TRẠM TRANG – NỀN TẢNG NỘI GIA QUYỀN
(Tác giả: Karel Koskuba
Trích dịch: NVT TCQUM HN)
Hầu hết các môn nội gia quyền đều sử dụng một số tư thế đứng làm nền tảng luyện công và Thái Cực Quyền cũng không nằm ngoài phạm vi này. Những bài tập đứng này thường được gọi là Trạm Trang - đứng như cột; đôi khi người ta còn gọi là “Khí công đứng”. Thực tế cho thấy, người luyện thường gặp trở ngại với những bài tập này vì nó khó hiểu, tẻ nhạt và đau nhức mặc dù công pháp này rất hiệu quả, nó đem lại cho người tập sự thư thái và tích lũy nội khí.
Nội dung sau đây sẽ chỉ ra về lý thuyết theo quan điểm của phương Tây tại sao những bài tập dạng này là tối quan trọng trong nội gia quyền và khí công, cách nhìn nhận của phương Tây về khí truyền thống. Nội dung trình bày ở đây được đúc rút từ kinh nghiệm rèn luyện Thái Cực Quyền, Ý quyền và kết quả nghiên cứu phục hồi chức năng bằng các tư thế dưỡng sinh cùng với khoa học thể thao.
1. Định thế, vận động và cân bằng
Chúng ta thường nghĩ rằng tư thế yên định và vận động là tách biệt - vì con người chỉ ở một trong hai trạng thái tĩnh hoặc động. Khi ở tư thế yên định và vận động thì cơ bắp được yêu cầu làm việc khác nhau nên không có gì lạ là cơ bắp phản ánh trạng thái cơ thể.
Ví dụ, nhóm cơ có nhiệm vụ chính là giữ tư thế thì các sợi cơ có độ vặn xoắn chậm trong khi nhóm cơ sử dụng nhiều cho vận động thì các sợi cơ độ vặn xoắn nhanh. Không phải chỉ các cơ khác nhau thì vận động khác nhau mà một cơ vận động sẽ khác nhau khi thực hiện các chức năng khác nhau.
Ví dụ, khi một cơ hoạt động để giữ tư thế (ổn định hay giữ cố định) sẽ phản ứng khác với khi nó dùng cho di chuyển (vận động hay điều phối). Vậy để dễ hiểu, ta giả định một cơ trở thành 2 cơ là: cơ định thế và cơ điều phối. Để đơn giản hơn, khi ta nói về 1 cơ, nghĩa là nói tới tổ hợp các phản xạ và cơ chế kiểm soát của Hệ thần kinh trung ương. Do vậy, luôn nhớ là khi nói về cơ thì hãy cảm nhận nó hoặc tác động nó.
Cơ định thế giữ vai trò quan trọng trong cách nhìn nhận của chúng ta, trong thực tế chúng tương tác với lực hấp dẫn và hoạt động nằm ngoài ý muốn của ta – chúng ta không thể trực tiếp kiểm soát cơ định thế mà chỉ gián tiếp tác động qua ý thức. Ví dụ, khi ta đạp xe, ta dùng cơ định thế để giữ cân bằng, ta không muốn bị ngã xuống nhưng ta không thể ý thức điểu khiển được cơ định thế mà chỉ có thể kiểm soát chuyển động cơ thể. Điều khiển theo nhận thức là quá chậm – trước khi ta nhận thức được phản ứng của cơ định thế, ta đã ngã rồi. Đây là thực tế những gì xảy ra khi ta bắt đầu tập đi xe đạp – đầu tiên ta sử dụng cơ điều phối sau đó qua tập rượt và vấp ngã thì cơ định thế hoạt động để ta tìm thấy cân bằng ổn định.
Cơ định thế không chỉ được sử dụng để giữ cố định một tư thế hay giữ cân bằng như ở ví dụ trên mà nó cũng được sử dụng khi vận động. Nếu ta cho rằng vận động là sự chuyển tiếp của các tư thế cố định thì ta có thể thấy các cơ định thế hoạt động liên tục. Như vậy phải chăng có sự liên hệ của các cơ định thế trong luyện tập Thái Cực Quyền?
2. Buông lỏng và tự nhiên
Nếu ai đó đẩy bạn trong khi bạn muốn giữ cân bằng, thì thông thường bạn sẽ ngay lập tức dùng sức chống lại. Khi đó, bạn đang dùng cơ điều phối. Nhưng sự việc sẽ khác khi ai đó ấn bạn từ trên vai xuống thì bạn không thể đẩy ngược trở lại, bạn chỉ có thể chịu lực đẩy này một cách thụ động trong tư thế hiện tại.
Trong ví dụ đầu, nếu thay thế hoạt động của cơ điều phối bằng cơ định thế để chịu lực đẩy ở tư thế thì bạn sẽ ít tốn sức. Sau đó, bạn có thể sử dụng khả năng giữ cân bằng của cơ định thế để chống lại bất cứ tác động bất ngờ làm mất cân bằng mà không tốn sức. Nói cách khác, như trong Thái Cực Quyền có câu: “Địch bất động, ta bất động, địch động, ta động trước”. Vì vậy, sử dụng cơ định thế theo cách này sẽ tạo hiệu quả thiết thực trong Thôi thủ.
3. Ý đi đâu, Khí theo đó
Quan hệ đồng hành giữa Khí và hoạt động của cơ định thế đến đây có phần rõ ràng hơn. Khi ta dùng Ý để dẫn cơ định thế nâng tay lên, ta không thấy căng thẳng, đó là vì tay được nâng lên bằng các sợi dây vô hình. Khi ta dùng cơ định thế để chịu lực hoặc hóa giải lực đẩy, ta không thấy căng thẳng và cơ thể phản ứng cách tự động để tạo cân bằng. Khi bạn bắt đầu sử dụng cơ định thế, bạn tăng cường phản ứng của các cảm giác ẩn như ấm nóng, nhức, tan chảy .v.v. Tất cả đó là tính chất của Khí. Nếu chúng ta mô tả Khí như quá trình của thân tâm thì nó nằm ngoài sự kiểm soát có ý thức nhưng ta bao quát được các tính chất của nó.
4. Khí khởi từ Đan Điền
Khi bạn tạo ra bất cứ cử động nào, thì trước khi động có một khoảng thời gian trì hoãn để cơ thể chuẩn bị sắp đặt lại eo lưng thông qua các cơ định thế vùng bụng ở sâu bên trong. Thông thường, bạn không cảm nhận được quá trình chuẩn bị này, nhưng khi độ mẫn cảm được nâng lên qua luyện tập bạn sẽ thấy nó.
Như đã nói trong phần trên, sử dụng cơ định thế là đang sử dụng Khí. Do đó, bất cứ cử động nào đều bắt đầu bằng việc kích hoạt Khí ở vùng Đan Điền (ý thức về nó cách tự nhiên ở khu vực bụng dưới).
Cơ thể sẽ không thể động cho đến khi khí ở Đan điền được kích hoạt. Điều này rất quan trọng để chuyển động nhanh, đặc biệt khi phát kình (fa-jin). Thời gian trì hoãn để ổn định eo lưng làm cho bạn lâu hơn, nhưng đó không phải là trở ngại khiến di chuyển chậm mà khi bạn muốn nhanh bạn phải thực hiện Ý muốn nhanh đã. Đó là cách để xóa bỏ hoặc ít nhất là giảm thiểu thời gian trì hoãn giữ cơ thể ở một tư thế mà cơ định thế đang thực hiện.
5. Lỏng
Tư thế được mô tả này (trạm trang) là để nói tới Lỏng (buông thả, thư giãn) trong TCQ. Yếu tố cốt lõi của tư thế này là sự hỗ trợ của cơ định thế, được chống đỡ sâu bên trong. Cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng (không thể cảm nhận cơ định thế), cử động thanh thoát và cân bằng ổn định. Cũng có thể nói như TCQ luận mô tả “nhất vũ bất năng gia, đăng trùng bất năng lạc” (một cái lông không thể thêm, một con ruồi không thể đậu).
6. Động toàn thân
Khi bạn đứng một chân và quan sát làm sao để đứng thẳng, bạn sẽ thấy việc điều chỉnh tư thế được diễn ra ở mọi vị trí trên cơ thể, từ mắt cá chân cho tới đỉnh đầu. Đó là do cơ định thế được liên kết chéo khắp cơ thể. Khi bạn sử dụng cơ định thế mà không phải cơ điều phối thì toàn bộ cơ thể chuyển động một cách tự nhiên.
7. Loạn chức năng định thế
Nội dung từ đầu tới đây cho bạn thấy rằng luyện tập cơ định thế là rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố khác liên quan. Bởi vì sự chuyển đổi dần (theo tiến hóa) lên đứng thẳng của con người, chức năng giữ thế đứng thẳng chưa được đảm bảo ổn định trong hệ thần kinh cơ mà dễ bị phá vỡ. Dường như các cơ định thế “mới” này cần phải tiếp nhận thêm vai trò làm định thế (ví dụ: cân bằng với lực hấp dẫn) để luôn nhắc nhở chúng đang là cơ định thế. Ví dụ, nếu chúng giữ cố định trong thời gian dài, chúng có thể mỏi dần mà đánh mất vai trò của nó. Thật không may, lối sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta lại hỗ trợ quá trình này (đi học, làm việc, ngồi máy tính…) và còn rất nhiều phương thức khác làm cho nó sai lệch. Đôi khi cơ điều phối lại đảm nhiệm vai trò giữ tư thế vì nó không phải “cùng làm” ở cuối mỗi vận động nên chúng có thể góp phần vào việc giữ tư thế. Khi cơ định thế bị yếu đi trong quá trình bất động thì vai trò giữ tư thế của cơ điều phối được tăng cường. Cũng có thể chúng ta đã tăng năng lực cho cơ điều phối quá mức trong quá trình luyện tập và để nó lấy mất vai trò của cơ định thế trong trung khu điều khiển.
Tất cả điều này liên quan mật thiết tới sức mạnh của chúng ta. Khi đẩy vật mà ta đứng trên nền trơn thì ta không thể phát ra nhiều lực. Để dùng lực có hiệu quả thì chúng ta cần phải có chân đế ổn định. Nguyên lý này cũng áp dụng ở bên trong cơ thể, nếu cơ định thế yếu hoặc làm việc không hiệu quả thì cơ điều phối sẽ không phát huy được tối đa sức bền. Điều này giải thích tại sao chúng ta chỉ sử dụng được một phần nhỏ sức mạnh tiềm tàng trong mỗi chúng ta.
Nguyên lý trên cũng tác động tới tốc độ. Nếu ta không tạo ra đủ sức mạnh do cơ định thế yếu, thì tốc độ sẽ thấp. Nếu dùng cơ điều phối để làm việc thay cơ định thế, thì chúng sẽ giảm hiệu quả khi dùng cho chuyển động.
Kết quả là, phần lớn chúng ta không sử dụng cơ định thế một cách đúng đắn. Hơn 95% các bệnh cơ xương là do mất cân bằng vận động giữa cơ định thế và cơ điều phối. Và đó không chỉ là vấn đề của cơ xương. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này còn hạn chế nhưng tôi tin chắc rằng tầm quan trọng của việc nhận thức lại về tư thế sẽ dần được chú ý phát triển.
Kết luận
Trạm trang là bước đầu gây dựng Nội khí, cần chú trọng thả lỏng toàn bộ cơ bắp và cảm nhận cơ thể cân bằng trước lực trọng trường. Từng bước loại bỏ việc sử dụng cơ điều phối để giữ tư thế. Chậm rãi, cảm nhận các chuyển động tinh tế thông qua hình ảnh hóa cảm giác vận động (động trong tĩnh). Sau đó, khi tìm cách vận động thông qua “ý niệm” thì kết cấu cơ thể luôn được chống đỡ chỉ bằng cơ định thế, tạo ra cảm giác trang công ở mọi thời điểm trong chuyển động (tĩnh trong động)./.
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe