ thuật Trung Quốc, mà thực chất chính là thái cực quyền, thêm chút y học và nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, cộng thêm mười năm rung chấn cả đất nước, cảnh ngộ và sự khảo nghiệm trong toàn gia đình chúng tôi, cùng cả sự kiện Trung Quốc tiến hàng cải cách mở cửa về sau, cuối cùng đã khiến tôi thực sự hòa nhập vào tổ quốc và nhân dân mình.
Tôi đặt chân vào thái cực quyền, lúc đầu hoàn toàn là một việc ngoài dự kiến. Thời cấp hai và năm lớp 10, tôi từng có ba năm luyện tập cùng đoàn thể dục thể thao thanh niên Bắc Kinh ở Thập Sát Hải, mục tiêu phấn đấu là trở thành kiện tướng. Sau khi thi xong tư cách vận động viên cấp 2, còn cách hai tháng nữa phải thi cấp 1, tôi bất ngờ lần lượt bị thương nghiêm trọng ở eo, gẫy xương khiến nhiều khớp xương bị tổn thương thành tật, buộc phải rút khỏi đội. Những năm cấp 3, tôi thường xuyên phải ngồi dãy cuối trong lớp, đứng đứng ngồi ngồi để nghe giảng, thậm chí có lúc phải tạm nghỉ học 8 tháng trời. Thương tật đã dẫn tôi đến với thảo dược, châm cứu, bấm huyệt và nắn xương của Trung y (đến nỗi nhiều năm sau đó tôi đã có rất nhiều năm trời làm “thầy lang vườn”).
Năm ấy tôi 18 tuổi, phải dừng lại việc luyện tập khiến toàn thân ngột ngạt khó chịu. Một người bạn cùng lớp từ nhỏ đã luyện tập võ Thiếu Lâm ở trong chùa đã gợi ý tôi đi học thái cực quyền, đồng thời dẫn tôi tới công viên Đông Đan để tìm gặp vị thầy thái cực quyền thuở vỡ lòng của mình – Đó là một vị cán bộ ở Sơn Đông tên Vương Bồi Mô, khi ấy đang trị liệu ở bệnh viện Hiệp Hòa. Sau vài tháng, tôi thuần túy là vẽ ra một kế hoạch, một con đường, nghiêm túc học được cách đánh bộ 85 chiêu thái cực quyền Dương Thức. Thầy Vương sau khi trị xong bệnh đi rồi, để lại một bản khắc lạp về quyền phổ, quyền kinh, nói tôi có điều kiện tốt, ân cần nhắc nhở tôi nhất định phải kiên trì luyện tập trong nhiều năm tháng; Điều đặc biệt quan trọng chính là, học cách thả lỏng. Tuy nhiên lúc đó, trình độ cổ văn của tôi vẫn vô cùng gay go, quyền kinh dường như xem mà không hiểu chút nào, thân tâm tôi đều chỉ là hình thái tập thể dục, toàn cơ thể căng cứng, chỉ yêu cầu hạ thấp trọng tâm, luyện chậm, một lượt quyền có thể đánh trong vòng nửa giờ đồng hồ, không chỉ quần áo ướt đẫm, đến đất dưới chân cũng thấm đầy mồ hôi. Còn nhớ có lúc tôi luyện tập thêm giờ ở cái sân chật hẹp sau nhà, bố mẹ cứ hướng ánh mắt hiếu kỳ, lạ lẫm ra ngoài cửa sổ để nhìn. Thế nhưng kể từ thời điểm đó, bất luận lướt qua các trường phái khác của thái cực quyền hay các loại quyền nội gia khác như khí công và đạo gia dưỡng sinh công pháp, tôi trước sau vẫn cứ không từ bỏ thái cực quyền Dương thức. Những năm đó, khuôn mặt “người ngoại quốc” của tôi cũng đã hình thành nên một hình ảnh ở công viên Đông Đan. Sáng sớm từ 6h đến 7h30 (sau đó tới trường), ở phía tây công viên, cách con đường bên ngoài bức tường công viên chính là bệnh viện Bắc Kinh, ở chỗ đó không bị ai chiếm dụng, đều biết là của tôi.
Năm 1964, trước khi bắt đầu công việc, tôi cũng giống như tất cả mọi người, đều kinh qua bước đại nhảy vọt, nấu gang thép, chơi mạt chược, thỉnh thoảng còn tiến về vùng nông thôn giải cứu khoai lang... Đồng thời mơ mơ hồ hồ kinh qua chống phần tử cánh hữu, chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh, giai đoạn khó khăn, chống chủ nghĩa xét lại, quan hệ Trung Xô sụp đổ. Sự kiện phía sau có quan hệ rất lớn với gia đình chúng tôi, tâm lý bị sock và chấn động hơn hẳn so với người dân bình thường, văn hóa xét lại cũng được học tập càng sâu sắc hơn, ít nhất có thể giải quyết được vấn đề cân bằng tâm lý và lập trường. Cũng là kết hợp với tình hình đó, năm tôi học lớp 10 đã bắt đầu học nghiên cứu “Mâu thuẫn luận”, “Thực tiễn luận” của Chủ tịch Mao, cùng với các tài liệu triết học phổ thông khác, từ đó thu hoạch được bài học vỡ lòng về triết học.
Tại sao lại lạc không? – Cuộc kỳ ngộ của nhiều năm sau
“Tại sao lại lạc không nhỉ?” – Vấn đề này kể từ ngay hôm đó cho tới suốt nhiều năm sau cứ nằm trọn trong tim tôi. Sau năm 1978, tôi dạy học ở trường Bắc Ngoại (Hiện nay là trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh). Thời kỳ cam go nhất đã đi qua, một năm sau, bi kịch của phụ mẫu kể từ năm 1962 cũng đã chấm dứt một cách triệt để, vụ việc oan sai được xét lại thấu đáo, những thứ cần phục hồi lại như công việc cũng đều được khôi phục lại. Công việc của tôi rất bận, toàn bộ sức lực và tâm trí dồn hết vào cải cách giáo dục, nhiệm vụ chủ công là giáo trình và giảng dạy môn phương pháp dạy học, ngữ âm, ngữ điệu, khẩu ngữ tiếng Nga, tâm lý học giảng dạy ngoại ngữ, lý luận hoạt động ngôn ngữ, hàng loạt phương pháp tổ chức dạy học trên lớp cho sinh viên năm cuối...Trong đó còn phải nghiên cứu chuyên sâu về cơ quan phát âm, đặc biệt là sự khống chế, thao tác của cơ quan duy nhất trên cơ thể không có khớp xương – cái lưỡi. Đề tài này, đối với việc nghiên cứu thực nghiệm "thái cực quyền trong phòng thí nghiệm" và việc lý giải “cơ nhục nhược nhất” (cơ thịt như một) trong “hoàng đế nội kinh” về sau này của tôi, đã trở thành một bài học không hề tầm thường.
Ngoài việc tự mình kiên trì luyện tập, mỗi dịp cuối tuần tôi từ Ngụy Công thôn đến công viên Đông Đan, những người bạn cùng luyện quyền với tôi trong thời kỳ những năm 60 – 70 đều sinh sống ở đó. Cách trường quá xa, tôi hy vọng bản thân có thể ngày ngày tiến thêm một bước học quyền, đã từng hơn một lần nhờ họ giúp đỡ giới thiệu một vị thầy dạy quyền ở gần trường Bắc Ngoại.
Vào một buổi sáng chủ nhật cuối kỳ nghỉ hè năm 1982, ở công viên Đan Đông - Bắc Kinh, một người quen biết từ 5-6 năm nay, thường giúp đỡ tôi, gọi là Thầy Tang, đã giới thiệu tôi với chính sư huynh của thầy ấy – Thạch Minh. Lần đầu tiên tôi nghe được vị này từng khiêu khích một cách khoác loác ở giữa đám đông rằng - "Công phu thật công phu giả, không nhìn vào hàm râu bạc, chỉ nhìn vào công phu trong tay như thế nào!" - Tôi cảm thấy hơi ngại ngần, dường như không thể thuyết phục. Tuy nhiên sau khi tiếp xúc trực tiếp, ông ấy vẫn rất bình thường. Thầy Thạch sau khi phỏng vấn tôi mấy câu về những trải nghiệm học quyền, vô cùng tự tin mà nói rằng: “Xem ra anh đã dùng không ít thời gian, duỗi tay ra, để tôi nghe thử kình”.
Hoàn toàn không có tâm lý chuẩn bị, tôi vừa xuất thủ thì bị rơi vào "không" (lạc không), hơn nữa không phải là dạng “lạc không một cách phổ thông”. Là hoàn toàn chưa hề tiếp xúc đến đối phương, từ dưới chân của tôi đã bắt đầu bay lên, tiếp đó toàn thân mất đi khả năng khống chế, không có chỗ nào có thể dùng tới lực, không thể ngăn được bản thân đổ về phía trước. Mặc dù trước mặt chỉ là một mặt phẳng thông thường, nhưng cảm giác lại giống như bị rơi vào một vực nước sâu không đáy, đi kèm với đó là cảm giác lo sợ không rõ nguyên nhân. Cái cảm giác đó không khác gì với việc đột nhiên nhìn thấy quỉ, hồn xiêu phách lạc.
Trải nghiệm đó còn có thể dùng phép so sánh như sau để miêu tả: Bạn đứng trên một cái bục rất cao, tay không biết vịn vào đâu. Cái bục thì bé, chỉ đứng vừa được hai bàn chân, cái bục vừa lắc lư, bạn vừa sợ hãi vừa lo lắng, đôi tay theo bản năng cần vớ vào một cái gì đó, tìm cách tóm loạn xạ vào không trung, toàn thân bắt đầu ngả nghiêng; vào lúc đó cái bục nhỏ đột nhiên biến thành một sợi dây thép, chỉ có thể dẫm đầu mũi chân, làm cho ta khoa tay múa chân, giống như khi đang giãy chết thì dựa vào không trung để tìm kiếm vùng phát lực mà mắt thường không nhìn thấy (sau khi mất dấu thì trở nên vô hình, đồng thời biến hóa vô định). Thế là tâm nảy sinh sợ hãi, toàn thân cứng đờ, mất khả năng khống chế; sau cùng, điểm tựa cuối cùng này cũng sẽ bị loại bỏ, bạn đổ vào không trung, bị rơi vào vùng không thể nhận thức, kinh sợ, tuyệt vọng và không có sự giúp đỡ, không cần để bàn tới.
“Tốc độ phát sinh của sự việc khi đó bút ký không kịp ghi lại”, tất cả những việc này đều nảy sinh trong chớp mắt, ngoài vấn đề những thao tác bản năng bị đóng băng ra thì bạn không kịp để đưa ra bất kỳ phản ứng nào khác. Bây giờ có khả năng miêu tả lại một phần sự việc đã kinh qua cùng chi tiết của nó, là bởi về sau tôi đó tận mười hai năm, đã có vô số lần thể nghiệm đi thể nghiệm lại cảm giác “lạc không” (bất kể là có hay không có tư tưởng chuẩn bị) cùng với rất nhiều “kỳ tích” hết sức tương tự. Sư huynh sư đệ chúng tôi, bao gồm cả những người vốn dĩ công phu rất tốt, trước khi vào học thầy đã theo học với những sư phụ khác, phàm là kinh qua một trận với thầy Thạch, không có một ngoại lệ nào đều có dịp may được nếm thử hiệu quả và mùi vị của loại “lạc không” này. Tôi vì vậy mà xác định, hiện tượng này mặc dù không thể lý giải, nhưng nó rốt cuộc vẫn là một sự thực. Tôi còn ôm lấy một quyết tâm, phải vén bức màn thần bí ở bên trong.
Thế nhưng, chính tại khoảnh khắc lúc ban đầu, khi mà cơ thể mình đã hoàn toàn không còn do mình khống chế, tôi không giữ được mà phải kêu lên một tiếng: “Tôi chính là muốn tìm cái này!”. Cũng tại lần đó một quyền hữu khác của tôi cũng bởi lạc không mà rơi vào trạng thái không tự khống chế được cơ thể, nhưng cách phản ứng của anh ta sau sự việc lại không hề giống tôi. Anh ta nói, “tôi không kịp để cho anh ta một chút! Nếu tôi...” Thành thật mà nói, nhiều năm về trước khi tôi đánh quyền đánh đến “dã mã phân tông”, tôi đột nhiên cảm thấy như có từ tính giữa hai lòng bàn tay, ngăn cách giữa không gian, lúc thì hút nhau, lúc lại đẩy nhau. Hút nhau một lúc lại đẩy nhau một hồi. Lúc đó tôi vô cùng kinh ngạc, cảm giác rất kỳ diệu, về sau cứ duy trì mãi như thế, nhưng lại không có tiến triển gì mới. Tuy vậy tôi lại vững tin rằng thái cực quyền sẽ có tác dụng như vậy ở mọi lúc mọi nơi. Lần lạc không này, chính là được trải nghiệm như vậy, chỉ là ảnh hưởng đến toàn cơ thể của tôi, rất hoàn chỉnh, hơn nữa sự mê say lại rất lớn, rất lớn. Đó là lý do tại sao tôi thốt lên câu ấy!
Cùng ngày hôm đó, tôi còn nghe thầy Thạch nói với các học trò của mình: "Ý khí là vua, cốt nhục là thần” nói lên điều gì? Điều này nói rằng “ý là thực, kình là hư”. Tại sao vậy? Chính là bởi “Quân vô kịch ngôn” (vua không nói đùa – người dịch), hoàng đế có tiếng nói cuối cùng, quần thần chỉ có thể phục tùng theo, bắt buộc phải chấp hành”. Thành thực mà nói, vào thời điểm tôi nghe những lời đó, nói một cách khách khí, tôi cho rằng đó là một sự nhầm lẫn về mặt logic. Hơn nữa, thói quen nhận thức của chúng ta, chắc chắn cho rằng “ý là hư, kình là thực”. Thế nhưng nhiều năm sau, tôi thực sự hiểu được rất nhiều những lời nói kiểu này của thầy Thạch, đồng thời nhờ đó tôi đã thu nhận được trình độ nhận thức và tam quan hoàn toàn mới mẻ.
Thầy Thạch đã quyết định nhận tôi làm học trò. Lần lạc không này và tiếng thốt lên của tôi khi đó cùng với những giảng giải quyền luận của Thầy Thạch, đã quyết định bước ngoặt số phận của tôi sau này. Năm đó tôi 41 tuổi và bây giờ tôi sắp 80 tuổi. Khi ấy tôi ngày đêm làm việc vất vả ở trường Bắc Ngoại, trong gia đình cũng lắm điều rối rắm, loạn trong giặc ngoài, thật sự không tài nào dứt ra được, nên giao hẹn một năm sau sẽ chính thức tòng sư. Một năm sau, năm học kết thúc thắng lợi, tôi đã sức cùng lực kiệt, việc gia đình khiến tôi hoàn toàn kiệt sức. Kết quả tôi bị ốm nặng và phải xin nghỉ phép chữa bệnh – thế là tôi đến công viên Tử Trúc Viện như lời giao hẹn. Kể từ đó “vĩnh tác tha hương chi khách, vĩnh vô hối cải chi tâm” (tạm dịch, mãi là thân khách tha hương, vĩnh viễn không bao giờ đem lòng hối hận – người dịch), nửa năm sau tôi chính thức bái sư, đem thân mình thực sự giao phó cho Thái cực quyền.
Liên quan đến luyện công Thái cực quyền, về sau còn là để bổ sung vào chỗ khuyết thiếu, từ tháng 1 năm 2004, tôi đã học Hoàn Hầu Bát Thương (Trường Thị Thái cực thương), sư phụ là thầy Vu Chí Quân (học trò của Ngô Đồ Nam và Hồ Phục Sinh), là xem như Thái cực thương học. Từ năm 2006 đến năm 2018, trung bình mỗi tuần một lần, tôi trường kỳ tiếp nhận việc phụ đạo của con trai Uông Công Vĩnh Tuyền là Uông Trọng Minh Uông Lão (Đảm nhiệm chức Hội trưởng đầu tiên của Uông mạch, Hội trưởng danh dự sau này), ông ấy cũng thường đến Cung Văn hóa Nhân dân Lao động để hướng dẫn chúng tôi luyện quyền. Vì tôi là tổng thư ký đầu tiên của Uông Mạch, liên lạc rộng rãi với mọi người, nên tôi có cơ hội giúp đỡ, lắng nghe rất nhiều người lớn tuổi ở Uông Mạch chia sẻ kinh nghiệm của họ, như Tôn Đức Minh, Tề Nhất, Trần Điền Lương, Trần Dật Tiên, Lưu Kim Ấn, Chu Xuân Huyên, Trương Minh Tân, Hồ Lập Quần, Tống Bồi Các, Lý Hòa Sinh... Sư bá Chu Xuân Huyên (Con trai của Chu Hoài Nguyên) cho đến tận bây giờ trước sau vẫn luôn quan tâm tôi một cách đặc biệt. Học sinh trẻ nhất của Uông Công, Hội trưởng thứ ba của Uông Mạch Lư Chí Minh đã chia sẻ với tôi cuốn sổ ghi chép về thụ quyền Uông Công được ông dày công chỉnh lý, vô cùng quý giá.
Như tôi đã đề cập trước đây, kể từ năm 1959, quay quanh việc trị liệu giữ gìn sức khỏe và thái cực quyền, tôi đã thử luyện tập một cách thiếu tính hệ thống một số kỹ thuật chỉ dẫn của y gia, đạo gia. Ngoài ra, để bổ khuyết mối liên hệ giữa Thái cực quyền và Đạo Gia công, được sự cho phép của Thầy Thạch, từ năm 1988, tôi đi theo Thầy Vương Lực Bình, người thừa kế đời thứ 18 của phái Long Môn để học tập “Kim Đan mật pháp nhập môn” (Thực hành Linh bảo Tất pháp); Kể từ năm 1993, đi theo Thầy Chu Kim Phúc, đạo trưởng hoàn tục của núi Võ Đang và Bạch Vân Quan, truyền nhân Chính Tông đạo để học tập Trung Hòa công Võ Đang. Từ năm 1984, tôi nghiên cứu về Kinh dịch, người thầy khai sáng là bạn thân suốt đời của tôi Trường Diên Sinh, tôi nhiều lần tham gia lớp học và tốt nghiệp lớp “Nghiên cứu sinh Chu dịch” của ông ấy tại trường đại học hàm thụ Trung y Quang Minh, về sau còn tìm đọc cuốn sách “Diên sinh dịch” của ông. Tôi tự nhận định rằng: Kinh dịch thâm sâu đến độ tôi còn chưa chạm tới được sợi lông. Nhiều nhất cũng chỉ học đến lớp vỏ ABC bên ngoài.
Sau khi trở về Bắc Kinh, tôi từ bỏ châm cứu và tiếp tục tùy cơ học tập cách xoa bóp và bấm huyệt của Trung y. Như đã đề cập, xoa bóp lần đầu tiên được khai sáng bởi lão tiên sinh Ngô Thiếu Thụ đến từ phòng khám Thiên Kiều vào đầu những năm 1960. Từ năm 1988, tôi theo học một sư đệ ở Thạch môn tên là Liên Hựu Tông, chúng tôi là bạn của nhau. Anh ấy là người thừa kế chính thống của trường phái xoa bóp, bấm huyệt Võ Đang có lịch sử lâu đời, anh ấy có kỹ nghệ tuyệt đỉnh, hiện tại đang làm việc tại bệnh viện Bình Tâm Đường Bắc Kinh. Năm 2003, lại theo học chuyên gia xoa bóp Thôi Đồng Hưng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc. Anh ấy cũng là một người bạn, tiếc rằng mắc bệnh u não, không thể phẫu thuật, không may sớm qua đời. Thời gian dài tự trị liệu cùng nhiều năm chăm sóc bố mẹ bệnh nặng nhiều lần trước và sau khi phẫu thuật, tôi đều rất cẩn thận tìm hiểu tường tận, thể nghiệm, lúc nào có thể làm được thì mới làm, không ngừng đúc rút, tổng kết kinh nghiệm. Để có thể hiểu thấu đạo lý, bất kỳ lúc nào cũng đều thỉnh giáo bạn bè Trung y và Tây y, không ngừng học tập giải phẫu cơ thể người, tâm lý học con người, phôi thai học, lực học vận động sinh vật, tâm lý học Trung Tây, Hoàng đế nội kinh Trung y, học thuyết ngũ hành âm dương, học thuyết kinh lạc và phủ tạng, Y dịch (y học trong kinh dịch – người dịch), đương nhiên còn có lý luận võ thuật và Trung y dưỡng sinh học.
Tử Trúc viện, sư phụ Thạch Minh đã giúp tôi mở ra một cuộc đời mới. Đồng thời, so với mối quan hệ thầy trò quen thuộc ở trong nhà trường trước đây, thì mối quan hệ thầy trò trong võ thuật cổ truyền, cho tới cả chỉnh thể văn hóa truyền thống lại rất khác, khiến cho tôi thêm phần hiểu biết về nhiều phương diện của văn hóa Trung Quốc. Tôi có thể nói rằng, từ những yêu cầu thực tế của thế giới ngày nay và những triển vọng trong tương lai về sự tiến bộ của loài người, thì những tinh hoa và cả cặn bã ở bên trong đó đều cần phải không ngừng được phân biệt và trau chuốt để bắt nhịp với thời đại. Tuy nhiên, việc vứt bỏ hoàn toàn mối quan hệ mang nội hàm tông pháp (gia tộc – người dịch) kiểu như vậy lại đương nhiên cắt đứt và xóa bỏ gốc rễ của di sản văn hóa Trung Quốc.
Quay trở lại việc tích lũy tùy cơ trước buổi tòng sư
“Tôi chính là muốn tìm cái này!” Thốt ra từ miệng, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Như đã nói ở trên, vào cuối những năm 1950, tôi bất ngờ bị thương đến tàn phế, sau đó đến với Thái Cực Quyền. Nói “bất ngờ” chứ không phải là “không may” là có ngụ ý: Tôi sợ không may, cơ thể tôi đã tập qua thể dục thể thao - có thể nói là mình đầy thương tích. Trước khi gặp được cuộc kỳ ngộ “lạc không” nói ở trên, Thái cực quyền của tôi (bao gồm hạng mục khác đã học tập qua một cách ngẫu nhiên) hoàn toàn là trình độ nghiệp dư, thời gian thất thường nhưng cũng đã được 23 năm. Còn cho đến bây giờ đã có hơn 60 năm.
Năm 1961, tôi lại học 118 thức Thái Cực Quyền trong hơn một năm, thầy dạy là Phó sư phụ của Bắc Kinh Quang Minh lầu (vẫn là do người bạn học cấp hai giúp tôi tìm đến thầy), và ông ấy đồng ý dạy tôi một năm. Trong thời kỳ cả nước khó khăn, có thể dễ dàng sử dụng tem phiếu thực phẩm để đóng học phí. Phó sư phụ sống một mình, đã ngoài 80 tuổi, tự xưng là hậu duệ của Dương Ban Hầu, trên tường nhà treo tranh ảnh và quyền phổ (lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa của việc kế tục nên hoàn toàn không hứng thú với việc khảo chứng). Anh ta không cao, cũng không tráng kiện, mặc dù đã già không còn dựa được vào sức mạnh cơ bắp nhưng khi di chuyển ông ấy vẫn thể hiện rõ khí chất của một nhà võ thuật. Ông ấy nói giọng giống như khẩu âm của người Sơn Đông, khiến tôi nghe khá vất vả.
Cũng trong năm đó, tôi bắt đầu thử luyện khí công đơn giản của Hồ Diệu Trinh, điểm khởi đầu nhất của Đan đạo, đều mang một chút manh mối về nội công. Những sự kiện kỳ lạ về y học và võ thuật Trung Quốc mà tôi bắt gặp trong những năm đó đều được trình bày trong nhiều cuộc phỏng vấn và các bài hồi ký, ở đây chỉ liệt kê ra một vài ví dụ đơn giản.
Ví dụ, Một đại phu Trung Y ở Hổ Phường Kiều đã kê đơn thuốc, cấm tôi ăn kem, tôi đã lén ăn, ông ấy xem mạch cho tôi mà có thể lật tẩy việc này một cách hoàn toàn chính xác; Một bác sĩ ở Viện nghiên cứu Trung y Quảng An Môn đưa tôi đến bãi cỏ ở trong viện nhổ một cây cỏ, vắt ra một chút ít nước cốt màu trắng, bôi lên vết mụn chữa trị lâu ngày không khỏi ở trên khớp ngón tay giữa của tôi thì chỉ một lần duy nhất đã lành lại; Vị đại phu lớn tuổi Thượng Cổ Ngu ở cùng bệnh viện, biết tôi nhiều năm khi thức dậy vào buổi sáng, thấy trên gối một đống máu cam, liền lấy một viên đường phèn màu đỏ như viên ngọc, sau khi ăn vài ngày đã điều trị được tận gốc, vĩnh viễn có không còn bị lại nữa. Người bạn vọng niên của tôi, Ngô Thiếu Thụ, 86 tuổi, lúc đó làm xoa bóp, bấm huyệt cho mọi người tại một phòng khám nhỏ của mình ở Thiên Kiều. Ông ấy từng là vệ sĩ cấp cao trong cửa tơ lụa Thụy Phúc Tường, bị tôi tình cờ bắt gặp đi bát quát chưởng dưới bàn bát thiên. Cơ thể tôi nặng 65kg nằm trên mặt phẳng, ông ấy có thể dùng hai tay để nâng tôi lên, kéo căng về hai đầu rồi lại đặt xuống; bác sĩ Tây y trẻ tuổi thách thức Thượng đại phu rằng, cách bắt mạch bằng ba ngón tay trong y học Trung Quốc chỉ là trò vui, một ngón tay của tôi có thể làm điều đó. —— Thượng đại phu bèn hỏi: Bạn biết thổi sáo, không thể không biết rằng mỗi lỗ sáo là một âm, đúng không? Gượng đã. Trước tình hình sùng sục khí thế cả trong và ngoài nước lúc bấy giờ, trong cuộc sống hàng ngày, ngoài thời gian học tập, tinh hoa văn hóa Trung Hoa đã từng bước len lỏi vào ý thức của tôi, thu hút tôi ngày một gia tăng sự hứng thú của mình.
Từ năm 1964 đến năm 1978, tôi làm việc ở Đông Bắc, bỏ đi hai năm trước và sau, cũng chính là thời kỳ tròn một thập kỷ rối ren của đất nước. Trong thời gian này tôi đã kết hôn và có hai con. Cha mẹ tôi bị bỏ tù 7 năm rưỡi, rồi được trả tự do với kết luận tội khủng bố, và tiếp tục chấp nhận việc quản thúc đi lại trong vòng 5 năm mới được giải phóng; người em trai chưa thành niên và hết sức trung thực của tôi ở đội bơi lội Bắc Kinh đã hoạt động phản cách mạng mười năm thì bị gửi tới nhà máy để lao động cải tạo. Anh trai là phần tử 16/5, sau đó phải vào trường Cán bộ 7/5 để chăn nuôi lợn. Tôi liên tục bị tấn công bởi những cuộc điều tra, thời điểm giải tán đội ngũ, tôi bị đuổi khỏi chức vụ không lý do, và bị đẩy về vùng nông thôn làm nông dân. Vừa đúng lúc ấy, địa phương cần thành lập lực lượng dân quân, Tòa Chính trị khiến cán bộ nông trường sợ hãi, lại đưa tôi trở lại thành phố. Việc này đã khiến tôi thất nghiệp trong vòng 4 năm, chỉ có vợ đi làm, tôi chăm sóc con cái và lo việc nhà. Tôi thân cô thế cô đi thưa kiện và đã thắng lợi để được trở lại trường học, nhưng lại phải chịu đựng sự thẩm tra nhàm chán, về sau thì bỏ mặc, cho khôi phục công việc, cho tới khi trở về Bắc Kinh tiếp tục làm giảng viên. So với nhiều gia đình khác, cả gia đình chúng tôi thật may mắn khi sống sót sau sự sụp đổ của “Tứ Nhân Bang”, toàn gia được minh oan, thuận lợi bước vào thời kỳ cải cách. Bố mẹ và anh trai tôi được khôi phục công việc, còn em trai tôi đã quá quá nhiều tuổi để học đại học trong nước nên quyết định đi Mỹ du học.
Trong những năm tháng buồn khổ, tôi đã không nản chí và tin chắc rằng công lý sẽ thắng, ngoài việc phấn đấu trở lại trường học, tôi cũng đã chuẩn bị rất nhiều cho việc này. Để tìm hiểu đúng sai, tôi đã đọc rất nhiều chủ nghĩa Mác- Lênin, tuyển tập Mao Trạch Đông và suy nghĩ tìm tòi chân lý, đó là một quá trình từ năm này qua năm khác.
Ngoài ra, vào nửa đêm, tôi thường học cách phát âm và ngữ điệu tiếng Nga thâu đêm suốt sáng, đồng thời còn học cả cách phát âm và ngữ điệu cơ bản của Anh, Đức, Pháp để so sánh, cũng như phương pháp dạy học theo tình huống, nhằm mở ra mạch suy nghĩ và đặt nền móng vững chắc cho việc cải cách dạy học sau này. Tôi cũng tiếp tục đọc văn học Nga, đặc biệt là tuyển tập các nhân vật kiệt xuất trên thế giới. Tất nhiên, tôi cũng tranh thủ thời gian để học châm cứu và xoa bóp theo Trung y, còn cả chạy bộ và luyện võ.
Năm 1969, trong thời kỳ nhà trường giải tán, tôi học Hình ý quyền và Thái cực quyền Tôn thức ở Trường Xuân, thầy dạy là Lý Đại (Môn phái Lý Tồn Nghĩa) - sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh. Cả hai chúng tôi đều bị thẩm tra (trên thực tế là bị cô lập với quần chúng, cả ngày không được để ý tới – một cách thức để xử lý con người), chúng tôi đồng cảnh ngộ nên thương xót cho nhau lại có chung sở thích. Anh ấy đã hào phóng chia sẻ với tôi “Ngũ hành liên hoàn quyền phổ hợp nhất” do sư phụ truyền lại (sư phụ Lý Tồn Nghĩa truyền khẩu ở Thần Châu) và trực tiếp từng bước dạy tôi nội dung chính yếu của ngũ hành quyền gồm phách, toàn, băng, pháo và hoành. Anh ấy cũng dành rất nhiều thời gian để dạy cho tôi trọn bộ Thái cực quyền Tôn thức phối hợp với Hình ý quyền. Tôi đã sao chép quyền phổ, đồ lại đồ phổ, về sau luyện tập xen kẽ với Thái Cực Quyền Dương thức.
Từ năm 1973 đến 1975, vào mỗi sáng sớm ở Trường Xuân, tôi thường chạy đường trường từ Địa Chất Cung đến Nam Hồ rồi quay về, tôi đã tự phát minh ra một loại “Khí công chạy”, đó là mượn dùng “ý khí” của Thái Cực quyền để kéo về phía trước, đẩy ra phía sau trong chạy đường trường. Còn tự quy định mỗi tuần một lần chạy vòng quanh trường 5 km. Thành quả thật tốt: Có một lần em trai tôi đến Trường Xuân để thăm tôi và đo thời gian chạy 100 mét của tôi, kết quả là 11,5 giây. Biết chuyện tôi thường chạy tới Nam Hồ, có một giáo viên Hoa kiều trong trường đã giới thiệu tôi với sư phụ Tang Học Phạm (một học trò của Lý Tử Minh) để luyện Bát quái chưởng ở Nam Hồ. Ông ấy đã dạy tôi bài tập đơn bát thức của Bát quái chưởng, chia sẻ “Chuyên chưởng tam thập lục ca”, đồng thời nhờ tôi giúp anh ấy làm hiệu đính và chú thích. Thời điểm đó, tôi đi học và luyện tập mỗi ngày, đem việc hiệu đính và chú thích thành bài tập về nhà nộp cho ông ấy.
Kể từ thập niên 60, tôi đã trở thành một bác sĩ gia đình, chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ và làm việc xoa bóp cho anh em và bạn bè. Năm 1966, tôi theo phong trào “đại xuyến liên” trở về nhà và kịp thời thấy cơn đau thần kinh tọa nặng của anh trai tôi. Bác sĩ châm cứu của bệnh viện Hiệp Hòa đến tận nhà điều trị nhưng sau đó vì vấn đề xuất thân mà bị đuổi về quê. Trước khi đi, vị bác sĩ này đã để lại cho tôi cuốn sách "Nhập môn về châm cứu". Anh tôi đau đến không chịu nổi, tôi chỉ có thể hạ quyết tâm tự châm cứu cho anh ấy.
Cây kim dài bốn tấc xuyên vòng và đâm thẳng vào huyệt đạo, lần đầu tiên tôi cắm cây kim nhưng nó đã thành công và giải quyết được vấn đề. Kể từ đó không thể ngăn cản, việc châm cứu và xoa bóp cho những người hàng xóm ở Trường Xuân trở nên thường xuyên, về sau tôi còn học được cả cách tiêm thuốc. Từ từ bắt đầu đọc sách y học, cả Trung y lẫn Tây y, đặc biệt là sách Trung y, hồi đó rất dễ để có được. Bố mẹ vợ ở Cáp Nhĩ Tân, theo tư phái (nhóm người muốn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa – người dịch), cả nhà đang chen chúc trong một cái lán nhỏ ở ga Tân Giang, tôi tới giúp đỡ. Bố vợ bị bệnh tim, viêm phế quản, châm cứu có thể thuyên giảm triệu chứng. Về sau, mẹ vợ đi cấp cứu nhồi máu cơ tim diện rộng, bố vợ phẫu thuật ung thư gan, tôi đều tham gia chăm sóc, điều dưỡng.
Trong hoàn cảnh lúc đó, nhìn thấy tình trạng của bệnh viện. Sau đó, thông qua mối quan hệ, tôi tham gia lớp học chính quy “Hồng công y” kéo dài hai tháng, do một chuyên gia trung y, đồng thời là một bác sĩ quân y trẻ tuổi tốt nghiệp đại học y khoa phụ trách, đi học cả ngày, còn về quê làm đội y tế, bao khoán một đội sản xuất. Kịp lúc cả đội bị lỵ trực khuẩn, bao gồm cả chúng tôi cũng bị nhiễm bệnh, “Châm kim vào huyệt bách hội, bình bổ bình tả”, tất cả đã được chúng tôi giải quyết xong. Ở đây thiếu iốt, hay xảy ra áp xe tuyến giáp (địa phương gọi là “bệnh cổ to”), kết quả điều trị của chúng tôi cũng rất rực rỡ. Những bệnh khác như viêm ruột thừa cấp tính, bệnh thắt lưng và chân, bệnh dạ dày, đau đầu đã được xử lý trên diện rộng. Tôi thậm chí đã trở thành bác sĩ thú y, một con lợn lớn và một con lợn nhỏ, vẫn còn nước còn tát cũng cứu sống được nhờ phương pháp chích máu. Lớp học này còn có sự tham gia của các bác sĩ già, trung, trẻ của bệnh viện Cáp Nhĩ Tân, trong lúc tổng kết buổi thảo luận, tôi vô cùng xúc động, hoàn toàn không ngờ rằng, việc châm cứu trong Trung y lại lợi hại như vậy, đến mức chữa được cả “lỵ trực khuẩn”. Nhiều học viên ban đầu là cao thủ Trung y trong dân gian, đến tham gia để lấy giấy phép hành nghề. Tất cả chúng tôi đều được hưởng lợi khi chia sẻ phương pháp hay của chính mình trong quá trình nghiên cứu. Điều không thể hiểu được là bác sĩ quân y lại chỉ định tôi là người phát biểu tổng kết lễ tốt nghiệp.
Sau này, chúng tôi được phân đến các trung tâm y tế khác nhau trong thành phố để học tập thêm một tháng. Rời khỏi lớp học này, tôi như hổ mọc thêm cánh, trở về Trường Xuân, mặc dù thất nghiệp nhưng tại tòa nhà nhỏ của chúng tôi và các tòa nhà xung quanh, bất luận già trẻ hay gái trai khi mắc bệnh thì tôi đều trở thành người được trọng dụng, có thể phát huy vai trò của mình và cuộc sống vẫn đầy ý nghĩa.
Năm 1976, phong trào “Tứ nhân bang” bị phá hủy. Dù gắng gượng qua được nhưng cơ thể và tinh thần của tôi vẫn chịu nhiều kích thích và phát bệnh trầm cảm, tôi trở về Bắc Kinh ở nhà dưỡng bệnh gần một năm. Vào mùa xuân năm sau, tôi đến công viên Đông Đan, nơi tôi đã xa cách nhiều năm, gặp lại những người quen cũ, từng luyện tập thái cực quyền Dương thức, như Lưu Thanh Tuyền (học trò của Trần Chiếu Khuê) – bây giờ đã đổi sang luyện thái cực quyền Trần thức. Theo gợi ý của anh ấy, tôi đã theo con đường luyện Thái Cực Quyền Trần thức với anh, rồi luyện cho đến năm 1983. Từ mùa xuân đến mùa đông năm 1983, còn theo Vương Bồi Sinh (học trò của Dương Vũ Đình) học một năm thôi thủ tại Học viên ngoại ngữ Bắc Kinh. Khí công gia tăng mạnh mẽ, tôi tận dụng cơ hội đó luyện tập thêm mấy tháng “Hạc Tường Trang” (đứng thế hạc bay – người dịch), công phu Thái Cực Quyền đã giúp tôi kiểm soát những nhược điểm của nó và thu nhận được độ nhạy cảm đặc thù.
Đây chính là những việc đã trải qua trước khi tôi chính thức luyện tập ở chỗ thầy Thạch. Sau khi tới luyện tập ở chỗ Thầy, trên phương diện võ thuật, tôi đã vứt bỏ tất cả những gì đã luyện trước đó, quyết định trở về số không để luyện tập từ đầu.
còn tiếp...
PHẦN 2: https://thaicucquyen.edu.vn/duyen-phan-thai-cuc-phan-2
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe