Tĩnh: Cốt lõi của Thái Cực
Bài phỏng vấn thầy Thạch Minh
Sưu tầm và dịch: Nguyễn Văn Toản - CLB TCQ Dương thị Uông mạch HN
Thạch Minh được biết tới là một trong những võ sư thái cực quyền kiệt xuất của Trung Quốc. Ông là người tuân giữ những quy tắc của dòng phái và truyền cảm hứng cho các môn sinh để họ có thể kiên trì luyện tập hàng tiếng đồng hồ trong công viên dưới mọi điều kiện thời tiết, thậm chí dưới cái lạnh thấp hơn 0 độ của mùa đông giá rét. Ông luôn giữ những chuẩn mực của riêng mình. Vào năm 1989, khi Bắc Kinh có những bất ổn về an ninh trật tự, dịch vụ xe buýt phải dừng hoạt động trong nhiều tuần liền, thì hàng ngày ông vẫn dậy sớm đi bộ hai tiếng rưỡi đồng hồ đi qua thành phố để đến nơi dạy các môn sinh.
Giống như những Thái cực quyền sư huyền thoại trong quá khứ, kỹ thuật thôi thủ của Thạch Minh rất ảo diệu. Nó phát ra năng lực vô biên từ ý niệm của ông trong Thái cực. Đối phương tấn công ông sẽ bị văng ra xa chỉ bởi một cái vẩy tay hoặc bị bật lùi lại hàng mét chỉ bằng một cái lắc eo. Thứ ông làm là dựa trên nguyên tắc “Bất dụng lực”của Thái Cực. Mỗi Chủ Nhật, ông đều thị phạm thôi thủ trong công viên để cho mọi người thấy rằng Thái cực là môn rèn luyện tinh tế chứ không chỉ đơn thuần là một bài quyền thao luyện mà đã phổ biến ở Trung Quốc.
Theo thầy Thạch Minh, Thái cực là sự áp dụng nguyên lý “dĩ Tĩnh chế Động”. Tĩnh có thể khống chế Động bởi vì Tĩnh là vô ngã và bất khả. Trong tư tưởng Thái Cực, nơi nào có tự ngã (cái tôi) ở đó có yếu đuối và trì trệ. Do vậy, điểm cốt yếu của thôi thủ là xóa bỏ hoàn toàn sự yếu đuối bằng cách quên đi cái tự ngã (bản thân).
Trong bài phỏng vấn sau đây, thầy Thạch Minh sẽ trao đổi về đường lối luyện tập Thái cực của ông và mối quan hệ giữa Thái cực với văn hóa Trung hoa. Ông cho biết, nội dung cơ sở truyền dạy của ông là: Trạm trang và Thám hải trang. Thám hải trang (gọi tắt Thám hải) là bài tập hiếm có về cột sống, nó khai mở và sắp xếp có trật tự các đốt sống theo chu kỳ lượn sóng liên tục. Có thể nói bài tập này cực kỳ hữu dụng. Cuộc nói chuyện của chúng tôi bắt đầu từ quan điểm thầy Thạch Minh về phương pháp luyện tập của Phương Tây.
Có thể thấy rằng, so với cách luyện tập thâm sâu và toàn diện của Trung Hoa thì cách luyện tập của phương Tây dường như thô sơ và cục bộ. Nguyên nhân có thể là do quan điểm của người Mỹ về cơ thể và việc luyện tập trong thập kỷ 90 theo chế độ ăn thập kỷ 50. Ngày nay, lối tư duy “nhóm thực phẩm” trong quá khứ đã hoàn toàn bị mất đi sự tin cậy vì nó đã như là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Tương tự như vậy, trong khoảng 20-30 năm ở Mỹ thịnh hành quan niệm về điều chỉnh cơ thể thông qua các công thức khoa học và cũng đã ít nhiều ảnh hưởng tới Trung Quốc nhưng cuối cùng nó chỉ tồn tại như một thị hiếu.
Cách tiếp cận của phương Tây về luyện tập nhằm tăng cường năng lực thể chất với những mục đích cụ thể như: tăng tuần hoàn máu, tăng hô hấp… Tôi không ủng hộ cách tiếp cận này. Thể chất của con người nên tuân theo quy luật tự nhiên vốn có của nó. Hài hòa là quan trọng hơn tất cả. Trái tim và các bộ phận khác của cơ thể đều có quan hệ với nhau, nếu chú trọng vào một bộ phận nào thì gây mất cân bằng cho các bộ phận còn lại. Nên tôi không nghĩ đó là đường lối đúng đắn.
Đường lối luyện tập của người Trung Quốc là “Tính mệnh song tu” nghĩa là cùng tu tập nuôi dưỡng tinh thần (tâm tính) và thể xác (sinh mệnh), đây là cách tiếp cận toàn diện về cấu tạo con người. Từ cách nhìn nhận này, nếu chỉ tập trung luyện tập cho một bộ phận nào đó thì sẽ bị sai lệch. Điển hình là tập chạy bộ, khi đạp chân trên đất sẽ gây chấn động đầu gối và tạo xung động lên hệ xương, nên dù chạy bộ có đem lại lợi ích thế nào thì cũng sẽ có tổn thương. Luyện tập mà chỉ đơn thuần để tăng cường sức khỏe thể chất là cách tập không đầy đủ. Giống như để động cơ xe chạy liên tục với cường độ cao thì sự cố chắc chắn sẽ xảy ra và phá hại xe. Chúng ta có câu: “Vạn vật trên đời đều có bản tính riêng”. Bạn sử dụng đồ vật của bạn được bền hay không phụ thuộc vào cách bạn tôn trọng bản tính của đồ vật. Nếu luôn bắt nó làm việc ở mức tối đa thì nó sẽ sớm hỏng.
Mỗi tế bào của chúng ta được ta được tái tạo 4-5 lần trong cuộc sống. Sau đó, nó sẽ dừng hoạt động. Do vậy, ta có thể tưởng tưởng một tế bào mà có thể được kéo dài mỗi chu kỳ tái tạo, 10 năm chẳng hạn thì cuộc sống của nó sẽ là 50 năm, nếu mỗi chu kỳ tái tạo tăng lên 30 năm thì cuộc sống sẽ là 150 năm. Điều chú ý ở đây là ý tưởng kéo dài quá trình nghỉ ngơi hoạt động sinh lý thì tuổi thọ sẽ được nâng lên. Quá trình già đi bị chậm lại là nhờ sự nghỉ ngơi của các cơ quan chức năng. Tư tưởng này không có trong phương pháp rèn luyện của Phương Tây.
Mặc dù chúng ta đã nói tới yếu tố vật chất cực kỳ nhỏ bé như tế bào, nhưng chúng ta cũng có thể cho rằng sức sống của tế bào phụ thuộc vào suy nghĩ và cảm giác. Ai đó bị bệnh, nhưng bác sĩ không nói cho anh ta biết thì anh ta vẫn sống bình thường trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu họ được báo với những từ như “ung thư” hay “AIDS” thì người bệnh có thể chết trong vài tuần. Sự sợ hãi sẽ sớm đi đến cái chết hơn bệnh tật. Vợ tôi bị một khối u ung thư nhưng cô ấy không bao giờ rơi vào trạng thái sợ hãi hay căng thẳng. Sau 17 năm mang bệnh, cuộc sống cô ấy vẫn bình thường, không có gì xảy ra. Tôi nói với cô: đừng để tâm tới nó, hãy tiếp tục luyện tập và ý thức chăm sóc bản thân. Đừng để nó làm náo loạn cuộc sống yên ổn của em. Mọi triệu chứng có xuất hiện thì rồi nó cũng phải biến mất.
Vậy đường lối luyện tập của người Trung Quốc là gì?
Như tôi đã nói ở trên là “tính mệnh song tu”. Đây là cách tiếp cận các trường phái tu Đạo gia, Thiền, võ thuật và các môn vận động như Thái cực trên cơ sở triết lý Trung Hoa. Triết lý này là gì? Ý niệm dẫn dắt cơ thể và thống nhất với cơ thể. Mọi bộ phận trong cơ thể vận động đều hòa hợp với các bộ phận khác. Thời cổ xưa, khi có người bị đau bụng thì đâu có bác sĩ để điều trị? Chính bằng vận động và nội luyện, cơ thể và tư tưởng hài hòa với nhau. Sự Hài hòa là quan trọng nhất. Triết lý Trung Hoa đã từ rất lâu theo đuổi nội dung: làm sao để đạt được hài hòa.
Cách luyện tập của người Trung Quốc không chỉ là vận động của cơ thể, mà là sự tương tác phối hợp giữa tinh thần và thể xác trong vận động, nó không thể là hoặc chỉ có tinh thần hoặc chỉ có thể xác. Một học giả yếu đuối hay một vận động viên đầu óc rỗng tuyếch đều là những kẻ cực đoan. Người Trung Quốc chú trọng về sự nhất quán giữa tư duy và vận động. Đó là những gì tạo nên và duy trì sự hài hòa cho cuộc sống chúng ta.
Cho dù một bác sĩ được đào tạo thế nào đi nữa thì việc chữa bệnh phải đạt được mục đích tiến triển, cân bằng, trọng tâm và hài hòa. Khi ấy bệnh tật mới thực sự được cứu chữa. Do vậy mà tôi nghĩ rằng khoa học của y học nhân loại không phải là Tây y mà là Trung y hiện đại. Tại sao? Tây y làm cho vấn đề thêm phức tạp, cơ thể bị tổn thương từ những phần rất nhỏ, đánh mất liên kết nội tại. Trung Y dựa trên triết lý tôn trọng giữ vững sự liên kết tổng thể. Có một câu nói rằng: ‘Một bác sĩ không biết tới Kinh dịch hay không có kỹ năng về Thái cực thì không thể là một bác sĩ giỏi’. Một bác sĩ phải biết cân bằng âm dương để đắc trung, đạt được sự hài hòa. Sau đó, anh ta mới có thể xem xét tới sự thiếu sót của cơ thể để phục hồi lại sự cân bằng. Tây y thì đi theo con đường khác.
Cách truyền dạy thái cực của ông đặc biệt ở chỗ không bắt đầu bằng bài quyền hay chú trọng tới bộ pháp mà tập trung vào phát triển cái mà ông gọi là Trạng thái thái cực. Và ông đã đạt được thành quả luyện tập từ sơ đẳng đến cao cấp.
Cách truyền dạy Thái cực của tôi áp dụng triết lý phương Đông, đặc biệt là Kinh dịch, để định hướng cho toàn bộ quá trình rèn luyện. Quá trình này gồm 3 giai đoạn: Học tập những bài tập căn bản (cơ bản công) nó là gốc để phát triển, quyền thức và các bài tập cao cấp. Ba giai đoạn này có thể được tóm tắt trong 9 chữ: Phiêu (Nổi), Tẩu (Đi), Tiếp (Đón); Hông, Eo, Vai; và Tản (tan), Thông, Không. Người Trung Quốc quan niệm số 9 là con số trọn vẹn. Nó đại diện cho “Không”, một quan niệm của Phật giáo. “Không” không có nghĩa là không có gì, ở đâu cũng không có mà “Không” là cái gì cũng có và là kết quả của sự tu dưỡng. Do vậy, tôi truyền dạy Thái cực theo 9 cấp độ này và Không là tầng cao nhất.
Giai đoạn đầu rèn luyện tập trung vào các bài tập căn bản bao gồm: Trạm trang, thám hải trang, vòng năng lượng hông và các bài tập tuần hoàn của tay. Những bài tập này làm nền tảng cho người tập và là cơ sở thiết yếu để luyện Thái cực.
Luyện quyền thức Thái cực thì có 5 cấp độ:
Cấp độ đầu tiên là học thuộc các thức quyền; đây là trình độ đang phổ biến của Thái cực ngày nay.
Cấp độ 2 được gọi là song trọng. Hầu hết mọi người không biết về giai đoạn này, thực tế họ cho rằng song trọng là bệnh, nhưng kiểm soát giai đoạn này cực kỳ quan trọng, nếu không bạn sẽ không thể biết phát kình (nội kình). Sử dụng sức mạnh và phóng kình là những kỹ năng của song trọng. Sau đó, ta chuyển tiếp tới tập hông, eo, vai qua những bài tập cơ bản, đây là nội dung thực hành của trình độ song trọng. Tất cả đều là thực hiện ở bên ngoài, bạn có thể nhìn thấy được. Tiến trình vận động bên trong thì bạn không thể thấy. Thông qua trạm trang, bạn học được được cách Nổi, bồng bềnh. Thông qua thám hải trang bạn học được cách Đi, di chuyển. Thông qua bài tập tay học được cách Tiếp đón, liên kết.
Cấp độ 3 là tĩnh/động. Có câu nói rằng: ‘Động chi tắc phân, tĩnh chi tắc hợp’ từ đây ta đi vào được trạng thái Thái cực.
Cấp độ 4 là tìm Tĩnh trong động. Trong vận động của tôi có sự yên tĩnh. Khi đẩy tay, tại thời điểm giữa lúc chuyển đổi, tôi tĩnh lặng và an trú.
Cấp độ 5 là hoàn toàn trống không. Không có hình thức, không có gì cả. Rèn luyện ở cấp độ này chỉ dựa trên ý niệm. Bản thân tôi chưa đạt tới trình độ này. Giai đoạn Không là trình độ cao nhất, nó chỉ có thể đạt được sau quá trình dài nội luyện.
Tôi chỉ đang ở cấp độ 4.
Ông đã quá khiêm tốn rồi
Không. Tôi chỉ đang ở trình độ 4. Khi đẩy tay, sự khác biệt giữa tôi và đối phương chính là tôi có an tĩnh ở trong vận động còn đối phương thì bị xáo trộn trong vận động. Khi nói “Tĩnh chi tắc hợp” có nghĩa là an tĩnh khiến ta không còn lo nghĩ tới những tấn công hay đe dọa từ bên ngoài. Nó là cơ sở để tạo ra Thái Cực. Ta buông bỏ được hoàn toàn bản thân, an trú trong tĩnh lặng. Quyền thuật nói: “Xá kỷ tùng nhân”.
Ý tưởng này được mở rộng tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Bạn mời tôi đi ăn cơm tối, nếu bạn ăn thịt, tôi sẽ ăn thịt. Nếu bạn ăn rau, tôi sẽ ăn rau. Vậy thì không có vấn đề gì. Nếu làm theo thì đi được về gốc, về được gốc thì thấy được hướng phát triển. Vậy là đã có thể biết trước được nó sẽ đi đâu. Đó là lý do tại sao “Không” là trình độ cao cấp nhất. Tôi vẫn chưa đạt được cảnh giới đó, nhưng tôi đang trên đường đi tới đó. Nó được gọi là “Vô niệm”.
Đâu là nội dung quan trọng nhất trong hệ thống luyện tập của ông? Và nội dung nào dẫn dắt sự tiến bộ trong luyện tập Thái cực?
Nội dung tối quan trọng trong luyện tập Thái cực, dù ở bất kỳ dòng Thái cực nào đều là Trạm trang, Thám hải (tập cột sống) và Tập hông. Không tập những phần này thì không thể tích lũy nội khí cần thiết để luyện Thái cực, cơ thể sẽ không hiểu được việc nó làm.
Tại sao trạm trang lại cần thiết đến như vậy?
Qua Trạm trang ta học được cách Phiêu - Nổi lên, bồng bềnh. Giống như khi tập bơi, nếu bạn không biết làm sao để Nổi thì bạn không thể học được kỹ thuật bơi. Trong Thái cực chúng ta có câu: “Hành như miêu bộ trên băng”. Đó chính là Phiêu (Nổi). Ý niệm này sẽ làm cho ta không còn lực đối kháng ở bất kỳ điểm tiếp xúc nào. Nếu bạn còn lực đối kháng với mặt đất thì bạn sẽ nhận lại phản lực từ đất tác động theo dọc cơ thể. Khi ấy, một lực nhỏ đẩy vào bạn cũng khiến bạn bị đổ ngã. Do vậy, bạn phải học cách Nổi – đây là nguyên lý đầu tiên của Trạm trang.
Nguyên lý thứ 2, người tập lĩnh hội được qua Trạm Trang là trạng thái: Động trong Tĩnh. Ý thủ Đan Điền còn Khí thì tản ra và lan truyền đi từ Đan Điền. Đây được gọi là “Khí tản Đan Điền”. Khí không nên tụ lại Đan Điền. Vì sao? Vì nếu Ý và Khí đều hội tụ tại Đan Điền thì sẽ bị trì trệ, căng thẳng. Điều này không tốt. Khi Ý đến thì Khí phải tản đi, nếu không sẽ là song trọng. Trong thái cực, cơ thể phải trở thành bề mặt của Khí, không bị đứt đoạn, không bị ngưng đọng. Nếu không Khí sẽ trệ. Khi mới bắt đầu tập, bạn chỉ được học là Khí tụ Đan điền, là bởi vì bạn chưa có gì để nuôi dưỡng. Sau này, có Khí tụ rồi thì Khí mới tản đi. Đây là một quá trình.
Do vậy, khi Ý và Khí tụ lại Đan điền thì sẽ sinh ra song trọng. Người tập sẽ có cảm giác ấm nóng, khi hiện tượng này xuất hiện người tập hãy dẫn khí tản ra (tan đi). Tản ra giống như ném viên sỏi xuống mặt hồ thì tạo nên những đường tròn đồng tâm lan tỏa trên mặt nước. Viên sỏi chính là ý niệm, là tư tưởng còn sóng nước chính là Khí. Cơ thể biến thành một trường khí – Khí dạng hình cầu, trong đó không có chỗ nào bị đứt, bị thủng hay bị xâm lấn. Đây là trạng thái được hình thành trong Trạm trang. Trải nghiệm này là cực kỳ quan trọng để luyện Thái Cực. Khi suy nghĩ không còn thì cái Lỏng sẽ đến, người tập sẽ buông bỏ được bản thân. Cái lỏng thực sự là khi không còn bản thân – đó chính là Không. Trạm trang là căn bản nhất nhưng cũng là quan trọng nhất. Vì thế mà tôi nói: Tất cả những gì cần làm để kiểm soát Thái cực chính là Trạm trang và Thám hải.
Như vậy, luyện Thám hải trang có được trạng thái như Trạm trang ?
Thám hải cũng áp dụng nguyên lý của Trạm trang nhưng trong trạng thái vận động. Khi tập thám hải, đầu tiên là động từ xương cụt rồi lan dần liên tục theo sóng cột sống và kết thúc tại đỉnh đầu. Đồng thời: hông, eo, cánh tay hòa làm một, tạo nên chuyển động đồng bộ của cơ thể. Ngày nay, rất nhiều người tập tọa thiền, không tập động công. Họ chỉ có luyện Tĩnh, nên tôi cho rằng nó không tốt.
Tại sao lại không tốt?
Bởi vì chỉ tập tọa thiền thì dễ đóng khung cơ thể, cơ thể sẽ trở nên cứng nhắc. Trong khi Tập Thái cực và các môn động công khác có tác dụng kích thích chức năng hoạt động của hệ cơ và các cơ quan phủ tạng. Hiệu năng này, không thu được qua luyện tập Tĩnh công. Về nguyên tắc, khi một cơ quan phủ tạng nào có vấn đề thì nó sẽ gửi thông tin lên cột sống. Người Mỹ đã lợi dụng cơ chế này để đưa ra phương pháp chữa bệnh bằng nắn xương. Xét về mặt y học, Thám hải luyện cho cột sống có được sức mạnh và công năng hiệu quả vượt trên cả kỹ thuật nắn xướng chữa bệnh. Do đó tôi cho rằng, nếu người tập siêng năng luyện Thám hải thì sẽ có thể chữa được bách bệnh. Bài tập Thám hải tuy đơn giản nhưng nó đánh thức được toàn bộ cơ thể. Vấn đề về nhịp tim và hơi thở trong bài tập này nên để sang một bên, chưa cần quan tâm.
Các cơ quan phủ tạng đều có kết nối với cột sống, cột sống là giá đỡ cho chúng. Nếu chúng ta bò đi thay vì bước đi thì các phủ tạng sẽ được treo lơ lửng một cách tự do nên sẽ rất có lợi cho hoạt động chức năng của chúng. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy, chúng xếp đè lên nhau do ta bước đi. Vì thế khi tập Thám hải, cột sống được kích hoạt theo dạng sóng hết sức tỉ mỉ nên sẽ tăng cường chức năng cho phủ tạng.
Nếu bạn gặp những căng thẳng, lo lắng trong công việc, bạn chỉ cần tập Trạm trang và Thám hải sẽ giải quyết được vấn đề. Nhiều hơn thì có thể luyện đánh quyền hoặc tập các bài tập khác liên quan. Bài quyền rất hữu dụng để xử lý loại vấn đề này, nhưng khi đánh quyền không được đưa thêm kỹ thuật gì vào bên trong. Cũng vì lẽ này mà tất cả các bài quyền phổ thông như 24 thức, 48 thức hay 84 thức đều được đề cao. Nếu bạn thành thạo Trang công và Thám hải thì không ai có thể đánh bại được bạn. “Không đánh mà thắng”. Tôi không tấn công hay tranh đấu với ai nên không ai chiến đấu với tôi. Đó chính là Thái cực thực sự.
Trong luyện tập trang công, ông có dạy “thu khí” như thường thấy trong các môn khí công?
Không. Đừng bận tâm về vấn đề này. Nếu tập như vậy thì đã đưa thêm ý niệm vào trong thực hành. “Ý trệ Khí tắc trệ”. Đạo gia cho rằng, cơ thể chúng ta là trống rỗng, hư vô. Thái cực lại nói : “Ý khí quân lai, cốt nhục thần. Thần tử phải phục tùng theo quân vương”. Cơ thể chúng ta chỉ là hình dạng giả. Những gì chúng ta nhìn thấy được bằng mắt là Vô thực. Ý niệm không nhìn thấy được nhưng lại là Hữu thực, cái thực tế tồn tại. Trong luyện tập, ý niệm phải rời khỏi thân xác, quên đi thân xác thì mới tìm được tự do trong vũ trụ. Mọi người thường không biết cái lý này và nếu như biết mà không tìm hiểu Phật giáo hay Đạo giáo thì sẽ không nắm thấu được lý này. Dù người luyện có tập ngồi thiền hay trạm trang mà còn suy tư về bản thân thì đều không thu lượm được kết quả tốt. Dân gian có câu: “Bỏ đi tất cả, về với Tự nhiên”. Bằng việc buông bỏ, ta sẽ trở nên tự nhiên. Có được Tự nhiên, ta sẽ hòa cùng Đại tự nhiên. Danh vọng có nghĩa lý gì? Người đi tu còn nghĩ vể bản thân thì sẽ không bao giờ thành Phật.
Tại sao ông không đưa Tọa thiền vào trong hệ thống luyện tập?
Tọa thiền (ngồi thiền) và Trạm trang (đứng trang) là như nhau, chỉ khác nhau ở tư thế. Nội dung yêu cầu không có gì khác biệt: người tập phải biến cơ thể Vô thực đồng nhất với Ý niệm Hữu Thực. Không là gì? Lỏng là gì? Đây là những câu hỏi quan trọng. Nếu bạn nghĩ, bạn đã đạt được buông lỏng và hư không thì… Xin lỗi. Sai lầm lớn, bạn chưa quên được bản thân. Khi bạn còn nói tới cái này, cái kia thì đã không đúng rồi vì bạn chưa quên bỏ được cái gì. Khi bạn thực sự buông bỏ thì bạn sẽ không biết nói gì. Khi tôi hỏi bạn mà bạn không biết trả lời thế nào thì lúc đó bạn đang tạm dừng chức năng cảm nhận thông thường. Trang tử có nói: “Mắt nhắm thì thấy được thứ bên ngoài giác quan”. Các giác quan đóng lại. Khi bạn đứng trang 2 tiếng, thì cảm nhận về thời gian sẽ khác hẳn, nó giống như là chỉ vài phút.
Cổ nhân có câu: “Một ngày trên núi như ngàn năm dưới thế” minh họa rất đúng về nội dung này. Nếu bạn nằm trằn trọc lo lắng không ngủ được thì 8 tiếng đồng hồ dài đằng đẵng. Nhưng nếu bạn ngủ ngon thì 8 tiếng đồng hồ như chẳng hề có. Đó là khi ngủ, còn khi đứng trang hay ngồi thiền là bạn đang nuôi dưỡng nội tâm. Khi bạn luyện công trong nhiều tiếng đồng hồ mà giống như chỉ vài phút thì đó đã là một thành quả lớn, rất ấn tượng.
Kỹ thuật bên trong Tọa thiền hay trạm trang ở trình độ này là gì?
Ban đầu, tập thiền là để tăng cường nhận thức về bản thân, đến khi thành thục thì sẽ quên bản thân mà đi vào hư không. Đây là điểm cực kỳ quan trọng. Mọi người nói nhiều về thả lỏng mà không biết phải buông bỏ. Khi không còn suy nghĩ trong thân thì mới đi đến Lỏng thực sự.
Khi mọi người xem ông đẩy tay, các đối phương của ông bị bắn bật ra cả mấy mét như bị giật về đằng sau. Họ không biết vì sao như vậy?
Họ cho rằng đó là giả tạo vì không thấy tay bị đè khi đẩy theo đúng nguyên lý vận động. Chúng ta nói Đan điền không cố định ở một chỗ (vô định vị), ta có thể đưa nó ra ngoài cơ thể. Khi bạn và tôi đẩy tay. Tôi đưa Đan điền của tôi ra sau bạn, nó biến tôi trở nên Vô thực. Khi bạn tấn công, tôi nhu mềm và trống rỗng thì bạn không thể làm gì tôi được. Ý niệm của tôi, thứ Hữu thực, đang ở sau bạn. Nó khiến tôi trống rỗng nên mục tiêu tấn công của bạn không đạt được.
Khi giảng về Thái cực, ông luôn luôn nói Thái cực kình là yếu tố cực kỳ quan trọng trong đẩy tay. Vậy ông giải thích thế nào về Thái cực kình?
Mặc dù mọi người gọi là Kình hay nội lực nhưng đúng hơn nên gọi nó là Trường. Cũng có thể gọi là Lực ý niệm bởi đó là sức mạnh xuất phát từ quá trình hòa hợp giữa ý niệm và thân thể. Do đó nó cũng gọi là Thái cực kình.
Nói cách khác, cơ thể là nhu và ý niệm là cương. Ý niệm phải đưa ra ngoài cơ thể, sau đó cương nhu tương tế thì mới tạo ra Thái cực kình.
Kình không phải là cái gì đó mà bạn có được sau nhiều năm tháng luyện tập để mang nó ra như một món đồ để người khác xem. Người ta lại nói Kình là Khí thì cũng không đúng.
Đưa ý về Đan điền là một phương cách để nuôi dưỡng kình. Khi ý thủ tại Đan điền thì Khí tản ra ngoài giống như sóng nước trên mặt hồ. Lúc đó nó tạo ra sức mạnh. Nếu bạn bị lạnh, đưa ý thủ Đan điền thì Đan điền sẽ ấm lên và Khí sẽ lan tỏa khắp cơ thể, cơn lạnh sẽ lập tức biến mất. Điều này rất kỳ diệu. Mọi người thường được nghe về nguyên tắc Ý thủ Đan điền nhưng không mấy người được nghe Khí tản đan điền.
Do vậy, chỉ khi Khí tản Đan điền thì Khí mới lan tỏa ra toàn bộ cơ thể và đả thông được tiểu châu thiên và đại châu thiên.
Vậy nó có liên hệ gì tới đẩy tay (thôi thủ)?
Thôi thủ là cách vận dụng những thành quả có được từ luyện Trạm trang, Thám hải và Quyền thức. Tôi không đẩy tay để đánh bại đối phương mà là thể hiện kết hợp giữa Thái cực với thế giới bên ngoài. Sự hòa hợp ở bên trong bản thân là không đủ mà phải có hòa hợp cả với thế giới bên ngoài. Đối thủ trước mặt bạn chính là sự biến đổi của một hiện tượng trong thế giới tự nhiên. Quyền thuật có câu: “Không đánh mà thắng”. Tôi không tranh đấu nên không ai đánh bại được tôi. Tôi nương theo nhất cử nhất động của đối phương nên anh ta không có cơ hội để tấn công. Đây là một bí quyết.
Do vậy, đẩy tay không dùng để đánh nhau mà là để khai thác và phát huy điều kì diệu – Bí quyết.
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe
TƯ LIỆU VỀ THẦY THẠCH MINH:
Thầy Thạch Minh - Truyền nhân Dương thức Thái cực quyền
https://thaicucquyen.edu.vn/tim-bai?q=th%E1%BA%A1ch+minh