DUYÊN PHẬN THÁI CỰC
Tác giả: Tiêu Duy Giai
Người dịch: Trần Thị An Tuệ
Bước qua quỷ môn quan
Không biết có bao nhiêu người giống như tôi, đời này không chỉ một lần bước qua cửa tử.
Khi tôi khoảng 4 tuổi, tôi ở Shymkent, một thị trấn nhỏ ở Kazakhstan, hậu phương của Liên Xô, mẹ thường dẫn tôi đi tắm ở ven một dòng sông vào buổi sáng. Thường thì nước sông rất cạn, đến độ không tới mắt cá chân của mẹ nên tôi chỉ ngồi trên bờ, ngâm chân trong nước và đợi mẹ tắm cho. Tuy nhiên, hôm đấy do trời mưa nên nước ở thượng nguồn đổ về, nước sâu ngang đùi, dòng chảy xiết. Mẹ tôi cảnh báo tôi nhất định không được xuống nước và quay lưng lại để tắm. Tôi như thường lệ duỗi bàn chân chạm vào nước rồi đột ngột bị cuốn đi. May mắn thay, ngay lúc đấy, mẹ tôi quay lại và phát hiện ra, một tiếng “A” vang lên, mẹ đuổi kịp và vớt được tôi lên. Tôi lúc đó đã hoàn toàn không biết gì, nhưng ký ức về tiếng “A” đó và cái giật mạnh, cho đến tận ngày nay vẫn còn như mới hôm qua. Chậm một giây thôi là tôi đã không còn nữa. Lớn lên, tôi có kỹ năng bơi lội tốt, cũng bơi được 12 hải lý, nhưng tôi lại không thích xuống nước.
Năm 6 tuổi, ở nhà thiếu nhi quốc tế, chúng tôi đều đã ngủ, bảo mẫu cũng đã đi ngủ, chợt nhớ ra để quên đồ nên cô ấy quay lại phòng ngủ của chúng tôi để lấy, nhân tiện kiểm tra lại phòng thì phát hiện tôi bị sốt cao, đo thấy hơn 40 độ bèn đưa ngay đi cấp cứu. Nếu không thì tới buổi sáng, tôi có thể sẽ lại không còn. Điều kỳ lạ là, trong phần đời còn lại của mình, tôi cực kỳ hiếm khi bị sốt.
Năm 17 tuổi, trong đội thể dục, vừa mới tập treo ngược trên xà kép. Dựng người lên, không biết cuộn về phía trước, một chút không cẩn trọng, bảo vệ không theo kịp, đầu của tôi cắm thẳng xuống đất. Cơ thể nặng 60 kg, xà cao 1m8, cộng thêm chiều dài hơn 2m. Hôn mê không lâu tôi bò dậy, tinh thần run rẩy thử cử động, dường như không vấn đề gì. Huấn luyện viên cho biết lúc đó không chết, cũng không bị liệt nửa người đã là đại phúc. Sau đó, tôi biết rằng tại huyệt giáp tích có một đốt sống bị lệch cho tới tận bây giờ, kết hợp với chấn thương thắt lưng tạo thành chứng vẹo cột sống.
Năm 20 tuổi, tôi mỗi ngày đều nhảy xuống nước từ một tảng đá cao 2m ở bờ biển biển Bắc Đới, bình thường đều không vấn đề gì. Hôm đó tôi không chú ý thủy triều vừa xuống, nhảy xuống nước, đầu lại đập thẳng vào một tảng đá chìm, ngất xỉu tại chỗ, trong giây lát tỉnh lại mơ mơ hồ hồ, vừa chìm xuống đáy, trước mắt một con cá mập nhỏ bơi qua. Cố gắng dùng sức để nổi lên mặt nước. Lại một lần đại phúc. Có lẽ đã quen với việc bị thương, mơ hồ nhiều ngày mới tỉnh lại, tôi cũng không để tâm.
40 tuổi, vào năm đó, tôi đột nhiên bắt đầu lực bất tòng tâm, dần dần nhận ra chứng trầm cảm ở trước đó hoàn toàn chưa loại bỏ được căn nguyên. Đủ thứ khó khăn lại dồn dập tới, việc đổi mới dạy học còn bộn bề, thế nhưng không một buổi lên lớp, không một sự việc nào bị chậm trễ. Tuy nhiên, cha già của tôi đã ngã bệnh hoàn toàn, phẫu thuật cổ họng, phải đi cấp cứu, rồi Cụ qua đời vào năm sau trong sự vật lộn. Cả nhà thay nhau chăm sóc, tôi chủ yếu trực ca đêm.
Buổi tối chạy xe vào thành phố, sáng sớm chạy xe trở về đi làm. Sau đó tôi lại lo việc hậu sự. Hồi đấy tôi chuyển về trường cũ được xét bổ sung để làm giảng viên một cách hợp lẽ, có được kết quả cải cách dạy học, đã đến lúc được thăng một cấp, không ngờ tôi lại bị chỉ trích. Việc này khiến tôi vô cùng ấm ức (Ban đầu là quyết định từ bỏ, nhưng rồi lại trở thành giải thoát); cuối cùng thì tôi với người vợ cũ cũng ly hôn trong hòa bình.
Vốn dĩ tôi không định kết hôn lần nữa. Không ngờ, 11 năm sau có được cơ duyên, tôi lại kết hôn. Vợ tôi là một nhà gốm sứ, cùng chung chí hướng về con đường luyện Thái Cực Quyền và Đạo Gia Công... Còn sinh một bé gái xinh đẹp như hoa đầu tiên từ hai đời nay cho gia đình chúng tôi. Bà nội và cả gia đình đều vô cùng yêu thích bé. Sau khi ly hôn, con trai từ đầu tới cuối do một mình tôi chăm sóc, tôi là người rất biết đủ để hạnh phúc, chỉ là năm đó thể chất và tinh thần đều kiệt quệ, rõ ràng là do không chăm sóc tốt, thực sự áy náy; cũng có lẽ cơ thể và tâm trí đã trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên ... Miễn cưỡng hoàn thành đợt thi cuối kỳ cho sinh viên xong thì tôi đổ bệnh.
Để thuận lợi cho việc tiếp tục công việc sau này, bác sĩ đã viết một cách nhẹ nhàng hơn kết quả khám bệnh là “Bệnh về chức năng thần kinh”, nhưng ông ấy đã thuyết phục tôi tìm bác sĩ tâm thần, chẩn đoán có thể rất khác nhau: chứng âu lo nặng, trầm cảm, tự làm tổn thương bản thân, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế... Cộng với chứng chán ăn (sau này mới biết bệnh này có thể gây tử vong). Lần qua quỷ môn quan này, tôi đã dành ít nhất 5 năm mới có thể thoát ra được, nhưng sau đó thỉnh thoảng cũng có một phần bị tái phát lại.
Tự cứu mình
Kể từ đó, tôi đoạn tuyệt với thế giới, mặc dù sống ở nhà và luôn chăm sóc người khác, con người tôi hăng hái, nhiệt tình mà nay hầu như không giao kết với mọi người gia đình, mọi thứ đều có “trở ngại”.
Điều nguy hiểm nhất là chứng chán ăn. Nghiêm trọng nhất lại là nguyên hẳn một tuần lễ tôi hoàn toàn không ăn cơm, hầu như không uống nước, Cả ngày như khúc gỗ, nhất cử nhất động đều nằm ở trên giường, gần như người đã chết. Tuy nhiên, dù là như vậy, mỗi buổi sáng đều phải tới Tử Trúc Viện để trạm trang, đó là cọng rơm cuối cùng để cứu mạng tôi.
Vào buổi sáng ngày mà tôi căn bản không thể ngồi dậy được nữa, đột nhiên tôi ý thức được rằng một chân mình đã bước vào quan tài, vậy là tôi bắt đầu kiên quyết tự ép mình uống nước, mỗi ngày tăng thêm một chút, tháng đặc biệt chỉ ăn đồ nước, kết hợp đứng trang công, miễn cưỡng hồi phục được thể chất mức kém nhất, tôi từng bước trở lại con đường khỏe mạnh một cách chậm chạp. Điều lạ lùng nhất của căn bệnh mà tôi nói là “không thể giải thích” này chính là từ sau đó ba năm, bạn sẽ có lúc khỏe hơn cả người khỏe, toàn thân tràn trề sức sống và tự tin là đã hồi phục triệt để rồi, thì bỗng một ngày bạn lại bất ngờ rơi trở lại vào cái vực thẳm bệnh tật mà không rõ lý do.
Cuối cùng thì mọi chuyện vẫn ổn, chỉ để lại một di chứng kỳ lạ, cái gọi là “Những trở ngại trong nghiệp vụ dạy tiếng Nga”, tôi thay đổi con đường sống của mình cũng chẳng sao cả. Không khó để mọi người hiểu, những năm đó Nhà nước suy xét lại những chuyện đã qua trên mọi phương diện, mở cửa cải cách, nền kinh tế trở nên cường thịnh, nhưng tôi đều đứng ngoài những việc đó, từ ấy trở nên “lạc hậu rồi”. Tôi biết rằng thật nhàm chán khi giải thích các quá trình trị liệu khác nhau, và càng vô đạo đức hơn khi giới thiệu chi tiết tình trạng và các hiện tượng của loại bệnh này – Cũng giống như bất kỳ người khỏe mạnh bình thường nào mang nhiều loại vi rút, anh ta đồng thời sẽ mang một “vi rút tâm thần”. Nói chi tiết về bệnh tình và kinh nghiệm bất thường thì rất dễ “bị truyền nhiễm” và bị gây bệnh.
Vì vậy, tóm tắt rõ ràng lại như sau: Tôi uống thuốc do bệnh viện An Định kê đơn được 3 tháng thấy không hiệu quả, chỉ có thể dựa vào quá trình cải thiện tự mình trộn lẫn thuốc Tây với thuốc Bắc. Con người tôi vốn thích đọc sách, một ngày không đọc là tôi không ngủ được, vậy mà thời điểm đó một chữ tôi cũng không đọc, phải mất một năm sau mới lấy lại kỹ năng đọc và viết của mình. Kể từ đó, tôi quay lại tiếp tục nghiên cứu Trung y và nghiên cứu rất nhiều tác phẩm kinh điển về văn hóa truyền thống của Trung Quốc như Thái cực quyền, Đan đạo, Kinh dịch và Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo, cùng nhiều loại sách về tâm lý học, triết học. Điều đó hoàn toàn không phải vì thi cử mà là để giải quyết triệt để vấn đề của chính mình. Tuy vậy sau này cũng vì thế mà tôi có năng lực để giúp đỡ không ít bạn bè, thân hữu.
Phải nói rằng Thái cực quyền đã hỗ trợ thể chất và cuộc sống của tôi, thúc đẩy mạnh mẽ sự tái sinh trong tôi. Tôi cũng hiểu ra được một đạo lý đơn giản nhất: Bất kỳ ai, bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài cũng chỉ có thể “giúp bản thân tự giúp mình”. Ý chí về sinh mệnh, tự lực, tự cường để hồi sinh mãi luôn là điều kiện tiên quyết.
Thầy Thạch Minh và chưởng của Thầy
Như đã đề cập trước đó, kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1983, tôi ở công viên Tử Trúc Viện tại Bắc Kinh, đào sâu nghiên cứu về “Bộ sách chuyên khảo Uông Truyền Dương Thức Thái cực quyền Thạch Minh” (Thời điểm đó được gọi là “Thái cực quyền Như Ý”) và cơ bản công tương ứng. Sau đó học “Thái cực kiếm” của ông ấy. Thầy dạy là Thạch Minh (Học trò của đại đệ tử Uông Công Vĩnh Tuyền là Chu Hoài Nguyên tiền bối). Rồi tôi giảng dạy và nghiên cứu quyền này cho tới tận ngày nay.
Thầy Thạch Minh tự giới thiệu về mình như sau, năm 1939 mẹ của Thầy sinh non, Thầy chào đời sớm hai tháng. Phụ thân từng đánh võ Thiếu Lâm Tự ở Sơn Đông, thầy Thạch Minh bắt đầu học quyền từ năm 8 tuổi, phụ thân nhìn thấy Thầy cơ thể yếu ớt nên vào năm 1949, lúc ấy Thầy lên 10, cả nhà chuyển đến Bắc Kinh bèn đưa Thầy đến bái sư học thái cực quyền. Thầy giáo vỡ lòng là Thôi Tỉnh Tam, đệ tử nhập đường của Hằng Thọ Sơn (Hằng Thọ Sơn, Kinh Lăng Phái, là “Bắc Kinh thập Lão”, tức một trong mười đại võ thuật gia hiện đại).
Thầy Thạch Minh đã học Thái cực quyền Ngô Thị và Vũ Thị ở chỗ thầy Thôi. Thầy Thôi cởi mở, đặc biệt là sau khi dạy được 3 năm, đồng ý cho Thầy Thạch Minh được phép đến nhiều công viên khác nhau để tầm sư học đạo. 14 - 15 tuổi, Thạch Minh đã đi theo Chu Hoài Nguyên. Theo lời của Chu Hoài Nguyên và Uông Trọng Minh, Thạch Minh là học trò cưng của Chu Hoài Nguyên.
Một lần, Uông Công Vĩnh Tuyền đã đích thân trực tiếp chỉ dạy, khiến Thạch Minh hai lần "lạc không". Ông ấy vất vả suy xét, nhiều lần thử nghiệm cuối cùng đã “tìm thấy được thứ đó”, rồi như hổ mọc thêm cánh, công phu tiến bộ vượt bậc. Sau nhiều năm học tập, có một lần thôi thủ ở bên ngoài, đẩy ngã một người không đáng đẩy, có người phàn nàn với thầy Chu, đồng thời khiêu khích ông ấy. Thầy Chu đã nghiêm khắc trừng phạt ngay tại chỗ, Thạch Minh lầm tưởng võ nghệ sẽ bị phế bỏ bèn kiếm cớ rời khỏi sư môn. Thầy Chu nói với tôi, thành thật mà nói, ban đầu đó là một sự hiểu lầm.
Kỳ thực, Thạch Minh là một tín đồ quyền thuật thuần túy. Ông ấy luôn đi khắp nơi để học hỏi, tận dụng lợi thế của người khác để bù đắp những thiếu sót của bản thân. Các học giả nổi tiếng của Thái Cực Quyền Dương thức, Trần thức và Tôn thức, cao thủ Thái Cực Quyền ở Bắc Kinh, các hội võ thuật, các công viên, ông ấy đều đã đi khắp. Ông ấy nghiền ngẫm về bát quát, hình ý, thông bối. Thoáng chốc tốt nghiệp đại học, ông ấy học về ngoại giao, sau đó thì lại làm về bên ngoại thương, nhưng thứ nặng mang trong lòng ông vẫn là môn Thái Cực Quyền huyền bí vô tận.
Ông ấy rất giỏi suy nghĩ độc lập và nghiên cứu quyền luận, Vương Tông Nhạc, Vũ Vũ Tương, Lý Diệc Xa và các loại quyền khác, đều được ông cân nhắc, suy xét, gọt dũa từng chữ một, yêu cầu bản thân trong lòng hiểu rõ ràng, nói ra được rõ ràng và trên đôi tay cũng thấu hiểu chính xác. Thầy Thạch Minh dạy quyền và giảng lý luận, thay vì nói qua loa về “Âm dương hư thực”, Thầy vừa làm vừa giảng để học sinh tự cảm nhận và tìm ra điều đó trong trải nghiệm.
Thầy Thạch Minh đều đã thu nạp hết các hình thức Thái Cực Quyền khác nhau, thông qua việc so sánh những hình thức đó để rút ra điểm mạnh, điểm chung, điểm khác biệt của chúng, tổng hợp và tổng kết thành “Cửu tự quyết” (bí quyết 9 chữ - người dịch): “Phiêu (nổi), tẩu (đi), tiếp (tiếp cận); yêu (eo), khoa (hông), kiên (vai); tản (lỏng), hư, không”.
Tôi chưa thấy một bản tóm tắt nào hàm súc hơn thế, nó có thể chứa đựng tất cả các công phu cơ bản trong quyền luận kinh điển. Nội dung tu luyện công phu đằng sau mỗi ba từ và mỗi một từ dường như vô tận. Sau đó, cuốn sách “Dương thức Thái cực quyền thuật chân” của Uông Công Vĩnh Tuyền và sau đó nữa là cuốn “Trích dẫn lời dạy và hình ảnh Uông Vĩnh Tuyền thọ Thái cực quyền Dương thức” được xuất bản, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, những gì Thầy Thạch đã giảng giải so với cốt tủy luận thuật của Uông Công thực sự là không hẹn mà gặp.
Trong khoảng thời gian không được sư môn công nhận, Thạch Minh đặt tên cho sách lược Thái Cực Quyền đã cắt bỏ một nửa tinh luyện của mình là “Thái cực quyền như ý”, ý nghĩa sử dụng có phần sâu sắc. “Như ý” được sử dụng để hoài niệm sư phụ Chu Hoài Nguyên, bởi vì ở trong Chu môn, mỗi ngày đều phải học Ngũ Thủ Thông Bối Quyền (Thầy Chu khi còn trẻ cũng là một cao thủ Như Ý Thông Bối); “Thái cực quyền” - tất nhiên là hoài niệm Uông Công Vĩnh Tuyền.
Ông ấy lại giải thích với công chúng là: "Thái cực quyền chính là Thái cực quyền. Tôi thêm hai chữ “Như Ý”, vì Thái Cực đến được độ làm theo ý muốn mới thành, mới nhập vào thần minh; cũng bởi vì người người đều mong như ý, Thái Cực quyền chính là dẫn đến như ý. Thái cực quyền vốn dĩ không nên thêm họ thị, họ thị là do hậu thế đặt ra để phân biệt các nhánh”.
Thầy Thạch Minh bắt đầu dạy quyền vào năm 1972 tại công viên Đan Đông. 6 năm sau, trên đảo Trung Sơn của Tử Trúc Viện có một mảnh đất quí giá, đến nay đã nhiều lần đổi tên, dựa vào cái đình “Ba Nghi Hiên” để đánh dấu tên gọi, trở thành địa điểm dạy quyền trọng điểm của ông ấy. Học trò, đồ đệ trước sau có hơn 100 người, phần tử trí thức chiếm tỉ lệ lớn – Họ phát hiện ra, thầy Thạch Minh dạy quyền, đạo lý sâu sắc, kiến thức phong phú. Sau mở cửa cải cách, học trò Âu Mỹ và Nhật Bản cũng nhiều lên. Có người học tập lâu dài, có người thì định kỳ tới học. Một năm 365 ngày, thầy Thạch Minh chỉ có một ngày nghỉ ngơi, đó chính là vào mồng một tết. Hai mươi năm cũng như một ngày, thầy ngồi xe một giờ đồng hồ từ nhà tới công viên, buổi sáng 6h30 phải có mặt, 7h30 dạy xong lại đi làm. Để làm được việc này, mỗi ngày thầy phải dậy từ 5h sáng. Chỉ riêng một việc này cũng khiến người người đều ca ngợi.
Suy nghĩ tản mạn
Một vị giáo sư võ thuật tại Học viện Thể dục Bắc Kinh (nay là Đại học Thể dục thể thao Bắc Kinh) từng tìm đến thầy Thạch, với hy vọng rằng với tư cách là một bậc thầy về Thái Cực Quyền, ông sẽ chấp nhận dụng cụ cao cấp, hết sức tiên tiến của Đức để đo áp lực khớp trong quá trình vận động của họ. Thầy Thạch không đồng ý, bảo vị ấy đi nói chuyện với tôi. Tôi đã giải thích chi tiết cho ông ấy lý do tại sao thầy Thạch từ chối tham gia thí nghiệm của họ. Là một võ thuật gia, ông ấy tỏ ra thấu hiểu và quyết định từ bỏ. Sau rất nhiều năm, cuối cùng tôi cũng có thể bày tỏ lập trường của mình về vấn đề này một cách rõ ràng.
Đề tài “Thái Cực Quyền có khoa học không”, cũng giống như vấn đề “Trung y có phải là khoa học hay không” hiện nay, còn tồn tại nhiều ý kiến tranh luận khác nhau và vẫn chưa ngã ngũ. Vấn đề nằm ở chỗ, khoa học ra đời và phát triển 300 năm, nhưng văn hóa Trung Quốc lại tới tận 5000 năm, sự phân kỳ thuộc về hệ thống tư duy và thực tiễn văn hóa khác nhau của mỗi người.
Từ thế kỷ 19, Trung Quốc bù đắp cho sự thiếu hụt khoa học kỹ thuật và cuối cùng đã bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, nhưng nó lại gần như hủy hoại cội nguồn văn hóa của mình trong sự phê phán rất không thỏa đáng. Nếu không như vậy, tinh hoa văn hóa truyền thống Trung Quốc sẽ không ngừng tuôn chảy, bắt nhịp với bước tiến của thời đại và phát triển một cách vững chắc và thịnh vượng, đồng thời tiếp thu một cách hợp lý những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, lại gặp phải vấn đề Tây hóa phiến diện trong một thời gian dài, một phần đáng kể nền văn hóa đã hoàn toàn bị Tây hóa lấn át triệt để, và những thứ xuất sắc của chính mình lại bị dồn ép vào góc chết, chỉ còn thoi thoi thóp chút hơi tàn và mất dần tiếng nói. Vẻ phồn thịnh bề ngoài dường như đã che đậy vấn đề này. Ngay từ khi tôi còn học ở Tử Trúc Viện, tôi đã gặp phải vấn đề nhức nhối này.
Nói một cách đơn giản, văn hóa Trung Quốc còn lại chẳng được bao nhiêu, vì cái được gọi là “Khoa học hóa” mà trở thành chuột bạch, thỏ thí nghiệm của các nhà khoa học, để cho họ xâu xé rồi bôi nhọ danh dự. Đây là một con đường tự diệt vong hoàn toàn. Nhằm mục đích cứu rỗi, chúng ta bắt buộc phải uốn cong thành thẳng, khi đối xử với vấn đề quí báu của chính mình thì đem cục diện đảo ngược lại.
Người phụ trách đề án phải là đại biểu thực sự của tinh hoa văn hóa Trung Hoa, căn cứ vào nhu cầu của bản thân, lợi dụng thành quả khoa học kỹ thuật hiện đại để tự mình làm chủ, dẫn dắt việc nghiên cứu và phát triển đề án. Võ thuật, Trung y đều như nhau. Nói một cách không dễ nghe, chúng ta thà rằng “thuê mướn” chuyên gia khoa học kỹ thuật hiện đại và các tài nguyên khoa học đó, để làm việc cho chúng ta, từ đối tượng nghiên cứu tới thiết kế đề án rồi đến nghiên cứu chi tiết, các vấn đề khoa học cơ sở có liên quan đều phải do chúng ta chỉ đạo. Chỉ chuyên gia nào chấp nhận thử thách như vậy, hiểu được tính đặc thù của đối tượng nghiên cứu, tìm ra phương pháp khoa học và máy móc mới tương ứng, kinh qua nỗ lực trường kỳ mới thu nhận được một kết quả nhất định, chính họ và cả thế giới cũng đều sẽ bị thuyết phục, về sau, chúng ta mới có thể trở lại được vị thế bình đẳng, ngang vai.
Tốt nhất, chính các nhà khoa học cũng học tập, thể nghiệm một cách nghiêm túc báu vật và phương pháp tư duy truyền thống Trung Quốc, đại diện văn hóa Trung Quốc cũng nỗ lực mạnh mẽ nhất để học tập khoa học kỹ thuật hiện đại và văn hóa hiện đại, từ đó xây dựng cầu nối trao đổi tốt đẹp giữa đôi bên, từng bước tiếp nhận được ngôn ngữ chung. Việc này vô cùng khó khăn, không kém gì khoa học quân sự hay vũ trụ, tuy nhiên nhân dân Trung Quốc nhiều lần minh chứng không có khó khăn nào không thể khắc phục. Huống chi thành quả nghiên cứu đỉnh cao về vật lý, sinh vật và đại não hiện đại có được rất nhiều điều kiện tương ứng. Văn hóa triết học xã hội hiện đại và truyền thống cùng cần thiết phải bắt theo nhịp.
Tôi muốn đặc biệt kiến nghị nên vận động giới Thái cực quyền tổ chức, thành lập đội ngũ nghiên cứu khoa học cơ sở thực sự, để Thái cực quyền dần dần nhận được sự hỗ trợ từ các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển lâu dài trên khắp thế giới, phục hồi văn hóa truyền thống Trung Quốc và xác lập đại cục tự tin văn hóa Trung Quốc.
Lời bàn phía sau
Khi mới bắt đầu, “cái này” là sự thật thần bí được chính cơ thể trải nghiệm. Về sau, lớp mặt nạ thần bí đã thôi không còn xuất hiện nữa. Tôi đã thực sự nhận thức được “cái này”. Đó là kỹ thuật đặc định và là trạng thái thân tâm mà ngôn ngữ khó lòng diễn tả được. Nói thật là, đi con đường này, tôi đã tìm thấy vô số thứ ở ven đường, những thứ của cải quý báu nằm ngoài quyền thuật. Tuy nhiên, “cái này”, vẫn còn chưa thể tìm đến được vùng căn nguyên thâm sâu nhất của nó.
Giai đoạn theo đuổi ý nghĩa này cùng nỗ lực đến độ bực dọc, rốt ráo đã đi qua: Tôi đã hiểu rằng tim bình dị chính là Đạo. Nói một điều điên rồ nhưng lại là lời trái tim: Ngay cả khi không thể tìm thấy “cái này”, cũng đã đủ vốn rồi; Đồng thời, miễn là còn một chút hơi thở, tôi vẫn sẽ tìm kiếm nó; Nếu tìm không thấy thì phải làm sao? Thực sự cũng không hề gì. “Đủ vốn rồi” không phải là một câu nói tùy tiện: nếu bạn chết hụt một lần và sống sót trở lại, cộng với việc luyện tập thì sẽ không còn sợ chết. Hãy ngẫm nghĩ và bạn sẽ hiểu ra: Để tâm đến “sống nhiều hơn một ngày hay ít hơn một ngày”, thì mới tham sống sợ chết; Mà tôi bây giờ thì chỉ nghĩ “sống thêm một ngày thì được một ngày”, vậy còn phải lo lắng sợ chết ư? Những ai từng cận kề cái chết mà sống lại, chắc chắn có không ít người có thể lý giải được lời tôi nói.
Bạn có thể nói, “Anh nói như thế không phải đều là nói xằng bậy sao?”, Tôi phải nói: nhất định phải tìm, nhưng không thể biết được rốt cuộc kết quả sẽ như thế nào, là thái độ đúng đắn duy nhất để truy cầu chân lý. Chân lý trước nay không phục tùng mục đích. Tôi cũng biết, lời tôi nói rất mẫu thuẫn và tạo thành một nghịch lý. Nhưng chính những trải nghiệm và sự suy ngẫm của bản thân đã nói với tôi rằng, bản thân thái cực chính là một nghịch lý.
Bạn thử nghe xem: Vừa dương lại vừa âm, không dương cũng chẳng phải âm; Đã tĩnh lại còn động, không động cũng chẳng tĩnh, động tĩnh chi cơ; bất động chi động, động trong tĩnh; dĩ tĩnh chế động, dĩ nhu khắc cường, lấy chậm thắng nhanh, đi sau tới trước... Đâu đâu cũng chẳng phải đều là nghịch lý? Nói một cách chính xác: “Thái cực chính là sự đột phá và vượt qua nghịch lý, bởi lẽ thái cực là “Âm dương chi mẫu”. Vì vậy lời tôi nói như lời khùng điên, nhưng kỳ thực lại là lời thành thật, “không phải vậy mà lại là vậy”, lại cũng chính là lời từ trái tim tôi.
Cũng bởi lẽ đã lựa chọn con đường “Phòng thí nghiệm khảo cổ nội công thái cực quyền” nên tôi chỉ lo làm việc không tính toán đến lợi ích. Như cách người ta vẫn nói “Văn chương trong thiên hạ là một sự sao chép lớn”, còn có “Vô cớ hao phí thời gian của người khác, không khác gì mưu tài hại mệnh” – Tôi thấy rằng, hai câu này đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc cho một số học giả và giới tri thức. Tôi thực sự không muốn dẫm lên vết xe đổ, nên quyết định có thái độ trung thực đối với chính bản thân mình cũng như với độc giả, dựa vào hình thức ghi chép thái cực để tâm sự với những người cùng chí hướng.
Thoạt nhìn sẽ quay đầu – nói chuyện không hợp ý thì nên im lặng, bước chung đường với người không cùng chí hướng thì không thể cùng nhau mưu đồ, thực xin lỗi! Thật thú vị khi đọc - Thoại phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, quân tư chi giao đạm nhược thủy (Nói chuyện với tri kỷ thì ngàn chén vẫn thiếu, quân tử kết giao nhạt như nước – Người dịch). Cảm tạ người bạn tri kỷ đã lâu!
PHẦN 1: https://thaicucquyen.edu.vn/duyen-phan-thai-cuc-phan-1
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe