Tại sao trạm trang lại cần thiết đến như vậy?
Qua Trạm trang ta học được cách Phiêu - Nổi lên, bồng bềnh. Giống như khi tập bơi, nếu bạn không biết làm sao để Nổi thì bạn không thể học được kỹ thuật bơi. Trong Thái cực chúng ta có câu: “Hành như miêu bộ trên băng”. Đó chính là Phiêu (Nổi). Ý niệm này sẽ làm cho ta không còn lực đối kháng ở bất kỳ điểm tiếp xúc nào. Nếu bạn còn lực đối kháng với mặt đất thì bạn sẽ nhận lại phản lực từ đất tác động theo dọc cơ thể. Khi ấy, một lực nhỏ đẩy vào bạn cũng khiến bạn bị đổ ngã. Do vậy, bạn phải học cách Nổi – đây là nguyên lý đầu tiên của Trạm trang.
Nguyên lý thứ 2, người tập lĩnh hội được qua Trạm Trang là trạng thái: Động trong Tĩnh. Ý thủ Đan Điền còn Khí thì tản ra và lan truyền đi từ Đan Điền. Đây được gọi là “Khí tản Đan Điền”. Khí không nên tụ lại Đan Điền. Vì sao? Vì nếu Ý và Khí đều hội tụ tại Đan Điền thì sẽ bị trì trệ, căng thẳng. Điều này không tốt. Khi Ý đến thì Khí phải tản đi, nếu không sẽ là song trọng. Trong thái cực, cơ thể phải trở thành bề mặt của Khí, không bị đứt đoạn, không bị ngưng đọng. Nếu không Khí sẽ trệ. Khi mới bắt đầu tập, bạn chỉ được học là Khí tụ Đan điền, là bởi vì bạn chưa có gì để nuôi dưỡng. Sau này, có Khí tụ rồi thì Khí mới tản đi. Đây là một quá trình.
Do vậy, khi Ý và Khí tụ lại Đan điền thì sẽ sinh ra song trọng. Người tập sẽ có cảm giác ấm nóng, khi hiện tượng này xuất hiện người tập hãy dẫn khí tản ra (tan đi). Tản ra giống như ném viên sỏi xuống mặt hồ thì tạo nên những đường tròn đồng tâm lan tỏa trên mặt nước. Viên sỏi chính là ý niệm, là tư tưởng còn sóng nước chính là Khí. Cơ thể biến thành một trường khí – Khí dạng hình cầu, trong đó không có chỗ nào bị đứt, bị thủng hay bị xâm lấn. Đây là trạng thái được hình thành trong Trạm trang. Trải nghiệm này là cực kỳ quan trọng để luyện Thái Cực. Khi suy nghĩ không còn thì cái Lỏng sẽ đến, người tập sẽ buông bỏ được bản thân. Cái lỏng thực sự là khi không còn bản thân – đó chính là Không. Trạm trang là căn bản nhất nhưng cũng là quan trọng nhất. Vì thế mà tôi nói: Tất cả những gì cần làm để kiểm soát Thái cực chính là Trạm trang và Thám hải.
Trong luyện tập trang công, ông có dạy “thu khí”
như thường thấy trong các môn khí công?
Không. Đừng bận tâm về vấn đề này. Nếu tập như vậy thì đã đưa thêm ý niệm vào trong thực hành. “Ý trệ Khí tắc trệ”. Đạo gia cho rằng, cơ thể chúng ta là trống rỗng, hư vô. Thái cực lại nói : “Ý khí quân lai, cốt nhục thần. Thần tử phải phục tùng theo quân vương”. Cơ thể chúng ta chỉ là hình dạng giả. Những gì chúng ta nhìn thấy được bằng mắt là Vô thực. Ý niệm không nhìn thấy được nhưng lại là Hữu thực, cái thực tế tồn tại. Trong luyện tập, ý niệm phải rời khỏi thân xác, quên đi thân xác thì mới tìm được tự do trong vũ trụ. Mọi người thường không biết cái lý này và nếu như biết mà không tìm hiểu Phật giáo hay Đạo giáo thì sẽ không nắm thấu được lý này. Dù người luyện có tập ngồi thiền hay trạm trang mà còn suy tư về bản thân thì đều không thu lượm được kết quả tốt. Dân gian có câu: “Bỏ đi tất cả, về với Tự nhiên”. Bằng việc buông bỏ, ta sẽ trở nên tự nhiên. Có được Tự nhiên, ta sẽ hòa cùng Đại tự nhiên. Danh vọng có nghĩa lý gì? Người đi tu còn nghĩ vể bản thân thì sẽ không bao giờ thành Phật.
Tại sao ông không đưa Tọa thiền vào trong hệ thống luyện tập?
Tọa thiền (ngồi thiền) và Trạm trang (đứng trang) là như nhau, chỉ khác nhau ở tư thế. Nội dung yêu cầu không có gì khác biệt: người tập phải biến cơ thể Vô thực đồng nhất với Ý niệm Hữu Thực. Không là gì? Lỏng là gì? Đây là những câu hỏi quan trọng. Nếu bạn nghĩ, bạn đã đạt được buông lỏng và hư không thì… Xin lỗi. Sai lầm lớn, bạn chưa quên được bản thân. Khi bạn còn nói tới cái này, cái kia thì đã không đúng rồi vì bạn chưa quên bỏ được cái gì. Khi bạn thực sự buông bỏ thì bạn sẽ không biết nói gì. Khi tôi hỏi bạn mà bạn không biết trả lời thế nào thì lúc đó bạn đang tạm dừng chức năng cảm nhận thông thường. Trang tử có nói: “Mắt nhắm thì thấy được thứ bên ngoài giác quan”. Các giác quan đóng lại. Khi bạn đứng trang 2 tiếng, thì cảm nhận về thời gian sẽ khác hẳn, nó giống như là chỉ vài phút.
Cổ nhân có câu: “Một ngày trên núi như ngàn năm dưới thế” minh họa rất đúng về nội dung này. Nếu bạn nằm trằn trọc lo lắng không ngủ được thì 8 tiếng đồng hồ dài đằng đẵng. Nhưng nếu bạn ngủ ngon thì 8 tiếng đồng hồ như chẳng hề có. Đó là khi ngủ, còn khi đứng trang hay ngồi thiền là bạn đang nuôi dưỡng nội tâm. Khi bạn luyện công trong nhiều tiếng đồng hồ mà giống như chỉ vài phút thì đó đã là một thành quả lớn, rất ấn tượng.
Kỹ thuật bên trong Tọa thiền hay trạm trang ở trình độ này là gì?
Ban đầu, tập thiền là để tăng cường nhận thức về bản thân, đến khi thành thục thì sẽ quên bản thân mà đi vào hư không. Đây là điểm cực kỳ quan trọng. Mọi người nói nhiều về thả lỏng mà không biết phải buông bỏ. Khi không còn suy nghĩ trong thân thì mới đi đến Lỏng thực sự.
Khi mọi người xem ông đẩy tay, các đối phương của ông bị bắn bật ra cả mấy mét như bị giật về đằng sau. Họ không biết vì sao như vậy?
Họ cho rằng đó là giả tạo vì không thấy tay bị đè khi đẩy theo đúng nguyên lý vận động. Chúng ta nói Đan điền không cố định ở một chỗ (vô định vị), ta có thể đưa nó ra ngoài cơ thể. Khi bạn và tôi đẩy tay. Tôi đưa Đan điền của tôi ra sau bạn, nó biến tôi trở nên Vô thực. Khi bạn tấn công, tôi nhu mềm và trống rỗng thì bạn không thể làm gì tôi được. Ý niệm của tôi, thứ Hữu thực, đang ở sau bạn. Nó khiến tôi trống rỗng nên mục tiêu tấn công của bạn không đạt được.
Khi giảng về Thái cực, ông luôn luôn nói Thái cực kình là yếu tố cực kỳ quan trọng trong đẩy tay. Vậy ông giải thích thế nào về Thái cực kình?
Mặc dù mọi người gọi là Kình hay nội lực nhưng đúng hơn nên gọi nó là Trường. Cũng có thể gọi là Lực ý niệm bởi đó là sức mạnh xuất phát từ quá trình hòa hợp giữa ý niệm và thân thể. Do đó nó cũng gọi là Thái cực kình.
Nói cách khác, cơ thể là nhu và ý niệm là cương. Ý niệm phải đưa ra ngoài cơ thể, sau đó cương nhu tương tế thì mới tạo ra Thái cực kình.
Kình không phải là cái gì đó mà bạn có được sau nhiều năm tháng luyện tập để mang nó ra như một món đồ để người khác xem. Người ta lại nói Kình là Khí thì cũng không đúng.
Đưa ý về Đan điền là một phương cách để nuôi dưỡng kình. Khi ý thủ tại Đan điền thì Khí tản ra ngoài giống như sóng nước trên mặt hồ. Lúc đó nó tạo ra sức mạnh. Nếu bạn bị lạnh, đưa ý thủ Đan điền thì Đan điền sẽ ấm lên và Khí sẽ lan tỏa khắp cơ thể, cơn lạnh sẽ lập tức biến mất. Điều này rất kỳ diệu. Mọi người thường được nghe về nguyên tắc Ý thủ Đan điền nhưng không mấy người được nghe Khí tản đan điền.
Do vậy, chỉ khi Khí tản Đan điền thì Khí mới lan tỏa ra toàn bộ cơ thể và đả thông được tiểu châu thiên và đại châu thiên.
Vậy nó có liên hệ gì tới đẩy tay (thôi thủ)?
Thôi thủ là cách vận dụng những thành quả có được từ luyện Trạm trang, Thám hải và Quyền thức. Tôi không đẩy tay để đánh bại đối phương mà là thể hiện kết hợp giữa Thái cực với thế giới bên ngoài. Sự hòa hợp ở bên trong bản thân là không đủ mà phải có hòa hợp cả với thế giới bên ngoài. Đối thủ trước mặt bạn chính là sự biến đổi của một hiện tượng trong thế giới tự nhiên. Quyền thuật có câu: “Không đánh mà thắng”. Tôi không tranh đấu nên không ai đánh bại được tôi. Tôi nương theo nhất cử nhất động của đối phương nên anh ta không có cơ hội để tấn công. Đây là một bí quyết.
Do vậy, đẩy tay không dùng để đánh nhau mà là để khai thác và phát huy điều kì diệu – Bí quyết.
Trích từ: https://thaicucquyen.edu.vn/tinh-cot-loi-cua-thai-cuc-bai-phong-van-thay-thach-minh
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe