DIỄN ĐÀN UÔNG MẠCH HÀ NỘI - DIỄN ĐÀN MÙA DỊCH 2021 (Link đầy đủ)
Năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp buộc chúng ta phải hạn chế các hoạt động tập trung đông người, diễn đàn được lập ra với mục đích để mỗi thành viên CLB trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm luyện tập của bản thân. Hy vọng những chủ đề thảo luận cùng ý kiến, hướng dẫn của chủ nhiệm CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội dưới đây sẽ đem lại các giá trị tích cực cho những ai yêu thích Thái cực quyền.
CHỦ ĐỀ 2: LỎNG
1- Tại sao tập Thái cực quyền lại cần buông LỎNG ?
2- LỎNG có bao nhiêu trạng thái? Cấp độ nào thì không cần nhắc đến LỎNG nữa
---
Buông lỏng để thư giãn, không chỉ có ở Thái cực quyền mà nên thực hành mọi lúc, mọi nơi, không những có lợi cho sức khoẻ mà còn ảnh hưởng tích cực tới nhân sinh quan và thế giới quan của chúng ta.
Thái cực quyền đưa ra những yêu cầu về LỎNG rất cụ thể, kèm theo đó là những động tác, bài tập để người tập dựa vào đó thực hành buông lỏng.
Toàn bộ cơ thể gồm gân, cơ, xương khớp và não bộ từ đầu xuống tới bàn chân đều phải được buông LỎNG thoả đáng, ban đầu thì buông LỎNG cơ bắp bên ngoài, sau một thời gian phải có ý thức buông LỎNG các cơ quan nội tạng bên trong, đặc biệt là cơ hoành và khoang bụng khi vận động không được o ép, co thắt mà phải thư giãn, cởi mở.
Đối với cơ thể LỎNG có 3 giai đoạn:
1- Chân tay trở nên nặng hơn, cơ thể có cảm giác trầm nặng xuống, biểu hiện dễ thấy là bắt đầu trạm trang ở tư thế cao và kết thúc ở tư thế thấp. Đây gọi là LỎNG trầm.
2- Ngược lại với cảm giác trên, thân thể cảm thấy nhẹ hơn, tinh thần thoải mái, cử động nhẹ nhàng, linh hoạt. Đây gọi là LỎNG khinh (khinh linh).
3- Trạng thái cuối cùng của lỏng chính là tán (tản ra) giống như bạn ném một hòn sỏi xuống nước, nó tạo sóng, sóng này sẽ lan ra rồi biến mất, mặt nước trở lại bình thường. Đây gọi là LỎNG tán
Trên là những trạng thái thể hiện quá trình diễn tiến của buông lỏng, các bạn tự đánh giá mình đang ở giai đoạn nào bằng cảm nhận của bản thân.
LỎNG có thể hiểu đơn giản là giảm căng thẳng, giống như bạn xách một vật nặng và để nó xuống đất vậy, cảm giác thật thoải mái. Với não bộ và trung khu thần kinh, buông lỏng chính là giảm tối đa những áp lực tinh thần, bớt nghĩ ngợi, thư giãn vùng đầu mặt cũng có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh.
Cơ thể LỎNG tốt là nền tảng để chúng ta học cách THƯ GIÃN.
LỎNG là trạng thái, THƯ GIÃN là năng lực bởi nó có mặt của luyện ý và luyện tâm.
Khi bạn đạt được trình độ THƯ GIÃN thì đương nhiên không cần nhắc tới LỎNG.
CHỦ ĐỀ 3:
Chúng ta có nên tìm kiếm những động tác, bài tập hỗ trợ như xoạc chân mở khớp, kéo giãn người hay là uốn dẻo để hỗ trợ cho việc buông lỏng không? Nếu có thì nên tập như thế nào và vào lúc nào là tốt nhất?
---
Đến bây giờ tôi mới có thể thảo luận và đưa ra cách nhìn cá nhân về việc tập thêm các động tác hỗ trợ nhằm giúp cải thiện về buông lỏng.
Bởi cùng nằm trong phạm trù VẬN ĐỘNG nói chung nên việc tập thêm các động tác xoạc, kéo giãn, uốn dẻo đều có thể chấp nhận được. Nhưng lợi có và hại có nếu người tập hiểu không đúng, thực hành không đúng thì nó sẽ phản tác dụng, ngược lại thì chúng hỗ trợ thêm cho cơ thể dễ dàng mở rộng và buông lỏng. Quan trọng là bạn nên biết tập như thế nào và vào thời điểm nào để tận dụng được những ưu điểm của động tác bổ trợ.
Giống như khi bạn ngồi lâu ở một tư thế thì điều bạn thích thú đó là cử động vươn vai và xoay vặn lưng, ở chừng mực nào đó nó làm cho bạn dễ chịu, nhưng cũng có rất nhiều người lại bị đau hoặc có thể bị thoát vị từ tư thế cúi gập, vươn vai, xoay vặn lưng…
Nguyên nhân ở đây là vì: bạn không kiểm soát được chừng mực của nó cộng với bạn thực hiện quá nhanh, quá mạnh làm cho cơ và dây chằng bị sai tư thế và nhất là bạn không có sự phối hợp từ bên trong cơ thể nên rủi ro bị đau là rất dễ gặp.
Để khắc phục vấn đề này bạn chỉ cần tiến hành tập chậm rãi và thư giãn, tư thế cao, thấp, rộng hẹp tuỳ bạn lựa chọn sao cho phù hợp với thể trạng từng người, tìm kiếm sự nhẹ nhàng và dịu dàng trong từng cử động, không nên cố gắng quá sức, tập sao cho đạt được thư giãn, thoải mái thì sẽ hạn chế được rất nhiểu rủi ro.
Mọi người có thể tìm thấy nhiều động tác mà các bạn được hướng dẫn, chúng đều mang tính chất đó. Ví dụ mở rộng hông thì có bước bộ, động tác tanhaizhuang, quy nguyên công, xay lúa, hạ thế độc lập… đều là những động tác giúp cơ thể vừa mở rộng và tăng cường dẻo dai. Với tôi thì từng đó động tác nếu được tập đúng và kỹ lưỡng đã là đủ cho nhu cầu của cơ thể. Vậy chúng ta có cần tìm kiếm nữa hay không, câu trả lời là của các bạn.
Suy cho cùng nếu bạn tập một động tác nào đó mà không có sự tham gia đầy đủ của ý thức, năng lượng và các cơ quan nội tạng bên trong thì bạn sẽ nhận về kết quả không nhiều, ngược lại nếu bạn đưa nguyên lý của ý, khí vào động tác đó thì cử động ấy nghiễm nhiên là kiểu vận động trong Thái cực quyền mất rồi :D … Đúng hay sai thì chúng ta cũng suy ngẫm nhé.
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe