Chủ nhiệm CLB TCQ Dương thị Uông mạch Hà Nội chia sẻ về học và tập Thái cực quyền
Tác giả: Nguyễn Đình Khuê
Vận động là thuộc tính của sự vật và hiện tượng, thái cực quyền nói riêng hay các môn vận động nói chung không thể nằm ngoài sự chi phối của các quy luật tự nhiên, có chăng chỉ là khác cách hiểu và cách vận dụng mà thôi. Dưới góc nhìn cá nhân, tôi mạn phép chia sẻ với các bạn những vấn đề đã, đang và sẽ trải nghiệm trong học và tập thái cực quyền của mình.
Phần I: đã lựa chọn thì phải kiên trì theo đuổi.
Khi bạn lựa chọn tập luyện một môn nào đó, việc bạn đi cùng nó dài hay ngắn, nông hay sâu, hiệu quả tập luyện nhiều hay ít phụ thuộc vào việc môn đó có phải là thứ bạn cần hay là môn bạn yêu thích hay không? Việc không có câu trả lời trong khoảng thời gian dài sẽ bào mòn động lực tập luyện và thường kết thúc bằng việc rời xa nó.
Những người quyết định gắn bó với môn tập cũng đa dạng, một phần vì thấy nó phù hợp, một phần thì kỳ vọng vào tác dụng về mặt sức khoẻ và một số ít thì thực sự yêu thích, muốn khám phá những giá trị nội hàm cũng như triết lý sâu sắc ẩn trong vận động của thái cực quyền truyền thống.
Trong quá trình tập luyện có rất nhiều giai đoạn biến đổi khác nhau về thể chất cũng như trạng thái tâm lý, chủ yếu là do thực tế tập luyện không như kỳ vọng ban đầu, do không hiểu vì không cảm nhận được môi trường bên trong cơ thể, mơ hồ với các khái niệm về ý, về khí cho nên niềm tin dễ bị lung lay cộng với cơ thể thường xuyên đau mỏi, gò bó khó chịu do yêu cầu dụng ý trong khi động tác phải vừa lỏng vừa chậm. Để vượt qua giai đọn khó khăn, nhàm chán này ngoài việc hiểu đúng về lý luận thì kiên trì nhẫn nại chính là thứ cần nhất, khắc phục tính sốc nổi, nôn nóng muốn thành công nhanh chóng… buông lỏng và thư giãn chính là chìa khoá.
Phần II: Thái cực quyền truyền thống và cuộc sống hiện tại.
Làm thế nào để tập thái cực quyền đạt hiệu quả nhất, trong khi gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền “không thể đặt lên vai người khác? Cuộc sống bận rộn khiến cho chúng ta không có đủ thời gian dành cho tập luyện. Như yêu cầu thì tối thiểu không dưới 1h cho zhanzhuang (trạm trang) chưa kể đến vô số các động tác dự bị công, cơ bản công cũng phải được tập thoả đáng, lựa chọn ở đây chính là ngoài việc đảm bảo thời gian cho zhanzhuang (trạm trang) thì tuỳ vào quỹ thời gian của mỗi người mà quyết định tập một hoặc 2 động tác dự bị hoặc cơ bản công.
Khi bắt đầu tập yếu tố đầu tiên quyết định đến chất lượng của động tác không phải là tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật mà là bạn đã thực sự buông lỏng tâm trí và thân thể hay chưa, bước tiếp theo là bạn cần tập trung vào từng động tác để đảm bảo ý thức được vận động cùng với nó, có như vậy bạn sẽ đạt được yêu cầu trong từng cử động và chắc chắn tốt hơn là tập nhiều trong khi tâm trí vướng bận và cơ thể căng thẳng. Sau một thời gian bạn sẽ biết cách tập trung mà vẫn thư giãn, như vậy là năng lực đã được tăng lên, bạn bắt đầu tiến bộ trên con đường tập luyện. Chỉ đến khi bạn thấy mọi động tác của thái cực quyền đều có mặt trong sinh hoạt thường nhật, thì vấn đề về thời gian dành cho tập luyện không còn là trở ngại nữa, bận rộn hay không thì bạn đều có thể thực hành nó mọi lúc mọi nơi.
Phần III: Tập nội công trong thái cực quyền truyền thống không khó nếu được định hướng đúng và có phương pháp.
Với thái cực quyền, khó khăn đến từ việc người tập thiếu kiên nhẫn chứ không phải là sự phức tạp của kỹ thuật hay động tác. Thay đổi, giản hoá và từ bỏ thói quen dường như khó thực hiện trong thời gian ngắn. Dựa vào thực thể để tìm ra vô hình, dùng ý để luyện ý rồi tiến tới không còn ý.
Thầy tôi từng nói, luyện thái cực quyền là tập những thứ không nhìn thấy, những thứ có thể thấy đều là không thật, được trải nghiệm và chứng kiến Thầy thực hành, tuy không thể tự mình giải thích nhưng tôi tin điều này có thật. Bản tính tò mò, thích khám phá bị kích hoạt đã khiến tôi quyết định phiêu lưu với môn tập này, hy vọng một ngày nào đó sẽ hiểu những thứ được coi là “ảo diệu” của thái cực quyền truyền thống.
Nếu bạn tập quyền mà không luyện nội công, điều này làm giảm rất nhiều giá trị của thái cực quyền. Nội công chính là Thần - Ý - Khí mà ai cũng có, chỉ là chúng ta không thể nhìn thấy hay cầm nắm được bởi đặc tính không hình tướng của nó. Thần là chỉ tinh thần, là thần thái; ý là sự tập trung của suy nghĩ, của tinh thần; khí là nguồn năng lượng sinh học bên trong cơ thể. Ba thứ này hợp nhất để tạo ra và cung cấp sức mạnh cho thân - chân - tay, đó chính là đặc điểm của huấn luyện vận động trong thái cực quyền truyền thống.
Ban đầu bước vào tập nội, bạn không thể biết tất cả mọi thứ và hoàn thành nó một cách nhanh chóng. Người tập phải từng bước bỏ đi sức mạnh cố hữu trong hệ thống cơ bắp, học cách buông lỏng rồi đưa ý bám theo từng động tác của tay, chân, thân, cảm nhận sự liên kết của chúng trong cơ thể. Sau một thời gian dài, bạn sẽ hiểu cái gì là “Ý niệm” mà thái cực quyền nói tới và biết cách dùng nó. Giai đoạn này, người tập với nhận thức bình thường, luyện cho thân thủ bộ nhuần nhuyễn là đạt được yêu cầu nền tảng cho những bước tiếp theo. Thói quen suy nghĩ phức tạp, lan man cộng với ham muốn học càng nhiều càng tốt cần được khắc phục, tránh dẫn đến kỹ thuật nào cũng tập một chút trong buổi học ngắn ngủi. Sự cấp bách đó làm cho mọi cử động trở nên căng thẳng hoặc hời hợt, cả hai trạng thái đều cho kết quả không tốt.
Ý khí vận động là kỹ năng chủ chốt, bạn phải dùng nhiều năm tháng rèn luyện chăm chỉ theo hướng dẫn của thầy để biến nó thành thói quen thường xuyên, điều quan trọng là duy trì tâm lý ổn định, quyết tâm không từ bỏ mục tiêu.
Cơ thể tiếp tục bị điều chỉnh mạnh mẽ trong lúc tập động tác, các nhóm cơ hay bộ phận trước kia ít được vận động thì nay sẽ được vận động nên việc đau mỏi là không tránh khỏi. Động tác nặng nhẹ tuỳ vào thể trạng của từng người mà quyết định, không nên luyện quá sức, việc tăng dần độ khó cũng như độ nặng phải có thời gian và phương pháp phù hợp. Như vậy, dù là dưỡng sinh hay mục đích khác, người tập mới khai thác được triệt để khía cạnh tích cực, hạn chế tối đa rủi ro, tiêu cực do vận động đem lại.
Mặc dù trong thái cực quyền truyền thống, yêu cầu đối với từng bộ phận cơ thể là rất nhiều, người tập cần lưu tâm để hoàn thành nó. Việc tập luyện trong thời gian dài, thao tác kỹ lưỡng, tỉ mỉ, đúng đắn sẽ đem đến cho bạn thành quả ngọt ngào từ lao động của mình. Cơ thể thoải mái, hưng phấn, thanh thoát sau mỗi buổi tập, sức khoẻ thể chất lẫn tâm lý được nâng cao, những mơ hồ, khó hiểu ngày càng được làm rõ. Khi nhận thức thay đổi, đồng nghĩa những e dè, ngờ vực giảm đi. Niềm tin được củng cố, tạo động lực cho bạn đi tiếp trên con đường đã lựa chọn.
Phần IV: Có nên tự luyện nội công thông qua tham khảo các tài liệu, sách vở, video mà không cần thầy hướng dẫn?
Câu trả lời là không nên, việc này chẳng khác gì bị lạc vào rừng giữa đêm tối hay bơi giữa đại dương bao la không biết đâu là bờ. Nói đến nội công có nghĩa là tổng hoà hoạt động của các cơ quan nội tạng, khí (bao gồm cả hơi thở) và huyết. Được coi là bản năng tự nhiên, chúng không chịu sự chi phối bởi ý thức chủ quan của con người. Trong thái cực quyền, luyện nội công đúng đắn giúp làm mạnh các hoạt động này nhưng vẫn giữ được vận hành như nó vốn là.
Cơ thể con người hoạt động rất chính xác, tinh vi. Việc tập luyện tuỳ tiện, thiếu thận trọng dễ gây ra rối loạn của các cơ quan nội tạng. Biểu hiện tập sai: nhẹ thì đau mỏi, bế tắc, yếu ớt không có lực. Sâu hơn sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý, xuất hiện cảm xúc tiêu cực, khó kiểm soát bản thân, dễ bị kích động và biểu hiện hung hăng, thậm chí gây suy nhược, mất ngủ.
Trong luyện tập nội công, phải dần dần loại bỏ dạng năng lượng đi kèm với giận dữ và bạo lực. Nó được coi là năng lượng thú tính, có xu hướng bốc lên làm lu mờ lý trí dẫn đến mất khả năng kiểm soát hành vi.
Ngược lại, thái cực quyền tập sử dụng năng lượng tĩnh, sạch, càng luyện càng thấy tinh thần thư thái, có thể khiến vận động đạt tới trình độ “không thừa, không thiếu”, nâng cao chất lượng sức mạnh của toàn thân.
Điểm quan trọng cần tránh trong khi luyện đó là không được để tinh thần mệt mỏi dễ rơi vào trạng thái mơ màng hoặc hôn trầm, mong muốn vượt quá năng lực dễ gây căng thẳng vì cố gắng, đầu óc bấn loạn, bận rộn làm cho tâm dao động, không đạt được “an tĩnh”. Nếu luyện như vậy, bạn sẽ ra về sau buổi tập với một kết quả ít ỏi.
Phần V: có thể luyện thái cực quyền song song cùng các môn tập khác không ?
Như phần trên đề cập, dù là thái cực quyền hay bất kể môn tập nào, chúng đều thuộc phạm trù vận động nói chung và bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên. Vì vậy chúng ta có thể cùng tập các môn khác nhau mà không phải lo lắng rằng chúng có hay không đối nghịch với nhau. Nếu người tập đảm bảo họ đủ năng lực duy trì thư giãn và không đi ngược với quy luật vận động tâm sinh lý của cơ thể, như vậy dù bạn luyện tập môn nào cũng sẽ không nhận về những rủi ro đáng tiếc.
Tuy nhiên trong thực tế việc tập các môn song song với thái cực quyền lại khá khó khăn và thường gây ra cản trở nhất định cho sự tiến bộ của người tập. Cá nhân tôi cho rằng lý do là: các môn thể thao khác đa phần là mang tính đối kháng, thi đua hoặc nếu không thì hướng sự tập trung chú ý ra bên ngoài, nên thường phải có quyết tâm, cố gắng…dùng nhanh luyện nhanh, luyện mạnh để tăng sức mạnh, dụng cứng để luyện thêm cứng rắn.
Với thái cực quyền, khi luyện thì lấy bản thân mình làm đối tượng, toàn bộ tinh thần tập trung, thư giãn hướng vào trong, về điểm này khá giống với thiền động. Dùng chậm làm để đạt nhanh, dụng nhu hoà để đạt cương mãnh, từ bỏ sức mạnh để tạo ra sức mạnh.
Sự khác nhau về tiêu chí, đường lối rèn luyện trong khi người tập đối với từng môn còn chưa đủ nhuần nhuyễn, thấu đáo thì việc môn này mâu thuẫn gây trở ngại với môn kia là dễ xảy ra. Để khắc phục điều này, người tập cần tuân thủ đúng phương pháp. Không để xảy ra nhầm lẫn, dùng phương pháp của môn này tập cho môn kia và ngược lại.
Chỉ đến khi bạn tìm được môn tập phù hợp, tự nó sẽ phát triển mạnh mẽ và sinh sức đề kháng để không chịu ảnh hưởng bởi những nguyên lý vận động khác. Quá trình này lâu dần sẽ hình thành thói quen mới, đồng hoá tất cả các hoạt động hàng ngày, giúp bản thân thêm kỹ năng để lựa chọn phương cách sinh tồn. Hay nói khác đi, nó chính là cách sống của bạn.
Phần VI: làm thế nào để giữ được giá trị truyền thống trong cuộc sống ngày nay ?
Có rất nhiều lý do dẫn tới việc các kỹ năng, tinh hoa của thái cực quyền truyền thống đã không được lưu lại đến ngày nay. Những mai một đó làm cho thái cực quyền hiện đại không giống như thời kỳ rực rỡ vài trăm năm trước. Tuy nhiên nếu luyện tốt các kỹ thuật cơ bản dần dần bạn hiểu được hạt nhân của vận động, từng bước ứng dụng vào rèn luyện thân thể thì chúng ta vẫn nhận được giá trị vô cùng to lớn đối với sức khoẻ hoặc kỹ năng trong võ thuật.
Chúng ta đều biết câu nói “luyện thái cực quyền 10 năm không ra khỏi cửa“, nó ám chỉ việc tập nội công rồi ứng dụng đưa vào vận động. Việc này đòi hỏi phải đủ thời gian mới có thể đem đến thay đổi về chất lượng. Vậy làm thế nào để tập luyện đạt kết quả tốt trong cuộc sống bận rộn hiện nay ? Tôi cho rằng hoàn toàn có thể. Việc tiến bộ nhanh hay chậm phụ thuộc vào 2 yếu tố: mức độ chăm chỉ và năng lực nhận thức. Dù vậy, mọi giá trị bền vững đều phải được xây dựng, phát triển tự nhiên, thay đổi thói quen đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian và quyết tâm của người tập.
Ở thời kỳ đầu, học viên nhất thiết phải chú trọng điều chỉnh, sắp xếp các bộ phận bên ngoài đạt yêu cầu ngay ngắn, thẳng tự nhiên. Tiếp đến là thả lỏng, thư giãn, trước tiên là não bộ và trung khu thần kinh, sau đó là hệ thống cơ bắp, cuối cùng mới tập động tác, vừa tập vừa duy trì thư giãn. Sau một thời gian các cử động bên ngoài sẽ đánh động, lôi kéo bên trong, nội khí dần thu về và trầm xuống vùng bụng, cứ như vậy đến khi phân biệt được giữa chủ động và bị động, giữa điểm xuất phát và mục tiêu, giữa ý và khí…lúc này bạn có thể để tâm tìm kiếm mối quan hệ giữa chúng và biến chúng thành động lực dẫn dắt chi phối cử động bên ngoài, càng tập càng tinh, sức khoẻ được cải thiện nhiều, đây là giai đoạn dùng vận động bên ngoài hỗ trợ làm rõ ràng vận động bên trong đồng thời có tác dụng làm mềm dẻo cơ xương khớp hay còn gọi là biến cương nghạch thành nhu hoà.
Thái cực quyền truyền thống chú trọng việc khơi thông dòng chảy khiến cho khí lực được vận chuyển khắp toàn thân. Vì thể phần lớn thời gian, người tập phải để tâm điều chỉnh tư thế của từng bộ phận trên cơ thể từ đỉnh đầu xuống tới bàn chân. Quá trình sắp xếp này tạo điều kiện thuận lợi cho bên trong vận động. Nếu tập không thoả đáng thì chính nó lại cản trở khí huyết lưu thông, các bộ phận không thể liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo, không chính xác. Làm ảnh hưởng quá trình” lỏng, tán, thông, không” dẫn đến vận động khó đạt tới “hư linh“. Trong ngoài kết hợp, trên dưới theo nhau. Lấy vận động bên ngoài dẫn dắt vào bên trong, dùng vận động bên trong điều khiển bên ngoài, như vậy gọi là “âm dương đỡ nhau, âm dương kết hợp“
Ngày nay, mặc dù còn rất nhiều người yêu thích thái cực quyền. Nhưng vì thời gian phải chia sẻ cho nhiều mục tiêu khác nhau, bên cạnh sự ra đời của các môn vận động, võ thuật hiện đại với tính khoa học thực dụng, đạt hiệu quả nhanh chóng cũng có tác động, ảnh hưởng tới đường lối huấn luyện truyền thống. Đây là nhân tố thúc đẩy các môn võ phải thay đổi, cải tiến phương pháp mà không làm mất đi những giá trị mà người xưa đã nghiên cứu, gìn giữ phát triển tới ngày nay. Một trong những giá trị đó chính là đưa vận động của con người thuận với tự nhiên hay là lợi dụng tự nhiên để vận động. Kỹ năng này được coi trọng trong tập luyện thái cực quyền truyền thống, là mục tiêu để hoàn thiện vận động. Trải qua nhiều năm tháng ứng dụng vào động tác, bạn sẽ hiểu ra chân nghĩa của câu “ tập thái cực quyền là học cách không làm gì cả“.
Võ thuật chính là nghệ thuật sử dụng sức mạnh, ngoài kỹ thuật tự vệ hay tấn công, ở khía cạnh khác nó còn thể hiện năng lực kiểm soát, hoá giải và kiềm chế sức mạnh. Rèn luyện võ thuật nói chung, sẽ là thiếu sót nếu không tập hoặc tập nội công sai phương pháp làm giảm chất lượng vận động, dễ bị chấn thương, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tính cách và lối sống.
Quay lại với thái cực quyền, trong điều kiện bạn quá bận rộn không thể có nhiều thời gian để tập hết tất cả. Theo tôi, bạn có thể tập một động tác bất kỳ trong nhóm cơ bản công, miễn sao bạn phải ghi nhớ mục đích của nó rồi để toàn tâm ý vào động tác ấy. Như vậy dù là 5 phút hay một tiếng bạn vẫn thu được kết quả tích cực, đưa các yêu cầu kỹ thuật vào hoạt động hàng ngày như đi bộ, mang vác đồ vật….đây chính là tập mọi lúc mọi nơi. Được như vậy bạn chắc chắn sẽ thành công.
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe