Năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp buộc chúng ta phải hạn chế các hoạt động tập trung đông người, diễn đàn được lập ra với mục đích để mỗi thành viên CLB trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm luyện tập của bản thân. Hy vọng những chủ đề thảo luận cùng ý kiến, hướng dẫn của chủ nhiệm CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội dưới đây sẽ đem lại các giá trị tích cực cho những ai yêu thích Thái cực quyền.
DIỄN ĐÀN UÔNG MẠCH HÀ NỘI - NĂM 2021
Chủ đề 1 (2021 – 07 – 17):
Bạn biết gì về Thái cực quyền Dương Thị Uông Mạch?
Là môn thể dục khí công dưỡng sinh, hay là môn võ thuật ?
Điều gì quan trọng nhất đóng vai trò xuyên suốt đối với người tập thái cực quyền?
---
Về Thái cực quyền Dương thị Uông mạch, đó là hệ phái Thái cực quyền nhà họ Dương được khởi đầu xây dựng từ Dương Lộ Thiền và được truyền dậy theo phương pháp của thầy Uông Vĩnh Tuyền (thuộc thế hệ truyền nhân đời thứ 4), thầy Tiêu Duy Giai là truyền nhân đời thứ 7 truyền tiếp sang Việt nam là thế hệ thứ 8.
CLB Thái cực quyền Dương Thị Uông Mạch Hà Nội được thành lập ngày 5-6-2011, là thành viên của Hiệp hội Uông truyền Thái cực quyền Bắc Kinh và Hội Võ thuật Hà Nội. Hiện tại là nơi duy nhất hướng dẫn kỹ thuật Thái cực quyền truyền thống theo phương pháp của Uông truyền.
Thái cực quyền vốn là một môn võ vận động dựa trên triết lý Âm - Dương. Có giả thuyết cho rằng Thái cực quyền được người xưa phát hiện trong quá trình di tìm thuật trường sinh, bởi lẽ đó mà không thể tách rời giữa khí công dưỡng sinh và tự vệ chiến đấu trong tập luyện Thái cực quyền.
Thái cực quyền còn được gọi là thiền trong quyền, nói đến thiền là nói đến tĩnh lặng và trống rỗng của Tâm, đây là loại cảnh giới rất cao trong vận động. Chúng ta hãy khoan bàn về nó vì đó là chặng đường dài phía trước mà không phải ai cũng tới được. Trong phạm vi diễn đàn này chúng ta chỉ nói đến các yêu cầu nền tảng xuyên suốt của Thái cực quyền mà người tập phải luôn ghi nhớ, không cầu kỳ, phức tạp, ít ký tự và rất đơn giản, đó là LỎNG, là buông lỏng, có vậy thôi!
Chủ đề 2 (2021 – 07 – 21):
1- Tại sao tập Thái cực quyền lại cần buông LỎNG ?
2- LỎNG có bao nhiêu trạng thái? Cấp độ nào thì không cần nhắc đến LỎNG nữa
---
Buông lỏng để thư giãn, không chỉ có ở Thái cực quyền mà nên thực hành mọi lúc, mọi nơi, không những có lợi cho sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tích cực tới nhân sinh quan và thế giới quan của chúng ta.
Thái cực quyền đưa ra những yêu càu về LỎNG rất cụ thể, kèm theo đó là những động tác, bài tập để người tập dựa vào đó thực hành buông lỏng. Toàn bộ cơ thể gồm gân, cơ, xương khớp và não bộ từ đầu xuống tới bàn chân đều phải được buông LỎNG thoả đáng, ban đầu thì buông LỎNG cơ bắp bên ngoài, sau một thời gian phải có ý thức buông LỎNG các cơ quan nội tạng bên trong, đặc biệt là cơ hoành và khoang bụng khi vận động không được o ép, co thắt mà phải thư giãn, cởi mở.
Đối với cơ thể LỎNG có 3 giai đoạn :
1- Chân tay trở nên nặng hơn, cơ thể có cảm giác trầm nặng xuống, biểu hiện dễ thấy là bắt đầu trạm trang ở tư thế cao và kết thúc ở tư thế thấp. Đây gọi là LỎNG trầm.
2- Ngược lại với cảm giác trên, thân thể cảm thấy nhẹ hơn, tinh thần thoải mái, cử động nhẹ nhàng, linh hoạt. Đây gọi là LỎNG khinh (khinh linh).
3- Trạng thái cuối cùng của lỏng chính là tán (tản ra) giống như bạn ném một hòn sỏi xuống nước, nó tạo sóng, sóng này sẽ lan ra rồi biến mất, mặt nước trở lại bình thường. Đây gọi là LỎNG tán
Trên là những trạng thái thể hiện quá trình diễn tiến của buông lỏng, các bạn tự đánh giá mình đang ở giai đoạn nào bằng cảm nhận của bản thân.
LỎNG có thể hiểu đơn giản là giảm căng thẳng, giống như bạn xách một vật nặng và để nó xuống đất vậy, cảm giác thật thoải mái. Với não bộ và trung khu thần kinh, buông lỏng chính là giảm tối đa những áp lực tinh thần, bớt nghĩ ngợi, thư giãn vùng đầu mặt cũng có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh.
Cơ thể LỎNG tốt là nền tảng để chúng ta học cách THƯ GIÃN, LỎNG là trạng thái, THƯ GIÃN là năng lực bởi nó có mặt của luyện ý và luyện tâm. Khi bạn đạt được trình độ THƯ GIÃN thì đương nhiên không cần nhắc tới LỎNG.
Chủ đề 3 (2021 – 07 – 25):
Chúng ta có nên tìm kiếm những động tác, bài tập hỗ trợ như xoạc chân mở khớp, kéo giãn người hay là uốn dẻo để hỗ trợ cho việc buông lỏng không? Nếu có thì nên tập như thế nào và vào lúc nào là tốt nhất?
---
Đến bây giờ tôi mới có thể thảo luận và đưa ra cách nhìn cá nhân về việc tập thêm các động tác hỗ trợ nhằm giúp cải thiện về buông lỏng.
Bởi cùng nằm trong phạm trù VẬN ĐỘNG nói chung nên việc tập thêm các động tác xoạc, kéo giãn, uốn dẻo đều có thể chấp nhận được. Nhưng lợi có và hại có nếu người tập hiểu không đúng, thực hành không đúng thì nó sẽ phản tác dụng, ngược lại thì chúng hỗ trợ thêm cho cơ thể dễ dàng mở rộng và buông lỏng. Quan trọng là bạn nên biết tập như thế nào và vào thời điểm nào để tận dụng được những ưu điểm của động tác bổ trợ.
Giống như khi bạn ngồi lâu ở một tư thế thì điều bạn thích thú đó là cử động vươn vai và xoay vặn lưng, ở chừng mực nào đó nó làm cho bạn dễ chịu, nhưng cũng có rất nhiều người lại bị đau hoặc có thể bị thoát vị từ tư thế cúi gập, vươn vai, xoay vặn lưng…
Nguyên nhân ở đây là vì: bạn không kiểm soát được chừng mực của nó cộng với bạn thực hiện quá nhanh, quá mạnh làm cho cơ và dây chằng bị sai tư thế và nhất là bạn không có sự phối hợp từ bên trong cơ thể nên rủi ro bị đau là rất dễ gặp.
Để khắc phục vấn đề này bạn chỉ cần tiến hành tập chậm rãi và thư giãn, tư thế cao, thấp, rộng hẹp tuỳ bạn lựa chọn sao cho phù hợp với thể trạng từng người, tìm kiếm sự nhẹ nhàng và dịu dàng trong từng cử động, không nên cố gắng quá sức, tập sao cho đạt được thư giãn, thoải mái thì sẽ hạn chế được rất nhiểu rủi ro.
Mọi người có thể tìm thấy nhiều động tác mà các bạn được hướng dẫn, chúng đều mang tính chất đó. Ví dụ mở rộng hông thì có bước bộ, động tác tanhaizhuang, quy nguyên công, xay lúa, hạ thế độc lập… đều là những động tác giúp cơ thể vừa mở rộng và tăng cường dẻo dai. Với tôi thì từng đó động tác nếu được tập đúng và kỹ lưỡng đã là đủ cho nhu cầu của cơ thể. Vậy chúng ta có cần tìm kiếm nữa hay không, câu trả lời là của các bạn.
Suy cho cùng nếu bạn tập một động tác nào đó mà không có sự tham gia đầy đủ của ý thức, năng lượng và các cơ quan nội tạng bên trong thì bạn sẽ nhận về kết quả không nhiều, ngược lại nếu bạn đưa nguyên lý của ý, khí vào động tác đó thì cử động ấy nghiễm nhiên là kiểu vận động trong Thái cực quyền mất rồi :D … Đúng hay sai thì chúng ta cũng suy ngẫm nhé.
Chủ đề 4 (2021 – 07 – 28):
- Trong quá trình tập phát sinh đau mỏi, theo các bạn chúng ta cần làm gì?
- Thái cực quyền yêu cầu thân thẳng trong vận động, theo bạn yếu tố then chốt ở đây là gì ?
---
Chào mọi người, bây giờ chúng ta cùng bàn một chút về đau mỏi trong tập Thái cực quyền.
Thực chất biểu hiện đau mỏi là thông tin mà cơ thể phản hồi cho ta biết tình trạng của nó, tuy hầu hết biểu hiện đau mỏi không nguy hiểm và nếu được điều chỉnh thì sẽ hết, nhưng có biểu hiện bắt buộc chúng ta phải dừng lại không được tiếp tục vì càng tập càng trở nên trầm trọng. Điều này nhất định người tập không được chủ quan. Mọi đau mỏi muốn giải quyết được triệt để nhất định phải tìm ra nguyên nhân bằng không kiểu đau đó sẽ lặp đi lặp lại làm ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, mọi cử động sẽ không thoải mái tự nhiên được.
1- Loại đau mỏi không nguy hiểm: gồm đau cơ bắp, đây là dạng hay gặp và không cần điều chỉnh, tập một thời gian sẽ hết. Đau dây chằng và khớp: vị trí đau nằm dưới cơ và các ổ khớp. Dạng đau này nhất định phải được điều chỉnh nếu không ngoài việc gây đau mỏi, rất khó vận động nó còn làm mất đi sự chính xác về phương hướng khi vận động. Đau trong xương tuỷ, đây là kiểu đau nhức nhối như giòi bò gây buồn bực trong xương rất khó chịu tuy nhiên nó rất nhanh biến mất và không nguy hiểm, kiểu này khi bị thì chỉ cần tập ngay lúc ấy là sẽ đỡ và khỏi hẳn. Dạng cuối cùng là kiểu đặc chưng do hệ thống thần kinh bị tác động, kiểu đau nhói và lan toả giống như tia chớp, thỉnh thoảng có biểu hiện máy giật vùng đầu mặt. Kiểu này cứ tập một thời gian sẽ tự hết khi năng lực buông lỏng được cải thiện và nâng cao về chất lượng.
2- Loại đau tiêu cực và buộc phải dừng tập: đó là đau do bị bệnh, bình thường Thái cực quyền tập cực kỳ hiệu quả đối với các bệnh mãn tính, nhưng nếu trong lúc tập tự nhiên bên trong bị co thắt lại, vã mồ hôi, tim đập nhanh, thở gấp gáp, đây là biểu hiện kiểu đau cấp tính thứ phát, do vậy người tập phải dừng ngay các động tác, ngồi nghỉ và đi kiểm tra y tế là cần thiết. Tiếp đến là kiểu đau do nghịch khí và thoát khí. Biểu hiện là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, cơ thể đột ngột mất hết sức lực, mặt đỏ vã mồ hôi hoặc tái nhợt giống như bị cảm hay hạ đường huyết, khi có biểu hiện như vậy thì nên dừng tập và trao đổi với giáo viên hướng dẫn để đưa ra giải pháp phù hợp. Cả 2 trường hợp này nên tịnh dưỡng cho đến khi trở lại bình thường và tập dưới sự kèm cặp chính xác của giáo viên mới có thể không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.
Về kỹ năng giải quyết đau mỏi, sau khi xác định được kiểu đau thì việc quan trọng với người tập (cho tất cả các trình độ) việc đầu tiên là kiểm tra tư thế của các bộ phận đã đạt yêu cầu hay chưa, nếu còn sai thì phải điều chỉnh đúng về hình thức sau đó mới thư giãn và tập, trong khi tập vẫn phải để ý xem chúng có sai lệch hay không. Nếu không điều chỉnh chính xác các bộ phận thì đau mỏi không giải quyết được.
Thái cực quyền thân tâm cùng luyện, thân tâm là một thể thống nhất, thân có khoẻ thì tinh thần mới hưng phấn, tinh thần tốt sẽ quay lại giúp cho thân phát triển. Đây là mối quan hệ ràng buộc, hài hoà, cân bằng chi phối lẫn nhau. Nếu bạn không coi trọng thân thể mà chỉ chú trọng an tĩnh thì giống như đang bỏ gốc lấy ngọn, ngược lại chỉ chú trọng thân thể mà không tu dưỡng tâm tính thì khó kiểm soát bản thân.
Biểu hiện đau mỏi, khó chịu nhiều lúc chỉ xuất hiện ở một điểm hay một bộ phận trên cơ thể, có thể giải quyết bằng cách giải phóng trực tiếp điểm hay bộ phận đó nhưng về lâu dài để triệt để tận gốc thì chúng ta phải điều chỉnh tiểu tiết trong tổng thể, được như vậy thì bạn sẽ thay đổi hoàn toàn, như được làm mới từ trong ra ngoài, khí huyết lưu thông thuận toại, mọi đau mỏi biến mất, điều này không có nghĩa là bạn đã giải quyết được mọi vấn đề vì theo định luật bảo toàn năng lượng nó sẽ xuất hiện một trở ngại mới buộc bạn phải đối diện và giải quyết nó. Đau mỏi hay trở ngại tâm lý đều là những người Thầy làm cho ta tiến bộ và tăng năng lực bản thân trên con đường tu tập Thái cực quyền.
Có thể nói khi bạn giải quyết xong đau mỏi do sai lệch tư thế, bộ vị thì cơ thể nhìn từ bên ngoài sẽ cân đối, hài hoà phải trái, trước sau, trên dưới. Một cơ thể như thế nhất định sẽ thẳng. Ở giai đoạn đầu chúng ta dùng yêu cầu thân thẳng chính là hỗ trợ một phần cho các bộ phận được sắp xếp lại trong một tổng thể đúng. Thẳng khi đứng im đã khó, trong lúc vận động mà giữ được thẳng còn khó hơn. Ban đầu thân thẳng chính là trục bách hội - hội âm thẳng hàng và vuông góc với mặt đất. Sau một thời gian thì bạn sẽ hiểu thêm có một thứ mà Thái cực quyền gọi là “ngay thẳng trong nghiêng lệch”, ở đây bạn đã tiến thêm một bước trên con đường giải phóng bản thân hướng tới tự do, ở đây bạn còn gặp trở ngại hay không, câu trả lời này các bạn tự trả lời nhé.
Chủ đề 5 (2021 – 08 – 02):
- Một trong những đặc điểm vận động Thái cực quyền là vững chắc, linh hoạt. Bạn hiểu “ VỮNG” như thế nào, phương pháp mà bạn dùng (thực tiễn của chính bạn) để đạt tói VỮNG là gì ?
---
Chào cả nhà, về thực chất chủ đề “Vững” trong Thái cực quyền hay các môn thể thao vận động khác đều như nhau, đó là nói về sự ổn định, ngay ngắn và chắc chắn khi di chuyển, chỉ có điều khác nhau về nguyên lý giữa nội gia và ngoại gia.
Vững trong ngoại gia thường được kèm theo sự mạnh mẽ của gân cốt cơ bắp, của tư thế hạ thấp trọng tâm, kết hợp dồn khí về đan điền. Còn với Thái cực quyền lại là sự buông lỏng, thư giãn sắp xếp lại các khớp, tổng thể ấy được kết hợp với vận động của ý, khí tạo ra trạng thái vững chắc tự nhiên trong khi sự cố gắng của người tập là ít nhất, hoàn toàn không phải vững chắc kiểu đổ khối nặng nề mà là vừa “nặng như núi vừa nhẹ tựa lông” cực nặng mà cũng là cực nhẹ, để nói về vững và linh hoạt.
Khi bạn phân biệt được những mặt đối lập (âm - dương) trong cơ thể, trong cử động của thân, tay, chân hay nói rõ ràng hơn đó là ý - khí, hư - thực, cứng - mềm, trong - ngoài, trên - dưới… thì bạn sẽ hiểu làm thế nào có thể vừa vững vừa linh, vừa nặng vừa nhẹ, vừa có vừa không. Chúc các bạn thành công !
Chủ đề 6 (2021 – 08 – 05):
Bạn hãy kể về những cái bạn nghĩ, những trải nghiệm thực tiễn rằng: theo bạn khi bước chân (tập bộ hình, bộ pháp) như thế nào được gọi là đúng ?
---
Chào mọi người, chủ đề về bước chân đã kéo dài gấp 3 lần thời gian so với các chủ đề khác vì cá nhân tôi thấy nó là vô cùng quan trọng, chi phối các bộ phận khác trên cơ thể.
Có thể coi nó là kỹ thuật nền tảng giống như chúng ta học các chữ cái hay bảng cửu chương vậy. Chân là bộ phận giúp cơ thể giữ thăng bằng,vững vàng, ổn định và di chuyển linh hoạt, vì thế Thái cực quyền truyền thống rất chú trọng rèn luyện đôi chân để đáp ứng yêu cầu trên.
Trong quá trình rèn luyện chân (bộ hình, bộ pháp) tất nhiên ai cũng sẽ bị đau mỏi tuỳ vào cách thức luyện mà mức độ đau mỏi sẽ khác nhau. Chân trong Thái cực quyền đòi hỏi nhẹ nhàng, ổn định, vững chắc, đặt chân bước thì bàn chân, cổ chân không được lắc lư, đầu gối không được nhô quá mũi bàn chân, khi bước thì dùng khớp gối (sợi gân ở phía sau) co duỗi, khớp hông và cổ chân, bàn chân thư giãn, lực ở hai đầu hợp về gối rồi về eo.
Trong tập luyện tuyệt đối không để chân đi theo đường thẳng mà phải bước theo hình cung, năng lượng thông suốt với tay thuận nghịch vặn xoắn chuyển động. Dù bàn chân tiếp đất bằng gót hay bằng mũi chân thì sức mạnh cũng không được tập trung vào đó, toàn bộ các khớp đều được buông lỏng, ổn định khớp cổ chân, bàn chân bước đi sẽ dần vững vàng, ổn định kết hợp với thân trên ngay thẳng người tập sẽ dần đạt được yêu cầu theo nhau mà chuyển, cái nọ dẫn dắt cái kia của thân, thủ, bộ.
Diện tích chân đế là do chân tạo ra, thân pháp, thủ pháp đều được thực hành trong diện tích ấy, tránh không được ra ngoài sẽ làm cho mất thăng bằng, không vững. Tiến lên thì chiếm được thế, lùi lại thì tránh được đòn là nói về đôi chân di chuyển dưới sự dẫn dắt của thần, ý , khí.
Về chất lượng bộ pháp thì Thái cực quyền có ví ở trình độ ban đầu thì giống như lội trong bùn, đi trong nước, tiếp theo là trạng thái nổi trong nước và cuối cùng là lướt trên mặt đất.
Tôi hy vọng sẽ nhìn thấy các bạn đến sân tập không phải bằng đôi chân nặng nề, mệt mỏi bởi áp lực của cuộc sống mà là lướt đi như chiếc lá đậu nhẹ nhàng trên mặt đất.
Chủ đề 7 (2021 – 08 – 13):
- Sự khác biệt cơ bản giữa dự bị công và cơ bản công là gì ?
---
Chào cả nhà, cảm ơn mọi người đã tham gia thảo luận, tuy chủ đề này rất đời thường, không cao siêu, bay bổng, không huyền bí thâm sâu khó hiểu, nhưng cá nhân tôi cho rằng nó có ích lợi trực tiếp cho các buổi tập hàng ngày giống như chúng ta cần ăn cơm, uống nước, không như là đại tiệc hoàng gia :).
Thái cực quyền vốn sinh ra không nhằm mục đích chữa bệnh, cho nên nếu các bạn có bệnh thì nên đi khám bác sĩ và uống thuốc, thế nhưng tại sao tập Thái cực quyền lại làm giảm thậm chí khỏi bệnh mà không cần bạn phải có hiểu biết sâu sắc về y lý, đó là bởi đường lối vận động tự nhiên, tinh thần thoải mái và hướng đến cân bằng âm dương, yếu tố cân bằng này sẽ giúp cơ thể tự kích hoạt đề kháng, tăng cường lưu thông khí huyết làm cho cơ thể tự khôi phục các hoạt động bản năng bên trong và theo đó là sức khoẻ được cải thiện rõ rệt.
Trong đường lối của Uông mạch có chia ra 2 nhóm động tác là dự bị công và cơ bản công, dự bị công được hướng dẫn ngay từ khi bước vào tập, nó gồm các động tác mà dựa vào đó để tập khí công nhằm mục đích khôi phục sức khoẻ, mỗi một động tác đều có tác dụng theo nhiều phương chiều khác nhau, không cái nào giống cái nào, như một bữa ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, chính vì thế chúng không thay thế được cho nhau mà người tập nên tập đủ các động tác đó nếu muốn cơ thể phát triển toàn diện.
Nhóm cơ bản công chính là luyện nội công, hay gọi là luyện Thái cực quyền cũng cùng một ý. Cơ bản công là Thái cực quyền, chúng được luyện từng động tác riêng biệt và đưa vào bài quyền để luyện, luyện tay không, luyện một người, luyện binh khí, luyện hai người… cũng chỉ là cơ bản công mà thôi.
Dự bị công chú trọng đại thể, cơ bản công chú trọng kết nối và giải quyết mọi thứ chi tiết trong cơ thể, dự bị công đem đến sức khoẻ, cơ bản công đem đến sức mạnh đáp ứng vận động trong hoàn cảnh võ thuật nói chung. Thái cực quyền vận động hoàn chỉnh là bởi sự kết hợp hài hoà 2 yếu tố này, chúng thúc đẩy nhau cùng phát triển. Trên là sự khác nhau mang tính khái quát, mọi thứ chi tiết hơn, sâu hơn thì cần nhiều thời gian hơn và tuỳ từng trình độ mà tìm hiểu.
Chủ đề 8 (2021 – 08 – 23):
- Khí trong Thái cực quyền có phải là hơi thở mà chúng ta vẫn thở không ?
- Theo bạn khi tập nên thở bằng mồm hay mũi hay cả 2? Khoang miệng đúng nên như thế nào ?
---
Chào mọi người, về chủ đề trên khi nói về khí trong luyện tập Thái cực quyền, nó chính là tổng hoà của năng lượng sinh học bên trong cơ thể có sự tham gia toàn diện của ý thức và tinh thần. Hơi thở mà chúng ta đang dùng là một phần không thể thiếu trong cái Khí hoàn chỉnh, thở đúng sẽ cung cấp đủ oxy, vận động được bền bỉ mà không mệt đồng thời làm tăng hiệu quả về sức mạnh.
Thái cực quyền chia khí làm 2 loại là khí tiên thiên và khí hậu thiên, hơi thở của chúng ta là một phần hậu thiên khí, nói là thở tự nhiên cũng có nhiều cấp độ. Thái cực quyền nói hơi thở phải sâu dài, tập quyền xong mặt không biến sắc, hơi thở không thay đổi, đó là nói đến năng lực hô hấp đã được nâng cao rất nhiều, khắc phục hơi thở thô, ngắn, phù nổi. Hít vào thì nổi lên và mở rộng; chìm xuống, thu hẹp đương nhiên là thở ra, nếu chúng ta bắt đầu bằng cách như thế lâu dần các bạn sẽ hiểu được mối quan hệ giữa hơi thở và khí và đây là nền tảng để bạn hướng đến hơi thở tự nhiên.
Khí trong Thái cực quyền đem lại sức mạnh trong vận động, mặt khác nó còn có tác dụng tu dưỡng tâm tính cho nên càng luyện càng thư thái khoan hoà. Hô hấp khí trời đất trực tiếp kết hợp với vận động sẽ làm cải thiện rất nhiều chất lượng của sức mạnh, thậm chí còn giúp người tập vượt qua được những hạn chế về thể hình, thể lực, giới tính và tuổi tác ấy là đạt được kết quả của luyện khí mà Thái cực quyền hướng đến.
Ở nội dung bài thảo luận này tôi chỉ đề cập sơ lược như vậy. Khoang miệng khi tập đúng là môi ngậm, răng khép đầu lưỡi chạm nhẹ hàm trên, nước bọt tiết ra thì nuốt chứ không nhổ đi. Vì yêu cầu này nên các bạn thấy nếu vừa tập vừa suy nghĩ lung tung, vừa cười đùa nói chuyện đều là những vấn đề chúng ta cần phải khắc phục
Chủ đề 9 (2021 – 09 – 02):
---
Xin chào mọi người, về chủ đề luyện ý trong Thái cực quyền thế nào là phù hợp, tôi thấy mọi người nắm khá vững về yêu cầu và phương pháp luyện ý, khí, vì thế tôi sẽ không đề cập tới nữa.
Ý trong Thái cực quyền cũng được phân ra: ý thức chủ quan và ý thức khách quan cái mà nó điều khiển hoạt động của các bộ phận bên trong cơ thể (được gọi là tiền ý thức).
Thái cực quyền dùng Ý luyện Ý, luyện Ý để bỏ Ý đấy là mục tiêu mà người tập Thái cực quyền hướng đến chính là không can thiệp vào các hoạt động bản năng của cơ thể. Ban đầu khi luyện ý chúng ta đều phải sử dụng ý thức chủ quan để tập trung, chú ý vào bên trong động tác, việc này rất dễ dẫn đến dụng ý thái quá gây căng thẳng lâu ngày dễ bị đau đầu, khó ngủ…hoặc là hời hợt lơ mơ không cảm nhận được gì.
Tập phù hợp chính là phù hợp với chính mình và phù hợp với bên ngoài: là tập trung vừa đủ không gây căng thẳng, để làm được điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt mong muốn quá sức, muốn rõ, muốn mạnh, muốn tiến bộ nhanh chóng …tập nhẹ nhàng, vừa đủ đúng với câu “như có như không”. Tập Ý như vậy chắc chắn sẽ thu được hiệu quả và tránh được tác hại do hiểu sai, tập sai mà ra.
Còn về câu “ý khí là vua, cơ thể là quần thần” là nói lên thứ tự của vận động, ý ra lệnh, khí dẫn truyền lệnh đến eo rồi cơ thể vận động. Khi tập Thái cực quyền mọi người nhớ thứ tự như vậy mà luyện lâu ngày thành thói quen.
“Trong không động thì ngoài không phát” nghĩa là ý khí chưa động thì thân thể chân tay không động, càng luyện ý khí và thân thể càng hoà quyện phối hợp nhịp nhàng với nhau nhưng vẫn biết chủ thứ, lâu ngày tạo thành kiểu vận động nhẹ nhàng, uyển chuyển ẩn chứa thần thái rất đẹp mắt.
Chủ đề về ý khí chính là nói về thứ tinh hoa nhất, tạo ra sự khác biệt của Thái cực quyền. Chúng ta tạm thời không thảo luận tiếp nữa, mọi người có thời gian đọc lại những chủ đề đã thảo luận qua, ở đó rất nhiều kiến thức, trải nghiệm thực tiễn quý giá, tôi hy vọng nó sẽ giúp các bạn ít nhiều trong quá trình tập luyện Thái cực quyền. Thời gian tới mọi người có thể đưa những thắc mắc, những vấn đề cần tháo gỡ. Nếu có thể giúp được tôi luôn sẵn lòng.
-----
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe