LUYỆN Ý TRONG THÁI CỰC QUYỀN TRUYỀN THỐNG
Trích từ bài viết: Dụng ý bất dụng lực - Tiêu Duy Giai
Thái cực quyền luận viết: Quyền này là “Dụng ý bất dụng lực”, “tất cả đều là Ý, không phải ở ngoại hình”. Uông công Vĩnh Tuyền nhấn mạnh: Thái cực quyền là thân thể phục tùng theo vận động của “Thần, Ý, Khí”, còn trong quyền kinh nói “Ý khí vi Quân, cốt nhục vi Thần” (Ý khí là vua, xương thịt là quần thần). Vậy thì rốt cục “Ý” hay “Ý niệm” trong Thái cực quyền là gì?
Chữ Ý “ 意 ” phân tích ra thì được tạo bởi chữ Tâm “心” ở dưới 2 chữ Nhật (mặt trời) “日” và Lập (đứng) “立”; chữ Niệm “念” phân tích ra thì nó được tạo bởi chữ Kim (nay) “今” ở trên chữ Tâm “心”, nên có thể được lý giải “Ngay thời khắc hiện tại này là Tâm, là Ý”
Đọc Kinh điển y luận. Trong đó liên quan tới Tâm và Ý có: “Sở dĩ nhiệm vật giả vị chi Tâm; Tâm hữu sở ức vị chi Ý; Ý chi sở tồn vị chi Chí”--- đại ý là: Tâm là ý thức cảm nhận sự vật, Ý là một loại lực chú ý, có khả năng bảo tồn Tâm, giữ ý hướng tri giác về sự nhận biết, Chí là ý hướng ổn định và động lưc kiên trì, mà đến nay chúng ta nói là Ý chí và Nghị lực.
Theo ngôn ngữ thường ngày. Người luyện võ thường dùng những từ ngữ đời thường để hiểu về hàm nghĩa của “Ý”. Chúng ta có rất nhiều cụm từ có chữ “Ý” tạo thành, đều có thể gián tiếp chỉ ra hàm nghĩa của chữ “Ý”. Có thể liệt kê ra ngay ra những cụm từ có chữ “Ý” đứng đầu như : Ý thức, Ý tứ, Ý niệm, Ý nghĩa, Ý vị, Ý cảnh, Ý khí, Ý hướng, Ý đồ, Ý nguyện, Ý chí, Ý chỉ, Ý trung nhân, …; lại có thể kể ra những từ có chữ “Ý” đứng sau như: đắc ý, như ý, trung ý, tùy ý, dụng ý, thiên ý, … Nhiều từ ghép như vậy, nếu tách bỏ đầu cuối các từ ghép, để chữ “Ý” ra đứng một mình, thì kết quả sẽ như thế nào? Đi tìm lời giải cho trò chơi đoán chữ này thực tế sẽ rất có ý nghĩa để nâng cao nhận thức.
Theo góc độ phiên dịch. Trong công tác phiên dịch tôi nhận thấy, từ ngữ tiếng Hán có “Ý, Ý cảnh, cảnh giới”, ý nghĩa những từ này chỉ có riêng ở văn hóa Trung Quốc, trong ngôn ngữ phương Tây thì không có khái niệm hay từ ngữ tương đương, nên dịch ra thì hoặc là không đạt được ý hoặc là phải chú giải rất nhiều. Điều đáng chú ý hơn là, trong hệ thống Hán ngữ, chữ “Ý” có nội hàm sâu sắc, quá phân nửa là chỉ có thể ngầm hiểu, nên rất khó đưa ra định nghĩa rõ ràng.
Luyện ý là khái niệm thông dụng trong võ thuât Trung Quốc, nhưng trong luyện tập Thái cực quyền thì đặc biệt chú ý tới luyện Ý và các tầng lớp của Ý. Thái cực quyền nhìn từ bên ngoài là động tác tay chân, phục vụ chiến đấu. Tuy nhiên, thân thể muốn động thì trước tiên phải có ý hướng động tác, ý đồ và động cơ. Còn cần quán chú một phần lực chú ý, còn cần kích phát một phần năng lượng. Điều này nhất thiết đều phải phát sinh trước động tác cơ thể.
Để phân biệt Ý với việc nghe, nhìn, người xưa đã gọi ý phát động vận động cơ thịt là “động ý”. Trong động ý thì động cơ có trước. Dưới sự chi phối của động ý, cơ chế chớp nhoáng từ tĩnh sang động gọi là động cơ, mà có ở trong câu “động tĩnh chi cơ, âm dương chi mẫu”. Động ý, chịu ý niệm khống chế, phát sinh trước phản xạ có điều kiện mà sinh lý học ngày nay nói tới; vì có ý này nên cần nắm bắt cơ chế động tĩnh trong thoáng chốc mới thực hiện. Động cơ chớp nhoáng này, diễn đạt và vận dụng nó là nội dung trọng yếu cần tìm ra trong Thái cực quyền, mức độ tinh vi của nó thì người ngoài khó mà nghĩ tới được. Vậy mà thật đáng tiếc là, lực học sinh vật hiện đại vẫn chưa hề nghiên cứu về giai đoạn thoáng chốc phát động động tác này và cảm giác xảy ra trước khi vận động, nên không cảm thấy được nó.
Trong quy luật vận động thông thường, phản xạ có điều kiện của cơ thịt sau khi phát động là hành vi bị động không chịu khống chế của ý thức, là do quyết định của quan hệ thần kinh giữa phản ứng cơ thể với phần cơ thể chịu kích thích trong ngoài. Quan hệ này một khi hình thành thì bất kể ý chí con người có thay đổi thế nào, điều kiện đầy đủ thì tất sẽ phát sinh.
Rèn luyện để đạt được phản xạ có điều kiện trên cơ sở gồm: sức mạnh, tốc độ, sức chịu đựng, độ linh hoạt, độ mềm dẻo, theo góc độ của thái cực quyền thì đều thuộc lực thô, lực vụng, lực đần, lực cương của hậu thiên. Ngay sau khi cơ động, năng lượng xung kích cơ thịt, cơ thịt căng thẳng tạo nên tắc nghẽn, kết hợp kết cấu chống đỡ cơ thịt tạo nên hệ thống lực học đòn bảy rất hữu hạn. Muốn thay đổi động tác, nhất thiết phải tiếp tục thả lỏng, lỏng hết mức, rời mà không tách khỏi hệ thống. Khi năng lượng lưu trữ trong cơ thịt, tạo nên trạng thái căng thẳng, năng lượng lưu động và truyền dẫn đến khi bị trở ngại, tới chỗ cực hạn. Lúc này từ cơ thịt đến các khớp xương trói buộc nhau, công lực truyền dẫn không được, động không được, đây là thứ mà Thái cực quyền kiêng kỵ và nói “bất dụng ý nhi dụng lực, tối dị dẫn động, bất túc thượng dã” (không dùng ý mà dùng lực, rất dễ xảy ra, cần phải phòng tránh).
Thái cực quyền yêu cầu toàn thân thả lỏng, không được có một chút ít cương kình giữ lại bên trong, không để cho cơ thịt gân xương tự trói buộc mình, dưới sự chỉ huy của Ý, làm cho năng lượng căng thẳng của cơ thịt từ trong giam giữ được giải phóng ra, đi tới cực hạn mà không trở lại cơ thịt, càng không phát động phản xạ có điều kiện, đó chính là lỏng cơ thịt (nói cách khác: tâm thần thả lỏng). Mục đích của lỏng là giải phóng năng lượng trong quá trình bổ sung cho phản xạ có điều kiện từ những tuyến cố định, để phát huy ý dẫn động cơ thể mà thực hiện “khinh linh biến hóa, viên chuyển tự do”.
Khởi đầu luyện ý, năng lượng cơ thịt thả lỏng, để hồi phục ý niệm chi phối, nguồn cơ phát sinh, ý niệm và lực chú ý bản thân cung cấp năng lượng và tăng lực, tuy nhược nhưng đủ để hấp thu một phần năng lượng từ quá trình giải phóng năng lượng trong cơ thịt, kết hợp với kình xuyên suốt của các khớp kết hợp nhau, đạt đến khinh tùng (nhẹ nhõm), có được kiên định liên miên bất đoạn, từ đó khắc phục tính cục bộ của động lực và kết cấu chống đỡ phản xạ có điều kiện.
Do cơ thịt thả lỏng mà năng lượng được giải phóng vốn dĩ không cố định phương hướng, chỉ cần tâm khí thả lỏng, tự nhiên hợp thành một khối, dày đặc ở bên trong, gọi là “khí biến thân khu” (khí đi toàn thân). Vì ý niệm có phương hướng, có thể xuyên qua cơ thể, khí xuyên qua tạo thư giãn, cũng có thể dẫn dắt một phần khí định hướng vận động. Quá trình này, ý niệm có được một phần năng lượng, năng lượng đạt được một phần ý thức dầy đặc. Năng lượng tản ra này sẽ đi theo ý niệm chỉ huy để tập trung lại thành Kình khí, thông qua hoạt động này, ý niệm đạt được năng lượng tạo ra từ lỏng để thực hiện điều động. Lỏng, là tiền đề điều động năng lượng, tăng cường cho ý niệm chỉ đạo, để có thể đạt “Ý chi sở chí, khí tức chí yên” (Ý ở đâu thì khí ở đó), tôn sư Dương Trừng Phủ nói về khí này, chính là năng lượng.
Năng lượng ý thức và năng lượng cơ thịt, một âm một dương, trạng thái giao kết bên trong, năng lượng ý niệm thì hữu hạn, nhưng thông qua động tác tương hỗ của năng lượng cơ thịt từ thả lỏng, thì chuyển hóa thành thứ mới tiếp thu “tinh hoa năng lượng” của ý niệm chi phối, có đủ năng lực chi phối; đồng thời, bởi vì cùng với ý niệm tạo ra tương tác mới, nên năng lượng cơ thịt ban đầu nhận được thông tin của ý niệm, cũng có thể khống chế và hiệu năng cao. Như thế, thông qua cải tạo ý và kình, hình thành trạng thái tương tác hoàn toàn mới, dưới sự chỉ huy của ý niệm nhẹ nhàng, kiên định, liên miên bất đoạn mà năng lượng cơ thịt có thể được người tập tùy ý điều động, đây chính là “Ý” mà thái cực quyền nói tới “dụng ý bất dụng lực”. Thông qua luyện tập kết hợp Ý với Thân, để đi đến ý khí di chuyển tự do, tùy ý biến đổi các trạng thái: điểm, đường, diện, thể, cầu, khiến cơ thể hoàn toàn nghe theo sự điều phối của Thần, Ý, Khí. Như thế mới đi đến công phu cao cấp của Thái cực quyền.
“Ý khí quân lai cốt nhục thần” (Ý khí là vua, xương thịt là quần thần), nghe thì đơn giản nhưng đi tới cùng thì không hề dễ. Thầy Thạch Minh ngày xưa rất chú trọng “luyện Ý”, khi đó tôi không hiểu, đến nay vẫn tiếp tục tìm hiểu. Đọc qua sách Thầy Uông để lại, lại được thầy Uông Trung Minh giảng giải cho nhiều năm, lại trăm phương nghìn kế không ngừng đi giải nghĩa “luyện ý”. Trong quá trình “dùng ý luyện ý”, thì có tác động qua lại của 2 loại “Ý”, tạo ra cái “Ý” thứ ba, tác động của “Ý” thứ 3 với kình khí lại tạo ra các tầng “Ý” lên cao nữa, cần trải qua giai đoạn “giữa có ý và không có ý”, để đạt tới cảnh giới “vô ý chi ý vi chân ý” (Ý mà không ý là Ý chân thật), cuối cùng thì “tâm tử thần hoạt” (tâm chết thần sống), đạt tới cảnh giới ảo diệu vô cùng. Tâm huyết của Uông công Vĩnh Tuyền, kết lại trong câu “Lỏng Tán Thông Không, Thính Vấn Nã Phóng”, đủ để mọi người dành cả vài đời nghiên cứu vậy!
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe