CHU XUÂN HUYÊN TIÊN SINH KỂ CHUYỆN THÁI CỰC QUYỀN
(2018-05-05 09:34:38 来源: 武术人 举报
https://www.163.com/dy/article/DH1JBQ7T0529JTC1.html
Biên dịch: NVT TCQUM HN 5/2023)
Sư gia là người rất bình dị gần gũi, chân thành với mọi người. Từ nhỏ tôi đã sống ở gần sư gia, tại khu nhà ga Bắc Kinh, hai gia đình thường xuyên qua lại. Khi tôi lớn, cha tôi dạy, con đừng có nghe gì khác, mà chịu khó nghe “đoạn kình” của sư gia. Mỗi lần gặp sư gia, tôi đều năn nỉ sư gia thi triển “đoạn kình”, làm thứ khác thì không chịu, sư gia cũng chiều theo.
Sư gia kể nhiều câu chuyện thức tỉnh lòng tôi, chuyện nhiều về việc ông chịu đòn như thế nào, mà đều là Dương Thiếu Hầu đánh ông ra sao.
Một câu chuyện trong số đó, là khi ông còn nhỏ, vào một buổi sáng ông chạy đến nhà Dương gia luyện quyền, để làm gì, để Dương Thiếu Hầu thấy và biết ông không lười biếng. Một lúc đang luyện nửa chừng, Dương Thiếu Hầu liền gọi “Vào đây, đang luyện cái gì vậy? Không đúng, đưa tay ra”, vừa đưa tay ra thì Dương Thiếu Hầu dùng 2 ngón tay vỗ vào, ông bị bắn ra cửa sổ. Lần khác, cũng bị gọi vào phòng, hai đầu ngón tay của Dương Thiếu Hầu vừa búng vào thì ông bị bắn mông đi.
Sư gia còn kể cho tôi một câu chuyện, một người luyện bát quái chưởng đến hỏi sư gia xem công phu của ông đến đâu, xin cho ý kiến, người này mỗi ngày chạy lên xuống tường thành 20 lần, khổ luyện không ít, sư gia nói “Công phu của anh rất tốt, tôi kể anh nghe một câu chuyện: có một người luyện một loại quyền nọ, mỗi ngày đều luyện đi luyện lại trên sân, thời gian sau người chủ sân không cho luyện nữa, bảo rằng Anh đền lại sân gạch cho tôi!” chính là ý nói luyện quyền cần nhẹ nhàng khinh linh.
Những mẩu chuyện này dẫn dắt cho tôi rất nhiều về sau, chúng ta nghiên cứu Uông Mạch cần theo đuổi thứ gì?
Ấn tượng thứ hai của tôi về sư gia, người giữ trong mình tuyệt kỹ, công phu vô cùng ảo diệu, tôi chưa từng thấy ai thôi thủ tinh vi như thế, đối phương vừa đưa tay ra là bị văng đi.
Vài câu chuyện khác, tôi có một sư thúc, tên là Trương Vĩnh Xương, tính tình thật thà trung hậu, cực kỳ chịu khó luyện công, mà chưa có được trải nghiệm nội hàm trong Thái cực quyền. Có một lần, sư gia đến nhà sư thúc chơi, hai người con sư thúc nói: “Quyền của sư gia vô dụng, Thái cực quyền làm sao chiến đấu được, người xem cha con luyện tập bao năm rồi, con vừa động vào là bắn ra giường rồi”. Sư gia nói: “ Không phải vô dụng, mà là cha các con luyện chưa tới, con không tin thì hãy xem tay của ta”, vừa vỗ một cái “păng”, người bị vỗ đã bị bắn văng từ góc sân này sang góc sân kia.
Tôi còn có một sư thúc, tên là Trương Minh Tâm, là một lực sĩ có danh tiếng, nặng hơn 100kg, sức mạnh vô cùng, sư gia dùng đầu ngón tay giữa vẩy một cái thì sư thúc đã văng đi mấy trượng.
Những vị sư thúc này hiện vẫn còn sống khỏe mạnh.
Thứ 3, Sư gia là người vô cùng khiêm tốn.
Chúng ta luyện quyền nhiều năm ở Bắc Kinh, có ai nghe thấy Uông Vĩnh Tuyền (Uông Vĩnh Tuyền - Truyền nhân của 3 vị Thầy nhà họ Dương) đánh ai bao giờ? Thực tế, khả năng thực chiến của sư gia hơn người.
Vào những năm 1960, có người thân cao 1,8m, nói xấu sư ca của sư gia, vừa bước vào cửa liền tìm Uông Vĩnh Tuyền đòi tỉ thí Thái cực quyền. Hai người vừa tiếp thủ, người kia chớp mắt bị bay vào góc tường, áo bông mặc trên người đập vào tường bục rách hết, đứng dậy nói: “tiểu tử, mày đợi đấy”, lát sau gọi một người mặc âu phục đến, vẫn như anh trước vừa ra tay là bị bắn văng đi.
Công phu của sư gia tinh vi như vậy, nhưng trước nay không hề khoe khoang bản thân, không coi thường đối phương khi tiếp thủ.
Ba điểm ấn tượng trên mãi mãi lưu giữ trong tôi, giờ đây dung mạo vui tươi của sư gia hiện lên trong tôi sâu sắc.
Sư gia uốn nắn tôi, cha tôi dạy tôi quyền, nhưng tôi thấy có lỗi với họ.
Sư gia rất yêu quý tôi, khi còn nhỏ, sư gia và cha tôi đều làm ở bệnh viện Hiệp hòa, lúc ấy cha tôi là cán bộ quản lý, quan hệ giữa cán bộ quản lý và công nhân lúc đó không như hiện nay, sư gia rất tôn trọng cha tôi, hai người đều tôn trọng nhau. Khi ấy, dù cha tôi theo sư gia học quyền nhưng sư gia không có ý định tiếp nhận cha làm đồ đệ, bởi vì như thế như có sự cách biệt.
Lúc đó, tôi còn rất nhỏ, sư gia thấy tôi liền xoa đầu tôi nói con trai ngoan lắm, kỳ thực thì tôi là đứa trẻ hư nhất, nghịch ngợm nhất, ít vâng lời nhất, thường nói: “Sau này làm sao mà học tiểu học đây?” Sư gia yêu quý tôi, nhưng tôi lại không chịu khó luyện quyền, tôi trốn được ai, chứ không thể trốn được mấy vị sư ca.
Từ nhỏ tôi không thích (luyện quyền), tôi là người không chịu quản thúc, càng quản tôi thì tôi càng chống đối, càng ép làm gì thì tôi càng không làm.
Thực tế, những gì sư gia dạy tôi? Những gì cha tôi dạy? tôi đều chia sẻ với mọi người.
Sư gia nói với tôi “thứ luyện là cái này” (đưa ngón tay giữa ra chỉ), “càn tam liên, khôn lục đoạn”, “tam phong, tam phong”, luôn nhắc như vậy. Tới nay tôi vẫn chưa hiểu hết cái này.
Sư gia còn dạy tôi “Bằng, Lý, Tê, Án”, dạy tôi “Lâu tất”.
“Bằng, Lý, Tê, Án” dạy tôi là thế nào? Nhìn thứ này qua hình dáng cơ thể, “bằng”, “Lý”, “Tê”, “Án”, lúc ấy tôi không hiểu “bằng lý tê án” này, tại sao đây là “bằng lý tê án”? Tới nay thì dần dần mới hiểu, chính là vừa duỗi tay đã có đủ “bằng lý tê án” bên trong, quyền ở ý, không phải ở lực, không ở hình, bắt đầu có cảm thấy chút ít ý nghĩa.
Còn dạy tôi “lâu tất” – đánh lệch trước rồi đánh chính sau, bởi vì “lâu” này, bạn vừa nghiêng đã “lâu” rồi.
Sư gia dạy tôi rất nhiều.
Tôi theo cha học những thứ này thế nào? Tôi học theo cha 2 lộ quyền và “kình điểm”.
Cha tôi yêu cầu tôi chịu khó luyện quyền trước, tôi lại không chịu luyện quyền, mọi người luyện quyền tôi lại ở đó thôi thủ, thế rồi bảo tôi ra chỗ khác đỡ mất trật tự, không cho tôi ở trong khu vực luyện tập của họ.
Thế nhưng quan hệ giữa tôi và các sư huynh đệ đều rất tốt, các sư huynh đệ đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
Có thể đưa ra một số ví dụ, “Thôi thủ liên hoàn 4 hướng” (đả luân thôi tứ thủ) tôi học được là do các sư huynh dạy, mấy lộ quyền sau là do Hồ Lập Quần dạy lại, nhưng tôi đánh không tốt, cũng không dám dạy người, không dám sửa cho người.
Người tôi phải cảm ơn nhiều nhất là Lý Hòa Sinh sư ca. Khi ấy sư ca Lý Hòa Sinh đã thành danh rồi, dạy quyền ở Nhật Bản, đánh bại người Nhật, dạy học khắp nơi, công thành danh toại. Có một lần sư ca đến nhà tìm tôi, muốn truyền dạy cho tôi, tinh thần chí công vô tư này tôi không bao giờ quên. Nhưng nói là dạy người nhưng người không cố gắng thì sao đạt được.
Cha tôi về già có bệnh ở chân, xuống cầu thang khó khăn, xem đánh quyền trên sân tập mà liêu xiêu. Tống sư ca, Hứa sư ca, 6-7 người đến nhà tôi, nói đưa lão tứ đi theo, dẫn dắt theo cùng mọi người, cha tôi đã đồng ý. Điều này giống như gáo nước lạnh dội đầu tôi, bởi vì tôi không phải người chăm chỉ, chịu tư duy rèn luyện, nhưng khi ấy dẫn tôi đi, mọi người đều tin tưởng tôi, đặt áp lực lên vai tôi, từ đó tôi thấy có trách nhiệm, không thể chối bỏ, tôi cần phải làm tốt trách nhiệm này, nhất thiết phải dấn thân làm việc, nỗ lực cố gắng, làm tròn trách nhiệm.
Kể từ đó, là cuối năm 1996, tôi bắt đầu đặt tâm tư vào Thái cực quyền. Thế là tôi về hưu khi chưa đủ tuổi, một là vì cha bị bệnh cần người chăm sóc, hai là vì luyện quyền. Khi đó rất nhiều người quay lại, khu thể thao công nhân đông vui bấy lâu nay, đều có liên quan tới sư huynh đệ, chúng tôi học tập nghiên cứu theo những gì thầy dạy, đều không ngừng tiến bộ.
Tôi chẳng có kỹ thuật gì cao siêu cả, chỉ là nói ra những thứ đơn giản nhất mà tôi trải nghiệm.
Tôi nhớ khi xưa, cha tôi lên lớp, học sinh của ông rất đông, phân lớp học tập, cuối tuần nào cũng đông đúc. Sau khi giảng bài xong, chúng tôi lại ra ngoài sân thôi thủ theo nội dung thầy giảng, khi ấy thu hoạch được rất nhiều, đến ngày hôm sau lại chẳng còn gì. Giảng về cái thứ nhất, chúng tôi lại đợi chờ thầy giảng cái thứ hai.
Có lẽ thứ cả đời mà chúng ta đi tìm trong nửa ngày thì chẳng được (chân gốc thái cực), giống như cha tôi hay ngũ sư thúc, chưa tìm đến được thứ này, nhưng họ không từ bỏ, họ còn dẫn dắt chúng ta theo con đường họ. Chúng ta tiếp bước con đường này, tôi thấy chúng ta đều cần phải có trách nhiệm, thêm nữa chúng ta là người trong Uông Mạch, nên cần phải đi đến chân gốc của Uông Mạch, tôi muốn mọi người cùng đi đến chân gốc này. Như thế chúng ta cần đồng tâm hiệp lực đi tìm theo sự dẫn dắt của các thầy.
Tuyệt đối không được nói tôi đẩy được người hay người đẩy được tôi, mà vừa lòng đắc ý. Thế thì thành Thái cực đáy rồi. Ngược lại nói, tôi thấy không cần lấy thắng bại để đánh giá công phu người luyện. Ai phù hợp với lý luận và yêu cầu của Uông Mạch thì người đó luyện tốt, không phù hợp thì chưa tốt, đi đánh người thì cũng không tốt.
Chúng ta cần luyện công phu trên nền tảng cơ bản. Cơ bản không đạt thì làm sao đạt được thứ cao hơn? Đến kình còn không hiểu thì sao đạt được cái gì? Hơn nữa, không hiểu kình, thì quyền luyện không đạt, thôi thủ là để kiểm tra quyền giá, nên quyền giá mà luyện không tốt thì liệu có biết thôi thủ. Chúng ta luyện tập mấy chục năm, bạn còn căng thẳng với người, còn đưa đẩy tổn thương người thì cho biết quyền của bạn luyện chưa tốt, luyện quyền là cần thiết vậy.
Tôi thấy Lưu Kim Ấn sư thúc kể về Uông sư gia rất thấu đáo, ông viết sách giá tử (quyền đi tự do), sách thủ (tay đánh tự do) cần phân kình, cần nhập hóa, chuỗi liên kết này người tập nhất định phải dung hợp kết nối, nếu người tập tách riêng từng thứ thì không có tác dụng, phải dung hợp liên kết lại mới có tác dụng.
Sách giá tử chẳng qua chỉ là tám giá tử Bằng, Lý, Tê, Án, Thái, Liệt, Trửu, Kháo, tám nhân tám bằng sáu mươi bốn thủ. Ta có thể đi Bằng Kình như thế này thế kia, ta có thể đi Lý kình thế này thế kia. Sách thủ chính là dùng tay để biểu hiện những kình trên ra ngoài, sau đó lại tách nó ra khỏi tay, rồi lại dung hợp liên kết, nhập hóa, để đi tới cảnh giới cao nhất. Cho nên sau khi dạy những thứ này cho người học, thì việc làm sao để dung hợp liết kết chúng là việc của người tập chứ không phải việc của người thầy, người thầy làm sao có thể dung hợp liên kết thay cho người học? chỉ nhờ vào người tập chịu khó học hỏi dần từng bước, luyện tập từng phần từng phần, rồi dung hợp liên kết chúng lại.
Nội ngoại tương hợp của Thái cực quyền, có nội có ngoại, khi chúng ta luyện quyền đã có khái niệm này chưa? Nói rằng tôi trong thế bằng này “có nội có ngoại”, khi bạn động đã nghĩ tới “có nội có ngoại” chưa? Nhất thiết phải có khái niệm, nếu không có khái niệm này, dù bạn luyện đẹp đến mấy cũng vô tác dụng. Tư thế này nhỏ đi một chút có tác dụng gì, rộng hơn chút có tác dụng gì? Quyền này không ngoài mở rộng và thu nhỏ, không ngoài nhỏ trong lớn, thấp trong cao, tư thế của bạn nhiều lên, nhưng thực chất chỉ trong 37 thức, không gì ngoài sự lặp đi lặp lại mà tăng lên. Chúng ta đánh quyền nửa ngày, bảo như thế giống một vị thầy, giống thầy ở chỗ nào? Giống ngoại hình hay giống bên trong?
Công phu trên tay, sư gia đặc biệt nhấn mạnh vấn đề về tay. Công phu trên tay, có người nói là kình trên tay, thực tế là đem những gì học được biểu hiện ra tay, thông qua ý biểu hiện ra tay. Cho nên, vấn đề của bàn tay là cực kỳ quan trọng.
Tôi (từng) đề nghị Uông sư thúc thi triển mấy đường quyền, còn thực sự tốt, thực sự còn vị quyền của sư gia, dù không chăm chỉ luyện công, nhưng ông đã nghe, đã luyện, biết được vị quyền của sư gia thế nào. Những vị tiền bối này đều là những bảo bối của chúng ta, chúng ta phải tôn trọng họ, đến lĩnh hội trải nghiệm vị quyền của họ, học tập những tinh hoa của họ. Tôi trở lại học những thứ này với Uông sư thúc, Uông sư thúc nói với tôi, anh không được dùng lực, anh cần có ý “thẩm thấu”, có lúc tôi muốn dùng lực, thì nó lại nhắc nhở điều chỉnh tôi rất nhiều. Tôi nhận thấy mình là tiểu bối cần phải khiêm nhường hơn, phải tôn trọng lão tiền bối, họ đã trải qua những thứ mà chúng ta chưa được trải qua!
Ví dụ như “Dĩ ý đạo khí, dĩ khí vận thân”, “Ý đến đâu khí thông đến đó”, “trước là động ý sau đến động kình”, “dụng ý bất dụng lực”… Chúng ta chịu khó trải nghiệm những ca quyết này, mỗi khi chúng ta cử động, đã động ý trước chưa? Tay mà ra trước thì ý theo không kịp, thứ căn bản này chúng ta phải chịu khó nghiền ngẫm suy xét.
Sau đây chúng ta nói về vấn đề tiếp thủ, thứ chúng ta thực hiện là “động trong động” hay là “tĩnh trong động”? Thứ này cũng cần chúng ta chịu khó trải nghiệm. Hai người vừa tiếp thủ, tay đặt lên thế này, anh để cho người động, người động không được, như thế này bạn chẳng có gì hoặc động mù quáng, người ta có thể không động mù quáng sao? Hai người trở thành đấu sức, trở nên “tranh giành”. Nói “Cần điểm không cần diện”, bạn cần “điểm” gì, “điểm” từ đâu tới?
Thính, Vấn, Hóa, Nã, Phát, … Thính kình của bạn có không? Đã tìm hiểu qua chưa? Ta làm sao “Thính”? Đó là vấn đề của ta, người khác cũng là vấn đề này. Ngày trước tôi ngờ nghệch về thứ này, khi động tới nó, “ta thính chưa”, thực tế, người vừa động, hỏng tồi, ta bế tắc rồi, cho biết ta không có “Thính kình”.
“Thính” là một loại “Kình”, một dạng “Đi”, một dạng “Tĩnh”. Ở đây chúng ta “Tĩnh” là thứ gì? Tĩnh ở tại chỗ (tay), Ta thính chưa , vấn chưa. Cho nên ta nói, thính là một loại “kình”, thái cực kình, nó là thứ sống động, biến hóa vô cùng, nên nó không chạy, không đối đỉnh.
Bước đầu tiên của tiếp thủ là “Thính”. Giả sử khi chúng ta vừa tiếp thủ thì là “Thính”, đối phương động không được, hoặc là vừa động thì ta đã biết, tìm ra hướng đến, thế thì đúng rồi; họ có thể động, có thể tấn công ta, cho biết ta “thính” đã sai.
Thính, Vấn, nếu ta Thính được, thì có thể Vấn. Thực tế, “Thính” là gì, tôi cho rằng chính là “Thính”, đừng phức tạp hóa nó lên, nó vốn là thứ đơn giản. Người vừa động, ta đều có thể “Thính” được, ta có thể biết định hướng của họ, đầu kình, gốc kình của họ ở đâu, nếu bạn biết, bạn tìm ra phương hướng đến, thì người sẽ bay đi.
“Vấn”, nó là một dạng “Ý”, một loại kình sinh ra từ Ý, có Ý thì có Khí, đây là lẽ tự nhiên, bạn đừng có tìm khí nào khác, ở đâu xa? Xờ chẳng thấy.
Bàn tay nắm giữ Trung chính an thư của bản thân, Thính, Vấn, Bằng, Lý, Tê, Án đều biểu hiện ra ở bàn tay. Bạn chỉ nghĩ dùng Bằng đánh người bắn đi thì không thể được. Bằng chính là Bằng, trên cơ sở Bằng, bạn dùng kình thứ 2, hay kình thứ 3. Bạn không dùng bằng, nếu người đẩy bạn thì bạn chẳng có thêm gì khác, bạn không có hậu thuẫn. Tôi đánh bằng ra thế này, người vừa tới, tôi liền lý họ, hay tê họ. Bằng là một thứ an tĩnh, đây là cảm nghiệm của cơ thể, mọi người chú ý cẩn thận tiếp thu.
“Chính”, “Phụ”, Sư gia giảng cho tôi về “Chính”, “Phụ”, anh không có “Chính” thì “Phụ” có ở đâu, anh không tìm ra điểm (Chính) thì điểm phụ ở đâu ra? Ban đầu chúng ta chạm điểm, chạm vào đây, chạm đâu cũng đỉnh, nên chẳng chạm vào đâu là Chính. Bạn có Chính rồi mới có Phụ. Thực chất thứ chúng ta đang nói tới là (có quan hệ) triết học Trung Quốc, có thứ này mới có thứ kia, chúng không thể tồn tại đơn lẻ, Thái cực là thứ triết học sâu sắc, nhưng là một đạo lý đơn giản.
Bàn tay dùng để làm gì, bàn tay là để chỉ hướng đi của kình. Khi nào chúng ta có thể chỉ hướng đi, khi đối đỉnh bạn khựng lại nghĩ hướng là không được. Giả sử, tôi ở đây thính người, người vừa chạm, tôi tìm ra hướng đến, trong trạng thái không mất đi điểm này, chỉ ra phương hướng, đánh theo hướng đó, như thế là có rồi. Không có (điểm này), chỉ ra hướng chẳng có tác dụng, đối phương sẽ dẫn dắt bạn theo.
Cha tôi nói “Bất đu bất đỉnh”, chính là không mất đi “điểm đỉnh”, cần phải có được điểm đỉnh của đối phương, điểm đỉnh chính là “trung” bên trong đối phương. Ngày trước tôi không hiểu, tìm mãi điểm đỉnh này, càng tìm càng không thấy, thực tế nó lại ở đâu! Đây là cảm giác của cơ thể, thầy dạy bạn thứ này, bạn phải tự đi tìm cảm giác, không được nói thầy không bảo bạn, thầy đã nói hết cho bạn rồi. Điểm đỉnh này, thầy đã chạm thấy, còn bạn chạm vào mà không thấy.
Chúng ta theo thầy học, cần học tư tưởng của Thầy, những thứ thầy giảng là những trải nghiệm tư tưởng của thầy, bạn chạm tới được nguồn phát tư tưởng của thầy thì bạn đã đạt thành rồi.
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe