CHÂN TRUYỀN LÀ LUYỆN TỪ TRANG
(Sưu tầm- lược dịch)
Luyện công phu là gì? Là Trạm Trang (đứng trang hay đứng như cọc). Không luyện trang công 3 năm thì cơ bản thầy vẫn chưa dạy gì, vì có dạy cũng vô ích. Người thầy cho đệ tử luyện trạm trang chính là đang thực sự dạy - chân truyền. Trang công ẩn chứa điều gì? Đây là câu hỏi của tất cả người luyện trang. Có, nhưng không phải thứ gì đó thần bí như trong khí công. Thực tế, không cần thiết phải tìm hiểu nó ẩn chứa điều gì, mà chỉ cần vô tư đứng là được. Trạng thái cao nhất của trạm trang là như say như si. Si là sao? chính là si mê, mê muội.
Trạm trang rất giống với tĩnh khí công, điểm khác biệt là Khí công luyện khí còn Trang công luyện Lỏng. Trạng thái tốt nhất khi đứng trang là Thiên Nhân hợp nhất (trời và người là một): mắt nhắm hờ, cơ bắp toàn thân thả lỏng, tư tưởng thả lỏng, ý thức cơ thể hợp nhất với trời đất, thân thể hòa cùng vũ trụ, cảm giác như có như không, mơ mơ hồ hồ. Thông thường, để đạt đến trình độ này thì phải tập liên tục đứng trang từ 1 giờ đồng hồ trở lên. Khi bắt đầu trạm trang, người tập thường chỉ đứng được thời gian ngắn, dần dần mới gia tăng lên được, đến khi đứng được 1 tiếng mà thoải mái thì cảm giác như trên bắt đầu xuất hiện.
Pháp luyện Trang có cao có thấp, có phức tạp có đơn giản, có khó có dễ. Cơ bản cần biết rằng có bao nhiêu loại quyền thuật thì có bấy nhiêu loại trang và đều cần phải khổ luyện như nhau. Thực tế, bất kỳ thế đứng cố định nào, đều có thể gọi là trang. Người bất động trong một thời gian nhất định giống như tượng, giữ nguyên cơ thể ở một tư thế, như vậy chính là trang.
Trạm trang cũng được gọi là trạm thiền (đứng thiền), yêu cầu của trang không bó buộc, ngồi luyện cũng được, nằm luyện cũng được, không giới hạn tư thế cụ thể. Nhưng đứng trang là tốt nhất và thế đứng càng tự nhiên càng tốt. Cơ bắp toàn thân thả lỏng, lỏng lẻo được giống như lườn thịt lợn thì trình độ công phu đã tương đối cao. Có nhiều cách giải thích về trang công khác nhau, mỗi môn mỗi phái có cách giải thích riêng. Xét về tư thế thì có 2 loại căn bản, một loại thì đứng cao, gần giống tư thế đứng tự nhiên, một loại thì đứng thấp, đầu gối trùng xuống nhiều. Mọi người thường cho rằng đứng thấp rất dễ mọc rễ dưới bàn chân, còn đứng cao thì dễ nổi, nhận định này không hoàn toàn đúng.
Phần lớn mọi người cho rằng, luyện trang nhiều là biết được nhiều thế nhiều thức, từ ngoại hình suy ra đó là luyện võ. Quan điểm của tôi thì không cho là như vậy. Chúng ta đứng trạm trang thì đầu tiên là để Lỏng, Trạm trang là phương thức, thả Lỏng là mục đích, phương thức nào dễ dàng đạt được mục đích nhất? tư thế trạm trang nào làm cho người tập thoải mái, đứng được lâu? Việc này dẫn đến tư thế đứng chân mở rộng, nhất là khi trùng gối thấp nhưng lại rất khó để đứng lâu mà không mỏi. Về nguyên tắc, càng đứng được tự nhiên thì càng đứng được lâu và càng dễ thả lỏng.
Tư thế đứng nghiêm của người quân nhân rất có khí thế, nhưng sẽ thấy dễ mỏi mệt. Khi đứng nghiêm, ngực ưỡn đầu ngẩng, cơ thịt liên kết ở trạng thái căng thẳng. Trong tư thế này, rõ ràng là không thoải mái nên người Sĩ quan cần hô khẩu lệnh “nghỉ”. Khi đứng nghỉ, người đứng thấy thoải mái hơn. Tư thế nghỉ là một chân chống đỡ trọng lượng cơ thể dồn xuống tự nhiên. Đứng thế này lâu cũng mỏi và cần phải đổi chân. Trạm trang yêu cầu đứng lâu bất động, cho nên áp dụng hai chân đứng song song, trọng lượng cơ thể phân bổ lên hai chân như nhau, tạo cho cảm giác thư giãn hơn nhiều. Hai bàn chân song song, như số 11, khoảng cách hai chân bằng độ rộng hai vai. Yêu cầu này là thuận theo tự nhiên.
Cái cây được cưa gốc, chặt cành, cắt ngọn, từ trên xuống dưới chỉ còn thân gỗ tròn thô, trồng trên mặt đất, như thế gọi là trang (cột). Rất nhiều công trình kiến trúc bằng gỗ ngày xưa đều phải dùng đến cột. Hình ảnh trạm trang giống như cây cột cắm trên đất, vì thế mà nó có tên gọi như vậy (trạm trang- đứng như cột). Trạm trang của thiếu lâm, là như ngồi cưỡi ngựa (kỵ mã), còn một vài thế trang cơ bản khác, nhất thời không kể ra hết được.
Về cơ bản, có bao nhiêu loại quyền thuật thì có bấy nhiêu loại trang và đều cần khổ luyện như nhau. Trên thực tế, dù bất kỳ thế đứng bất động nào cũng đều được gọi lại Trang. Người đứng cố định trong một thời gian giống như tượng, giữ nguyên cơ thể ở một tư thế, thẳng từ chân lên đầu, hai bàn chân song song, rộng bằng vai, hai tay buông xuống tự nhiên, đầu gối hơi trùng. Đầu ngay ngắn, hai mắt nhìn ngang, như thế cơ thể có được cân đối ngay ngắn - trung chính. Phần ngực không được ưỡn, lưng không còng, lục phủ ngũ tạng trong lồng ngực thả xuống tự nhiên, buông lỏng để được thư giãn. Trọng tâm cơ thể đặt trên đường trục trung tâm, trục trung tâm đi qua trung điểm khoảng cách hai chân.
Điểm cơ bản về tư thế trang đã xong, ở đây còn một điểm cần nói thêm. Cột sống lưng của con người không phải thẳng từ trên xuống dưới. Từ ngang vai tới eo biểu thị đường cong uốn lượn rõ ràng. Khi ta dùng lực chống đỡ mà chỉ đơn thuần dùng sức ở cánh tay thì không được, cần phải dùng cả lực của cột sống, nên cột sống của chúng ta lượn cong. Lực học chứng minh, cái cột chống đỡ được nghìn cân, nếu như cái cột bị uốn cong thì khả năng chống đỡ sẽ giảm đi rất nhiều. Thêm vào đó, khi chúng ta phát lực, cần phải phát lực từ cột sống. Đơn cử ví dụ về phát lực. Một người đánh xe ngựa giỏi, trên tay cầm một dây roi dài, anh ta ngồi trên xe, phía trước là con ngựa kéo, có lúc con ngựa bất thình lình gặp gì đó mà hoảng loạn, kinh sợ vô cùng, không ai kiểm soát được, giống như Âu Dương Phong bị tẩu hỏa – trở thành con ngựa bất kham (lan kinh mã). Khi đó, dây roi trên tay người đánh xe mới phát huy, đầu roi quất vào mõm ngựa, mõm ngựa bị quất ra máu, ngựa lại càng hoảng loạn, lại tiếp tục bị roi đánh vào chỗ đó thì không còn dám nổi loạn. Hãy xem, cái roi quất xuống thì lực mạnh bao nhiêu. Người đánh xe giỏi chính là nhờ phất dây roi này và cần phải qua quá trình luyện tập. Tôi đã chứng kiến người đánh xe già dạy người đánh xe trẻ và đệ tử như vậy. Cột sống của chúng ta, chính là tay cầm dây roi, đầu quyền chính là mũi roi.
Nói rộng ra, bất kỳ dùng bộ phận nào để tấn công như vai, chỏ, gối, hông đều được gọi là quyền, điểm tấn công chính là quyền, đều cần phải phát lực ra như đầu roi. Cột sống của ta chính là thân roi mềm. Cây roi này vỗn dĩ không phải là cong nhưng ở trạng thái bình thường cột sống của ta lại bị cong. Vì vậy, khi chúng ta đứng trang thì cần từ từ sửa từng tí một để nắn nó thẳng hoặc tương đối thẳng. Khi cột sống thẳng lại cần phải thả lỏng các đốt xương mà không được để nó biến thành như cái gậy cứng. Làm sao để sửa đây? từ phía trước khi bắt đầu đứng trang, đầu gối hơi cong, cố gắng giữ độ cong gối càng nhỏ càng tốt, sau đó chỉnh sửa eo phía sau, chính là phần thắt lưng, làm cho phần lõm hướng lồi ra ngoài, gối cong cong ra trước, phần phía sau thuận theo đường cong của gối hơi thu vào trong, cột sống eo lưng như vậy rất dễ hướng cung ra ngoài như cái tang trống. Sau khi đứng được thời gian dài, công phu thăng tiến thì đi vào trạng thái Thiên Nhân hợp nhất.
Phần trên đã nói, toàn bộ hệ xương đứng trên mặt đất, nhưng ý niệm bên trong thì xem cơ thịt xung quanh xương phân rã ra bên ngoài vô cùng vô tận, hợp với thiên địa là một, không phải tan biến thành trời đất mà vẫn là xác thịt của ta nhưng được hòa vào trong trời đất. Đứng trang mà có được cảm giác này, thì đứng cực kỳ thoải mái, thích thú, ngây ngất. Cảm thấy: Không ngờ thế gian lại có cảnh giới tuyệt đẹp như vậy. Cái gọi là Tu thân dưỡng tính chính là vậy. Thần nghi nội liễm, khí nghi cổ đãng (Thần thu vào trong, khí hướng bên ngoài), lại có câu, lặng như trinh nữ. Lại nói, Ý khí hợp, Khí lực hợp. Tục gọi, Tinh thần phóng khoáng, cũng gọi là Ý niệm khuyếch trương. Ý niệm khuyếch trương, muốn cao hơn cả trời. Các câu nói này tương đối hình tượng, chúng là những ngạn ngữ quyền thuật, được nói theo các cách khác nhau nhưng cùng mang một ý nghĩa.
Đó chính là Trang.
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe