Võ thuật chính là nghệ thuật sử dụng sức mạnh, ngoài kỹ thuật tự vệ hay tấn công, ở khía cạnh khác nó còn thể hiện năng lực kiểm soát, hoá giải và kiềm chế sức mạnh. Rèn luyện võ thuật nói chung, sẽ là thiếu sót nếu không tập hoặc tập nội công sai phương pháp làm giảm chất lượng vận động, dễ bị chấn thương, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tính cách và lối sống.
Tập nội công trong thái cực quyền truyền thống không khó
nếu được định hướng đúng và có phương pháp.
Với thái cực quyền truyền thống, khó khăn đến từ việc người tập thiếu kiên nhẫn chứ không phải là sự phức tạp của kỹ thuật hay động tác. Thay đổi, giản hoá và từ bỏ thói quen dường như khó thực hiện trong thời gian ngắn. Dựa vào thực thể để tìm ra vô hình, dùng ý để luyện ý rồi tiến tới không còn ý.
Thầy tôi từng nói, luyện thái cực quyền là tập những thứ không nhìn thấy, những thứ có thể thấy đều là không thật, được trải nghiệm và chứng kiến Thầy thực hành, tuy không thể tự mình giải thích nhưng tôi tin điều này có thật. Bản tính tò mò, thích khám phá bị kích hoạt đã khiến tôi quyết định phiêu lưu với môn tập này, hy vọng một ngày nào đó sẽ hiểu những thứ được coi là “ảo diệu” của thái cực quyền truyền thống.
Nếu bạn tập quyền mà không luyện nội công, điều này làm giảm rất nhiều giá trị của thái cực quyền. Nội công chính là Thần - Ý - Khí mà ai cũng có, chỉ là chúng ta không thể nhìn thấy hay cầm nắm được bởi đặc tính không hình tướng của nó. Thần là chỉ tinh thần, là thần thái; ý là sự tập trung của suy nghĩ, của tinh thần; khí là nguồn năng lượng sinh học bên trong cơ thể. Ba thứ này hợp nhất để tạo ra và cung cấp sức mạnh cho thân - chân - tay, đó chính là đặc điểm của huấn luyện vận động trong thái cực quyền truyền thống.
Ban đầu bước vào tập nội, bạn không thể biết tất cả mọi thứ và hoàn thành nó một cách nhanh chóng. Người tập phải từng bước bỏ đi sức mạnh cố hữu trong hệ thống cơ bắp, học cách buông lỏng rồi đưa ý bám theo từng động tác của tay, chân, thân, cảm nhận sự liên kết của chúng trong cơ thể. Sau một thời gian dài, bạn sẽ hiểu cái gì là “Ý niệm” mà thái cực quyền nói tới và biết cách dùng nó. Giai đoạn này, người tập với nhận thức bình thường, luyện cho thân thủ bộ nhuần nhuyễn là đạt được yêu cầu nền tảng cho những bước tiếp theo. Thói quen suy nghĩ phức tạp, lan man cộng với ham muốn học càng nhiều càng tốt cần được khắc phục, tránh dẫn đến kỹ thuật nào cũng tập một chút trong buổi học ngắn ngủi. Sự cấp bách đó làm cho mọi cử động trở nên căng thẳng hoặc hời hợt, cả hai trạng thái đều cho kết quả không tốt.
Ý khí vận động là kỹ năng chủ chốt, bạn phải dùng nhiều năm tháng rèn luyện chăm chỉ theo hướng dẫn của thầy để biến nó thành thói quen thường xuyên, điều quan trọng là duy trì tâm lý ổn định, quyết tâm không từ bỏ mục tiêu.
Cơ thể tiếp tục bị điều chỉnh mạnh mẽ trong lúc tập động tác, các nhóm cơ hay bộ phận trước kia ít được vận động thì nay sẽ được vận động nên việc đau mỏi là không tránh khỏi (tham khảo bài viết: https://thaicucquyen.edu.vn/dau-moi-trong-tap-thai-cuc-quyen). Động tác nặng nhẹ tuỳ vào thể trạng của từng người mà quyết định, không nên luyện quá sức, việc tăng dần độ khó cũng như độ nặng phải có thời gian và phương pháp phù hợp. Như vậy, dù là dưỡng sinh hay mục đích khác, người tập mới khai thác được triệt để khía cạnh tích cực, hạn chế tối đa rủi ro, tiêu cực do vận động đem lại.
Mặc dù trong thái cực quyền truyền thống, yêu cầu đối với từng bộ phận cơ thể là rất nhiều, người tập cần lưu tâm để hoàn thành nó. Việc tập luyện trong thời gian dài, thao tác kỹ lưỡng, tỉ mỉ, đúng đắn sẽ đem đến cho bạn thành quả ngọt ngào từ lao động của mình. Cơ thể thoải mái, hưng phấn, thanh thoát sau mỗi buổi tập, sức khoẻ thể chất lẫn tâm lý được nâng cao, những mơ hồ, khó hiểu ngày càng được làm rõ. Khi nhận thức thay đổi, đồng nghĩa những e dè, ngờ vực giảm đi. Niềm tin được củng cố, tạo động lực cho bạn đi tiếp trên con đường đã lựa chọn.
Có nên tự luyện nội công thông qua tham khảo các tài liệu, sách vở, video
mà không cần thầy hướng dẫn?
Câu trả lời là không nên, việc này chẳng khác gì bị lạc vào rừng giữa đêm tối hay bơi giữa đại dương bao la không biết đâu là bờ. Nói đến nội công có nghĩa là tổng hoà hoạt động của các cơ quan nội tạng, khí (bao gồm cả hơi thở) và huyết. Được coi là bản năng tự nhiên, chúng không chịu sự chi phối bởi ý thức chủ quan của con người. Trong thái cực quyền, luyện nội công đúng đắn giúp làm mạnh các hoạt động này nhưng vẫn giữ được vận hành như nó vốn là.
Cơ thể con người hoạt động rất chính xác, tinh vi. Việc tập luyện tuỳ tiện, thiếu thận trọng dễ gây ra rối loạn của các cơ quan nội tạng. Biểu hiện tập sai: nhẹ thì đau mỏi, bế tắc, yếu ớt không có lực. Sâu hơn sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý, xuất hiện cảm xúc tiêu cực, khó kiểm soát bản thân, dễ bị kích động và biểu hiện hung hăng, thậm chí gây suy nhược, mất ngủ.
Trong luyện tập nội công, phải dần dần loại bỏ dạng năng lượng đi kèm với giận dữ và bạo lực. Nó được coi là năng lượng thú tính, có xu hướng bốc lên làm lu mờ lý trí dẫn đến mất khả năng kiểm soát hành vi.
Ngược lại, thái cực quyền tập sử dụng năng lượng tĩnh, sạch, càng luyện càng thấy tinh thần thư thái, có thể khiến vận động đạt tới trình độ “không thừa, không thiếu”, nâng cao chất lượng sức mạnh của toàn thân.
Điểm quan trọng cần tránh trong khi luyện đó là không được để tinh thần mệt mỏi dễ rơi vào trạng thái mơ màng hoặc hôn trầm, mong muốn vượt quá năng lực dễ gây căng thẳng vì cố gắng, đầu óc bấn loạn, bận rộn làm cho tâm dao động, không đạt được “an tĩnh”. Nếu luyện như vậy, bạn sẽ ra về sau buổi tập với một kết quả ít ỏi.
Trích từ bài viết : Chủ nhiệm CLB TCQ Dương thị Uông mạch Hà Nội chia sẻ về học và tập Thái cực quyền
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe