Trời là những gì khách quan, đối lập với Trời thì Người chính là thế giới chủ quan của con người (tuy nhiên bản thân con người cũng phân chủ - khách, cơ thể con người thuộc về tồn tại khách quan, ý thức con người gồm nhận thức về bản thân, về Trời là thuộc chủ quan).
Cốt lõi của Thái cực quyền chiến đấu
Kỹ thuật chiến đấu thông thường đều dựa trên cơ sở tăng năng lực phản xạ có điều kiện “hậu thiên”, tăng năng lực đối kháng và đột phá các yếu tố: sức mạnh, tốc độ, chịu đòn, nhanh nhạy. Thái cực quyền tất yếu áp dụng nguyên lý thái cực, mở ra đường lối khác biệt, có thể nói là đường lối “phản thường”, “đi ngược”, dĩ nhu thắng cương. Nói đơn giản là, tránh đi yếu điểm của phản xạ có điều kiện, huy động đầy đủ tố chất bản năng của con người (tức phản xạ không điều kiện của “tiên thiên”). (tham khảo link: Thái cực quyền và phản xạ có điều kiện)
Có người đã khái quát ra 5 đặc trưng lớn về Thái cực quyền chiến đấu gồm:
- Động trung cầu tĩnh: chính là đầu tiên hóa giải mọi xung đột lực học, làm thân tâm không còn xung đột mà nên tĩnh lặng.
- Dĩ tĩnh chế động: chính là mượn TĨNH, tức trạng thái không có xung đột để chế ngự ĐỘNG của đối phương.
- Cương nhu tương tế: tức âm dương tương tế, không phải dựa vào âm dương tranh đấu mà dựa vào âm dương hòa hợp tương trợ để không ngừng xử lý xung đột trong quá trình vận động.
- Dĩ nhu khắc cương: tức là lấy yếu thắng mạnh.
- Hậu phát tiền tới: dựa trên kỹ thuật “tiếp thủ” đặc trưng của Thái cực quyền mà chuyển thế bị động sang chủ động, đi đến “ta thuận người nghịch” tức trạng thái nắm quyền chủ động hoàn toàn trong chiến đấu.
Thế nên cơ bản công của Thái cực quyền (như Vô cực trang, các động tác cơ bản như chèo thuyền, nghiên ma trửu, đơn thao, bàn giá, thôi thủ …) đều không ngoài nhấn mạnh 1 chữ “LỎNG”, người thầy liên tục nhắc đi nhắc lại cần “Lỏng”. Thậm trí Uông công Vĩnh Tuyền còn nhấn mạnh “đánh người không phải khi căng mà là khi lỏng”. Cho nên cơ sở rèn luyện của Thái cực quyền không phải là hơn thua mà là luôn tìm cách “hóa giải xung đột trong vận động” thông qua LỎNG (tham khảo: Hóa giải đối kháng là cốt lõi của kỹ năng cơ bản thái cực quyền). Hóa giải bản thân là “công phu tri kỷ”, hóa giải đối phương là “công phu tri bỉ”. Do vậy, học tập Thái cực quyền gắn liền với kỹ thuật giúp nhau “cho tay ăn”: người xuất thủ ta hóa giải, ta xuất thủ người hóa giải. Tôi gọi việc “cho tay ăn” là “phòng thực nghiệm Thái cực quyền” (tham khảo: Thực nghiệm khảo cổ Thái cực quyền)
Bạn xem, bạn đưa tay ra như vậy, tuy bạn có chủ - khách (quan) riêng, nhưng với tôi bạn chỉ là khách thể thuần túy, bạn với tôi hoàn toàn như nhau. Hai khách thể va chạm với nhau tạo ra xung đột; bạn đi trước bạn chủ động, tôi ra sau tôi bị động, tôi sẽ ăn đòn trước. Theo nguyên lý Thái cực quyền, tôi phải thực hiện “đi sau đến trước”. Làm thế nào đây?
Tôi không thể giằng co với bạn ở điểm tiếp xúc, tôi cần phải hiểu “kỹ thuật tiếp thủ” của Thái cực quyền, đi vào toàn bộ đường lực từ khi phát động (động cơ) đến khi tay xuất, gồm toàn bộ kết cấu kình lực, toàn bộ “mạng lưới” lực học, thông ở đâu, tắc ở đâu, căng ở đâu, trùng ở đâu. Tóm lại, tôi giống như rađa “vừa quét đã thấy” tình hình tất cả lực học trong ngoài của bạn. Sau đó, điều khiển yếu điểm của bạn trong tình thế bạn không biết (đây gọi là “người không biết ta, chỉ ta biết người”). Chỉ có như vậy tôi mới có thể bất ngờ chuyển từ bị động sang chủ động, hoàn toàn nắm quyền chủ động, mà giành phần thắng. Quá trình này, cùng với ý thức thực sự buông bỏ chủ quan của mình thì tôi biết được tận gốc quá trình khách thể trong bạn.
Kể ra như trên thì đơn giản, nhưng trên thực tế thì không đơn giản. Muốn làm được thì trong rèn luyện cơ bản công ta đã phải cơ bản hóa giải được các xung đột lực học của bản thân, hóa giải được tất cả trở ngại lực học, thoát khỏi lực cản trở của cơ thịt và khớp xương toàn thân, biến cơ thể trở thành thể dẫn lực thông suốt, đó gọi là “tiết tiết quán xuyến”, “khí đi toàn thân không thiếu hụt”.
Lực tác dụng, phản lực, phản lực của phản lực ở đó đều bị ý niệm của ta chi phối và khống chế trên mọi phương vị. Bạn xem, bạn đưa tay ra, tôi ra tay tiếp đỡ, không phải tôi trực tiếp chống lại, mà là thông qua phản lực của bạn, trong tích tắc đã đến “nơi xuất phát của bạn”. Bạn khởi phát từ đâu? Bạn động thế nào, đều bắt đầu từ “Không”!, tôi đi đến chỗ “điểm Không” của bạn, đợi “chặn cửa nhà bạn”, cũng chặn giữ toàn bộ đường kình từ trong cửa nhà bạn đến điểm tiếp xúc giữa tôi và bạn, thế nên bạn cảm thấy bị động. Lần phát động đầu tiên của bạn không đạt, bạn phát động trở lại, nhưng tôi đã chặn bạn ở nơi bạn muốn phát động lại; bạn chuyển vị trí phát động, tôi vẫn có thể chặn ở vị trí mới; tôi còn có thể dẫn dắt hướng phát kình của bạn ra khỏi quỹ đạo ý đồ của bạn, thế nên bạn sẽ bị đổi hướng đến nơi mà bạn không muốn đi. Đây là phần cốt lõi của Thái cực quyền chiến đấu. Luyện tốt rồi, đều là thứ xảy ra trong tích tắc.
Tuy nhiên, việc rèn luyện thực tế cần phải trải qua nhiều giai đoạn, để dần dần tăng cường độ linh mẫn và cảm nhận tinh tế. Chiến đấu trong thực tế cũng là những thứ xảy ra trong tích tắc. Chậm trong Thái cực quyền chính là làm rõ thứ ảo diệu ở bên trong, kéo dài thời gian thứ xảy ra trong tích tắc, giống như kính hiển vi phóng to gấp nhiều lần (tham khảo: chậm trong thái cực quyền ), như thế mới có cơ hội để từng bước nhìn thấu toàn bộ nội dung vi tế trong tích tắc đó (không cho tay ăn thì không thấy được). Cuối cùng mới phục hồi nó làm trong tích tắc, “chim sẻ tuy nhỏ, nhưng đủ ngũ tạng” (vật tuy nhỏ nhưng đầy đủ kết cấu phức tạp). Chúng ta ở đây bàn về “tiếp thủ”, trên thực tế quan hệ tới toàn bộ tu luyện nội công của Thái cực quyền truyền thống, nó là loại quyền “tinh vi cao”. “Thái cực quyền mười năm chưa xuất môn” là chỉ người luyện quyền đang còn ở “trong nhà”, mà gần như là khổ luyện 8 tiếng mỗi ngày ngay từ nhỏ. Còn như chúng ta ngày nay chỉ là luyện tập nghiệp dư, làm sao có thể đạt thành tựu đây?
Như trên phân tích, hóa giải xung đột lực học là nhập môn TCQ và cơ bản công nâng cao. Nếu bỏ qua được vọng tưởng: một bước lên trời, luyện được ít đã muốn thi đấu hay thực chiến, thì mọi người đều có thể từ từ học tập, ít nhất có thể nắm bắt khái quát kỹ thuật truyền thống, thu được nhiều cảm thụ mới mẻ, thể nghiệm từng chút sự ảo diệu của TCQ, đạt được cảm ngộ khác thường, thế cũng đem nhiều lợi ích cho bản thân.
Nếu như 2 người đồng môn, đều biết “cho tay ăn” là như thế nào thì có thể “chơi” Thái cực quyền rồi. Chúng ta đều biết, Thái cực quyền là một môn võ thuật, là học chiến đấu, nhưng ở đây chúng ta tạm thời coi chiến đấu và thi đấu là “việc tương lai”, chúng ta “chơi” trò hóa giải trước.
Bạn xem, bạn ra tay, tôi “tiếp thủ”, bạn cảm nhận xem tôi làm gì, tôi cũng cho bạn biết tôi làm gì. Trong quá trình này, tôi vẫn dẫn dắt bạn, giúp bạn đả thông những vị trí tắc nghẽn trên cơ thể, giúp bạn tạo ra kình xuyên suốt, kình bơi lội, tiêu trừ cho bạn bao nhiêu là xung đột lực học trong cơ thể, giúp đánh thức năng lượng đang ngủ trong cơ thể bạn. Việc này giống như mát xa cơ thể bạn từ trong ra ngoài, cho đến khi bạn tự làm được trong luyện tập. Việc này rất hữu ích cho bạn điều chỉnh hình thế, điều khí, điều tâm và bảo tồn năng lượng sống. Ngược lại, bạn đến, bạn cũng làm cho tôi như vậy, giữa những người cùng học cũng làm như vậy, thế thì đó là trị liệu vật lý cho nhau, mọi người đều có thu hoạch trên cơ thể, cũng học được cơ bản công về hóa giải xung đột. Hai bên một tiến một lùi, đáp thủ như vậy, đẩy đi đẩy lại, cùng nhau vận động trong trạng thái hòa hợp, cảm nhận đầy đủ và hưởng thụ trạng thái giao hòa, cảm nghiệm “trời người làm một”, cũng nhờ đó dần dần nắm bắt được cơ bản công trọng yếu nhất của Thái cực quyền.
Tiếp tục chơi sâu hơn, hoặc cùng lúc đó, dần dần cảm thấy eo đùi và toàn bộ xương khớp trở nên thư giãn linh hoạt hơn, năng lượng tự do lưu động hơn trong cơ thể, trạng thái tinh thần mỗi lúc một nâng cao. Nếu có thể còn cảm nhận được trước và sau cơ thể có một dạng “thế”, trong ngoài cơ thể đều trở nên săn chắc hơn, đầy đủ hơn, vậy thì hiệu quả rất lớn. Hai bên vận động tự do, thì tất sẽ muốn thử xem có thể dẫn động điểm đối phương chưa hóa giải, nếu dẫn được thì đối phương sẽ thấy “thua”. Tiếp theo lại thử, đối phương cũng thử, như thế xuất hiện yếu tố chiến đấu trong Thái cực quyền, vừa không hại người lại có thể phân “thắng thua”, thế chẳng vui sao.
Đây đều là sự tác động vào yếu tố phản xạ vô điều kiện. Phản xạ vô điều kiện, vốn không có quan hệ gì với ý thức trực giác của chúng ta, nó rất gần với trạng thái “thiên nhân hợp nhất”, nhưng sau khi hình thành nhiều phản xạ có điều kiện, khiến cho thế mạnh của nó bắt đầu lấn át phản xạ vô điều kiện, rồi ra sức cạnh tranh, trói buộc phản xạ vô điều kiện ở nhiều góc độ, khiến cho con người ngày càng xa rời quan hệ “thiên nhân hợp nhất”. Thái cực quyền đưa ý thức tự giác vào trong hệ thống lực học phản xạ vô điều kiện, trên góc độ nào đó, đưa con người trở lại trạng thái tiếp cận gần hơn “thiên nhân hợp nhất”, cũng gần hơn với trạng thái “chủ khách bất phân”.
Sau khi chúng ta đi vào trạng thái hai bên hòa hợp, bên ngoài cơ thể chúng ta sẽ hình thành một dạng “trường Thần Ý Khí”, thường gọi là “trường khí”, nó sẽ giúp chúng ta tạo quan hệ hòa hợp với môi trường xung quanh. Khi tôi đi vào hệ thống năng lượng bao quanh thì tôi tiếp nhận được phạm vi khách quan lớn hơn. Bạn cũng như vậy, không chỉ tôi, bạn cũng có thể vào môi trường của tôi, như thế hai người chúng ta mỗi người đều tạo nên sự thống nhất chủ - khách quan, cùng hòa hợp với môi trường xung quanh, cùng làm cho môi trường xung quanh trở nên hòa hợp hơn.
Tôi thả lỏng căng thẳng cơ bắp, lực tấn công của bạn lên cơ thể tôi không tìm thấy điểm tác dụng mong muốn; tôi tấn công, bạn thả lỏng căng thẳng, bạn không còn căng thẳng, thế thì bạn lại xử lý được điểm tác dụng tôi mong muốn. Hai bên luân phiên đều không tìm ra điểm tác dụng lực của đối phương, như thế không tạo ra xung đột. Trong quá trình bạn xử lý tôi, tôi xử lý bạn, giữa chúng ta hình thành kình lực tuần hoàn chung, cùng nhau vận động hòa hợp. Mà “hòa hợp” thuộc về phạm trù “thiên nhân hợp nhất, thế nên chúng ta không ngừng đi đến đạo lý “thiên nhân hợp nhất”. Ai hòa hợp người đó có trình độ cao, người đó là người chiến thắng. Ở đây không có ý đồ làm ai tổn thương, làm ai đau đớn, mà chỉ là hai người cùng tìm hiểu một vấn đề, là làm sao hóa giải mọi căng thẳng.
Căng thẳng là gì? Căng thẳng chính là phản xạ có điều kiện. Tâm lý học cho rằng, phản xạ có điều kiện sinh ra từ sự sợ hãi. Vậy ta lấy gì để ứng phó với phản xạ có điều kiện? Ta lấy phản xạ không điều kiện, nó thực sự là nền tảng sâu rộng nằm dưới phản xạ có điều kiện. Một khi Ý thức của ta kết nối dung hòa với phản xạ vô điều kiện thì đó chính là vận động tâm lý học cao cấp.
Tạo ra xung đột, lại có thể hóa giải xung đột. Hai người cùng đi vào trạng thái không có xung đột. Bạn muốn gây xung đột với tôi, đó là việc bạn muốn, tôi không để cho xung đột của bạn nổi lên, tôi hóa giải xung đột, thế thì bạn thua rồi. Tại sao ư? Bởi vì bạn sợ, nỗi sợ khiến “tim căng thẳng”, hệ thống phản xạ có điều kiện toàn thân bạn nổi lên (đây chính là thứ Uông công Vĩnh Tuyền nói: “tiền đề của lỏng chính là cần thả lỏng tâm khí, các khớp toàn thân theo đó mà lỏng”).
Tôi cũng có sợ hãi, nhưng tôi vừa thả lỏng “tâm khí” thì hóa giải được nỗi sợ, tránh được sự khởi động của hệ thống phản xạ có điều kiện; phản xạ có điều kiện của tôi bị tôi vượt qua, tôi lợi dụng hệ thống phản xạ vô điều kiện bẩm sinh để xử lý vấn đề, cho nên mới có thể thực hiện được “Dĩ nhu khắc cương”. Đây không phải là bạn có lực tôi không có lực, bạn đánh, tôi chịu. Bạn có lực tôi không có lực là điều kiện để: Tôi “đi ý trước”! tức là tôi dùng năng lực của phản xạ vô điều kiện sinh ra mà liên kết với hệ thống phản xạ vô điều kiện của bạn “hợp hai thành một”.
Tôi thông qua “tiếp thủ” biết rõ kết cấu lực học và nguồn khởi phát tay xuất của bạn, đến trạng thái cương kình rối loạn trong phản xạ có điều kiện của bạn, sau đó tôi thực hiện hóa giải lực thô của bạn, khiến bạn mất đi điểm phát lực và điểm tấn công, vì thế bạn “mất gốc” mà mất lực, do vậy tôi không dùng lực. Thái cực quyền hay, hay ở đâu? Chúng ta có thể luyện tập cả đời không có tổn hại, lại không ngừng nâng cao kỹ thuật. Như thế chúng ta rèn được thân thể, lại luyện được kỹ thuật chiến đấu.
Trước đây chúng ta chỉ biết một thể thống nhất phân thành hai, thì hai mặt đối lập sẽ rơi vào trạng thái tranh đấu, cuối cùng một bên đánh hạ bên kia mà giành chiến thắng. Lịch sử nhân loại chính là phát triển trong sự tranh đấu như vậy, đó là sự thực. Nhưng cổ nhân Trung Quốc trong quá trình tìm hiểu “thiên nhân hợp nhất”, theo đuổi hòa hợp, ngoài thấy phân tranh còn phát hiện ra nguyên lý thái cực về “âm dương bổ trợ”, “âm dương tương tề”. Âm Dương đối lập trong thái cực (bao gồm cương nhu, hư thực, khai hợp, thu phát …) đều không phải là trạng thái tranh đấu mà là trạng thái hòa hợp (chỉ có vượt quá giới hạn này, mặt đối lập mới đi đến trạng thái xung đột, đối kháng và tranh đấu). Đây chính là phát hiện vĩ đại của văn hóa truyền thống Trung Quốc, cũng là một cống hiến vĩ đại cho toàn nhân loại. Thái cực quyền chính là điển hình mẫu mực về triết lý thái cực. Sự “hòa hợp” đến “thế giới hòa hợp” mà Thái cực đại diện và biểu hiện chính là lý tưởng, phương hướng, lời kêu gọi theo đuổi và nỗi lòng chung của nhân dân toàn thế giới.
Tôi không phủ nhận tác dụng của phản xạ có điều kiện. Ngược lại, trong sinh hoạt hàng ngày, lao động trong hòa bình và chiến tranh, từ xưa tới nay nó luôn khẳng định là thứ không thể thiếu được. Bản thân tôi cho rằng, hòa hợp thái cực với “thiên nhân hợp nhất” mới thực sự đại diện cho sự tỉnh thức cuối cùng của con người và tương lai vận mệnh chung của nhân loại. Phát hiện của người Trung Quốc tuy có từ cổ xưa nhưng là để cho tương lai.
Trích từ: Tiêu Duy Giai: Thái cực hòa hợp Thiên nhân hợp nhất
Thông tin về các lớp tập tại CLB Thái cực quyền Dương thị Uông mạch Hà Nội:
Lớp thái cực quyền truyền thống
và Lớp Khí công thái cực quyền để phục hồi sức khỏe