TIÊU DUY GIAI: THÁI CỰC VÀ THÁI CỰC QUYỀN
CÓ LIÊN HỆ TỚI MỌI LĨNH VỰC ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
(Phần 1)
(Phỏng vấn nhân vật cuối năm 2018)
Phát hành: 14/05/2019 Nguyên tác: Dã Vọng Văn Tồn
Người dịch: Nguyễn Văn Toản – TCQ DTUM HN
Thái cực và Thái cực quyền liên hệ tới mọi lĩnh vực đời sống con người, cho nên chúng ta cần khuyến khích mọi người ở mọi lĩnh vực tìm hiểu Thái cực quyền. Thông qua Thái cực quyền tìm hiểu nguyên lý Thái cực, chúng ta sẽ luôn thấy Thái cực không phải là một “Phát minh sáng tạo chủ quan” mà là một “Phát hiện”; nó không phải là một hệ thống khái niệm lôgic đơn thuần tách rời hiện thực mà chính là “bản chất hiện thực”. – Tiêu Duy Giai.
Mùa đông năm 2018, gió bắc thổi như dao cắt, vào một buổi sáng người viết đến Tiểu khu ở Tây Thành Bắc Kinh cùng với Chủ tịch hiệp hội võ thuật Bắc Kinh đương nhiệm Đỗ Đức Bình, tới nhà thăm hỏi Danh gia Thái cực quyền Tiêu Duy Giai lão sư, một luồng hơi ấm bất chợt ùa tới; Tiêu lão sư cùng phu nhân nhiệt tình đón tiếp chúng tôi, với bình trà phổ nhĩ thượng hạng nghi ngút khói. Lúc ấy, trong nhà hương trà phảng phất bay, ngoài trời gió bắc xào xạc thổi, một chùm tia nắng xuyên qua cửa sổ chiếu vào chậu lan hồ điệp ở góc cửa sổ trước mắt tôi, hoa hòa với người, tạo dáng vẻ uy nghi trong nắng, giữa sớm chiều, Âm Dương tương sinh tương khắc, vạn vật xung quanh bừng tỉnh, thật đúng với chủ đề nói chuyện ngày hôm đó: Thái cực và Âm Dương.
Tiêu lão sư dáng người “Trung Âu”, học hiểu văn hóa Đông Tây, cùng sở thích với hội trưởng Đỗ Đức Bình, hai người một văn một võ, bàn quyền luận đạo; từ khoa học tới triết học; từ chữ viết Trung Quốc tới đạo Nho, đạo Phật; từ lý luận Thái cực quyền tới từng bài học nghiên cứu thái cực quyền … người viết vừa nghe vừa ghi chép vừa đặt câu hỏi, Tiêu lão được hỏi thì trả lời, ông dùng ngôn ngữ tài tình mà hóm hỉnh để đời sống hóa những lý luận huyền diệu cao thâm, lại không làm mất đi sự thanh cao của nó, khiến người nghe cảm thấy như vén được mây mù để thấy mặt trời.
1. Thứ cốt lõi không bị giới hạn thời đại
Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, con người dần dần trở nên cơ giới hóa và máy móc lại ngày càng trở nên nhân tính hóa, rất nhiều người dường như luôn giữ tư duy “tập quán tính” (thói quen cố hữu) để xem xét vấn đề, rất ít người có thể “đứng ra bên cạnh để nhận biết cốt lõi vấn đề”, vậy mấu chốt của việc nhận biết vấn đề cốt lõi là ở đâu? Có phải là bị hạn chế bởi thời đại? người viết đưa những câu hỏi này ra để thỉnh giáo Tiêu lão và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ đây. “Cái gì là cốt lõi? Thứ cốt lõi không bị hạn chế bởi thời đại. Thứ bị hạn chế bởi thời đại thì không tạo nên cốt lõi. Thái cực không phải là một Phát minh chủ quan, mà là một Phát hiện, nó vốn dĩ đã tồn tại từ trước, được người Trung Quốc tìm thấy và đi sâu nghiên cứu cho tới nay. Chữ Trung “ 中 ” trong từ Trung Quốc chính là một Thái cực, Âm Dương phân chia nhờ cái kim ở giữa, cho chúng chuyển động thì tạo ra Thái cực đồ.
Trong lịch sử Trung Quốc không có xung đột tôn giáo, điều này cho thấy một tác nhân lớn: là nhờ có tư tưởng Trung ( 中 ), thứ mà chúng ta cần phải ra sức truyền bá. Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, chí ít 3 nhà này là có tranh luận, nhưng trong quá trình tranh luận thì tác động qua lại, dung hợp lẫn nhau để cuối cùng thì trở nên “Ba nhà hợp nhất”, tìm đến đỉnh cao của 3 nhà, lại chính là đường lối tư tưởng hòa bình của Trung Quốc, vậy tại sao lại không truyền bá? Có những thứ mà chúng ta không thể truyền bá là: lịch sử đất nước tôi như thế này, lịch sử đất nước bạn như thế kia, nhưng có những thứ thuộc về bản chất mà không bị: lịch sử hạn chế, dân tộc hạn chế, thể chế hạn chế, đó chính là cốt lõi, là chủ đề của mọi thời đại.
Lão tử có câu: “Đạo khả đạo, phi thường đạo” chính là thứ vượt qua thời đại mà không bị lịch sử hạn chế. “Đồng vị chi huyền, huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” (Cùng gọi là Huyền, Huyền ở trong Huyền, mở ra những kỳ diệu).
Sao gọi nó là “Huyền”? Theo lôgic thông thường A là A, B là B, A không thể đồng thời là B, B không thể đồng thời là A, đây là giới hạn logic. Nhưng ở đây lại khác, chúng ta cho rằng: trong A có B, trong B có A, vừa là A vừa là B, không phải A không phải B, đây chính là Huyền. Thứ này phá vỡ sự hạn chế tư duy nhị nguyên, để rồi có được “chúng diệu chi môn” (mở ra những điều kỳ diệu). Thứ này không phải là không có lý tính, không phải! Thứ đột phá tư duy logic này đưa chúng ta tới lý tính cao cấp hơn, thứ lý tính mà nó chính là cái cốt lõi, cái mà không bị hạn chế bởi thời đại, cái mà là bản chất của vũ trụ. Chúng ta nói điều này, ít nhất thì có thể thảo luận với người khác, nhưng người nghe cần không chấp giữ cố định A và B, nếu nguyên tắc này vi phạm thì bạn sẽ được xem như không phải là “người”, thậm chí họ còn cho bạn vào “phòng cách ly”. - Đây là những lời diễn giải của Tiêu Duy Giai lão sư.
2. Âm Dương tương tế, hóa giải xung đột
Đạo Đức kinh có ghi: “Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa” (Vạn vật đều dẫn dắt Âm mà bao bọc Dương, làm cho hai khí xung đột trở nên hài hòa). Âm dương tương sinh tương khắc, cái này nhỏ đi thì cái kia lớn lên, không ngừng biến đổi. Âm dương tầng tầng lớp lớp, quấn quýt hỗ trợ nhau, từ vật chất đơn giản rồi trở thành thế giới bao la thiên biến vạn hóa, tuần hoàn tái tạo. Tiêu lão đi sâu hơn để dẫn giải, bất kỳ chỗ nào cũng đều có Âm Dương, đều có Thái cực, nhưng Âm Dương trong lý Thái cực là tương tế hỗ trợ nhau, không phải đối kháng. Âm Dương trong lý Thái cực chính là Âm Dương trong trạng thái hòa hợp. Quyền luận chỉ ra “Âm Dương tương tế, phương vi đổng kình” (Âm Dương hỗ trợ nhau, đi đến hiểu Kình). Trong một bài viết Tiêu lão có trình bày: “Ở giai đoạn cơ bản công (Thái cực quyền) không phải luyện đối kháng, mà là luyện hóa giải xung đột, hóa giải đối kháng” (Hóa giải đối kháng là cốt lõi của kỹ năng cơ bản thái cực quyền). Người đời thường nói: hỗ lợi song doanh, hòa khí sinh tài (hai bên cùng có lợi, hòa khí sinh tài lộc), đây chẳng phải là Âm Dương tương tế trong Thái cực sao? Thứ mà mọi người thường dùng hàng ngày nhưng không để ý, chúng ta cần đưa khái niệm Thái cực của Âm Dương tương tế đưa ra phổ biến rộng rãi – tập hợp nguồn tư liệu chân chính, do chúng ta tự nghiên cứu dẫn dắt để toàn thế giới đều biết mà tìm đến cộng tác. Đây không thể nói là đi theo cách thức của người ta (nghiên cứu phương tây), mà là chúng ta đã có Tự cường về văn hóa.
3. Đối tượng của khoa học và bản thân khoa học
“Đứng trước đối tượng khoa học của Thái cực như vậy, thì thế đứng của bản thân khoa học cũng không thể không thay đổi. Bởi vì đối tượng thay đổi, thì phương pháp và công cụ của nó cũng sẽ phải thay đổi theo. Tôi cho rằng nếu không giải quyết được vấn đề này thì những tinh hoa đỉnh cao của võ thuật truyền thống, bao gồm tất cả đỉnh cao văn hóa Trung Quốc thuộc phạm vi hiểu biết, đều không thể được khoa học hóa mang ý nghĩa thời đại.”
Tiêu lão tiếp lời, Võ thuật hiện nay đang được xã hội hóa, phổ cập trong nhiều lĩnh vực, đó là tín hiệu vui mừng; tuy nhiên phổ cập và đề cao thì có quan hệ gì? Ông cho rằng cần phải Phổ cập trong sự dẫn dắt của Đề cao và Đề cao trên cơ sở Phổ cập. Mô thức Tư duy nhị nguyên khiến cho nhận thức của con người bị hạn chế rất lớn, nhưng những thứ cao cấp thì không phải là nhị nguyên, mà là thứ “bất nhị”. Văn hóa Trung Quốc chứa đầy những gì gọi là “Khoa học tư duy hình tượng” (Duy tượng khoa học), mà năng lực và trí lực của trừu tượng và khái quát trong đó sẽ mở ra hệ thống hóa thời đại và giải mã hiện đại.
4. Lực tác dụng và phản lực
“Chúng ta thường nói Lực tác dụng, lực phản tác dụng (phản lực) – đây là sự phân biệt từ mô thức tư duy nhị nguyên của chúng ta, nếu như bản thân lực có tư duy suy nghĩ thì nó sẽ cho rằng: lực tác dụng và phản lực chỉ là một. Nhưng đối với chúng ta thì nó lại là hai, ban đầu chúng ta buộc phải chia càng nhỏ, càng triệt để tìm về “bất nhị”. Tiêu lão nhấn mạnh vấn đề này và giảng rất sâu, chúng ta chỉ trong trạng thái cực kỳ yếu, cực kỳ nhẹ mới có thể tiếp xúc, cảm thụ được hiện tượng này, sau khi tiếp xúc được nó thì có được cảm nghiệm mà tạm thời không có ngôn từ khoa học nào biểu đạt được. Xem thấy tôi có vẻ nghi hoặc, ông giải thích tiếp: “Bởi vì khoa học không phải phục vụ chúng ta, bởi vì chúng ta cũng không phải người làm khoa học; Chúng ta chỉ có cách mượn dùng từ ngữ khoa học để nói ra. Khái niệm thông thường bạn nói với nhà khoa học thì họ nghe hiểu, nhưng một khi nói cảm thụ chi tiết về lực học sinh vật, mà nhà khoa học chưa có trải nghiệm, chưa biết tới thì ông ta sẽ không hiểu; thậm chí nói với một người tập võ bình thường thì anh ta sẽ cho rằng bạn nói linh tinh. Cho nên từ xưa tới nay tôi luôn trăn trở việc này: Nhà khoa học thì không muốn nghe về Thái cực âm dương, người luyện võ thì không muốn nghe ngôn từ khoa học kỹ thuật”.
“Động lực vận động của chúng ta được tạo ra trên cơ sở phản xạ có điều kiện, nhưng phản xạ có điều kiện là thứ thuộc về hậu thiên, là tập tính hình thành trong cuộc sống sau khi chúng ta sinh ra; nhưng trong Thái cực quyền, chúng ta đi tìm nhận thức, cách dùng phản xạ vô điều kiện của lực học; phản xạ vô điều kiện mới biểu đạt được tự nhiên. Luyện Thái cực quyền chính là để khắc phục sự giới hạn của phản xạ có điều kiện (Thái cực quyền và phản xạ có điều kiện), giữ lại thứ có thể dùng và bỏ đi thứ cản trở tự do vận động.” Tiêu lão nêu một ví dụ: “Phản xạ có điều kiện như một kẻ ngu xi, vừa kích động đã có (kích thích- phản ứng), nhưng toàn bộ quá trình phản xạ sau khi kích động đều không có ý thức và tư duy lối mòn, chính là không được ý thức điều khiển; Nhưng trong Thái cực quyền yêu cầu toàn bộ quá trình động tác của bạn có ý thức, có tư duy, đồng thời can thiệp vào hoạt động phản xạ vô điều kiện khơi dậy tiềm ý thức ở trong nó, cái này mới tạo ra “Ý” trong Thái cực quyền. Không có thứ này thì không nói lên được “Ý” của Thái cực quyền.
Tiêu lão nhấn mạnh, mỗi một động tác của chúng ta được tạo ra thế nào? Mỗi một động tác công thủ xuất ra, thu về, một xuất một thu, từ đầu tới cuối, là một tế bào động tác võ thuật; thực ra mỗi một cử động, đều là một tế bào động tác. Động tác này xuất hiện cực kỳ nhanh, về cơ bản chúng ta không kịp kiểm soát, lý giải toàn bộ quá trình này, càng không thể lý giải chi tiết tầng lớp sâu bên trong nó, chính vì thế mà Thái cực quyền phải luyện tập chậm. Chậm (CHẬM TRONG THÁI CỰC QUYỀN) là để mỗi một động tác, từ lúc khởi tâm, động niệm đến hoàn thành, đặc biệt là “chuyển biến trước khi khởi và sau khi kết thúc”, trong đó mỗi khoảng khắc cực ngắn được kéo dài thời gian giống như đặt nó dưới kính hiển vi độ phóng lớn, từ đó thấy rõ mọi chi tiết, tiếp tục tu luyện tới trình độ lý tưởng, sau đó hoàn thiện lại rất nhanh. Mục đích của chậm chính là ở chỗ này, nếu không phải vậy thì ta chậm để làm gì? Sao phải chậm? Chậm rồi mới có thể đưa thứ phản xạ không có điều kiện ở trình độ chưa có ý thức tiến tới trình độ có ý thức, nói cách khác là đưa ý thức vào phạm vi phản xạ vô điều kiện.
Hiện nay, mọi người hiển nhiên cho rằng phản xạ có điều kiện cao cấp hơn phản xạ vô điều kiện, tư duy của con người cũng được tạo dựng trên cơ sở của phản xạ có điều kiện ( Thái cực quyền và phản xạ có điều kiện), là trình độ tư duy cao cấp nhất, cho nên chúng ta mới có tư duy và lý trí cao ngạo, … Tuy nhiên, tất cả cơ sở và tiền đề của năng lực hậu thiên đều dựa vào phản xạ vô điều kiện, mà phản xạ vô điều kiện là thứ thuộc về tự nhiên, trong đó ẩn tàng “trí tuệ” của bản chất tự nhiên. Xét trên phương diện này, cơ thể của chúng ta thông minh hơn nhiều so với não bộ chúng ta! Cũng có thể nói, cơ thể của chúng ta là thứ của “Thiên nhân hợp nhất”, trong khi phản xạ có điều kiện và tư tưởng giới hạn thu nhận của phản xạ có điều kiện thì quá nửa là thứ “Nghịch Thiên”. Chúng ta chỉ có thể thông qua hiểu biết, trải nghiệm, học tập “trí tuệ của cơ thể” mới có thể giải thích “tự nhiên của cơ thể”. Bản thân phản xạ vô điều kiện không cần luyện tập, những thứ có từ bẩm sinh thì đều là phản xạ vô điều kiện: tim đập, huyết dịch lưu chuyển, trao đổi chất của các cơ quan, đó không phải do học tập mà có, mà đều là những thứ thuộc về Tiên thiên. Phản xạ vô điều kiện tham gia vào toàn bộ vận động cơ thể chúng ta theo cách mà chúng ta hoàn toàn không biết. May mắn thay, khoa học ngày nay đã chứng minh: cơ thịt của chúng ta có sự tự ý thức, tự ghi nhớ, mỗi tế bào con người đều có ý thức, có trí nhớ, chúng ta tự gọi chung những thứ này là “nhận thức cơ thể và trí nhớ cơ thể”, nó khác biệt với nhận thức của đại não. Chúng ta có thể điều khiển loại ý thức và trí nhớ này không? Trong quá trình luyện thái cực quyền, chính là chúng ta cần liên kết phối hợp giữa cảm nghiệm thực tế với nhận thức cơ thể, không trái với quy luật vận động tự nhiên. Chúng ta đều biết tới châm ngôn “Thái cực quyền thuần nhiệm tự nhiên”, nói như thế, “nhiệm” ở đây là một “tự nhiên”, vậy “thuần” thì ở đâu?
Lão Tử nói: “Phản giả đạo chi động”, ý chỉ tới “con đường tìm kiếm là đi ngược lại” (Nghịch trước trảo đích đạo lộ), đi ngược tìm về nơi mới bắt đầu để thấy. Tiêu lão vô cùng thích thú với câu nói này của Lão Tử. Ông diễn giải, tìm ngược lại chính là phối hợp với phương hướng cầu Đạo. Từ trong “phản động” tìm là quy luật tự nhiên. Hoạt động của ta quá nửa là chủ quan, lực tác dụng khi xuất quyền là do ta tạo ra, nhưng bên trong sinh ra phản lực mà ta không kiểm soát, đó là phản ứng trực tiếp giữa Đạo và Tự nhiên trong cơ thể ta. Cái trước là chủ quan, cái sau là khách quan. Thái cực cũng như Trung Y, trong đó đã dung hợp những nét độc đáo của văn hóa Trung Quốc hàng nghìn năm, cho nên tâm lý học vận động của chúng ta (thực tế là tất cả tâm lý học) cần phải nghiên cứu kỹ về nó. Trên thực tế, trong truyền thống của chúng ta đã có tâm lý học, tâm lý học trong văn hóa truyền thống Trung Quốc so với tâm lý học phương Tây hiện đại thì tiên tiến hơn nhiều, nhưng chúng ta chưa tổ chức nào đứng ra tổng hợp, thì nói gì tới liên hệ kết nối với tri thức hiện đại, cũng vì chưa được phổ biến nên chúng ta đã vô tình làm mất đi một bảo tàng văn hóa.
Tiêu Lão nhận định trong “Hoàng đế nội kinh” đã có nhận biết đầy đủ và nền tảng về Tâm lý học, nhưng con người hiện đại chúng ta chưa thấy được. Ông dẫn tiếp, trong “Linh khu kinh” viết, châm cứu “trị thần vi thượng” (lấy điều trị tinh thần làm đầu), nhưng trong Trung y hiện nay dường như không ai giảng cũng không dám nói tới lý thuyết “trị thần vi thượng”. Chính là nói trình độ đỉnh cao của châm cứu là “Trị thần”. Hiện nay, đa phần mọi người một là không giảng, hai là giảng không được, nên thứ tuyệt vời như thế bị mất đi. Tiêu lão nói: Trung Y, Tạng Y đều nói “Phụ tinh mẫu huyết nhất điểm dương thần tạo tựu đích nhân” (Tinh cha huyết mẹ hợp thành một Dương Thần mà tạo nên con người), vậy thì sự phối hợp của “Tinh cha huyết mẹ” đã được lý luận duy vật của chúng ta thừa nhận, còn “nhất điểm dương thần” (thành một Dương Thần) thì chưa được thừa nhận, không được nói tới, thấy chữ này đã hoảng sợ, “thán thần sắc biến” (nói tới Thần đã biến sắc). Giống như câu “Thán thần sắc biến”, vừa nói tới “Đạo” thì cho rằng là phong kiến mê tín. May thay, năm 2011, văn bản chính thức của nhà nước Trung Quốc về tôn giáo xác nhận: “Pháp thuật của Đạo giáo không phải là phù thủy, mê tín” – tôi thấy thật vui mừng, bởi vì trước đây đều nói đó là Phong kiến mê tín. Tôi vui mừng hơn nữa là nước ta hiện nay đang khởi xướng niềm tự tin về văn hóa. Tự tin văn hóa trước hết là ở sự tích lũy văn hóa của bản thân mỗi chúng ta, những thứ thuộc về bản thân chúng ta. Năm 1998, tôi bắt đầu dạy Thái cực quyền ở Matscova, hàng năm đều đến đó cùng một nhóm người theo học, hiện nay thì đi rất ít, nhưng vẫn có người duy trì luyện tập, họ cũng tìm đến đây học tập. Ngôn ngữ đầu tiên tôi nói là Tiếng Nga (sau này Tiêu lão có dạy tiếng Nga ở đại học, nên không ngừng đi sâu), ngôn ngữ thứ hai của tôi là Tiếng Trung, lên 11 tuổi mới bắt đầu học. Tôi biết về “hai đầu”, tôi biết phương thức tư duy và hoàn cảnh văn hóa của học sinh Nga, tôi biết làm sao để cho họ hiểu, lý giải, tiếp xúc, phương thức tư duy Thái cực và Thái cực quyền. Không thông qua trực tiếp cảm thụ Thái cực quyền, thì không thể thay đổi tư duy của họ. Tôi đã quan sát thấy sự thay đổi tư duy trong quá trình học tập Thái cực quyền của họ, dần dần biến chuyển tiến bộ. Trình độ lý tính của Lão tử cao hơn nhiều so với phương thức tư duy logic đơn thuần của chúng ta ngày nay. Bạn không nên nói thứ của Ông ta chỉ là “Đơn giản, ngây thơ, ấu trĩ”. Bạn nói, một chia làm hai, hay là một chia làm ba, bạn chia đến bao giờ? Tại sao chúng ta cứ mãi giữ Lưỡng điểm Luận trong triết học, Tam điểm luận (tả, trung, hữu) trong chính trị?”.
(Hết phần 1)
Phần 2: TIÊU DUY GIAI: THÁI CỰC VÀ THÁI CỰC QUYỀN CÓ LIÊN HỆ TỚI MỌI LĨNH VỰC ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI (Phần 2)
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe